Chiều 18/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến tỉnh Khánh Hòa kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 14. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 14, tại cảng cá Đá Bạc, thành phố Cam Ranh.
Tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ với người dân bị thiệt do cơn bão số 12 vừa qua gây ra; đồng thời lưu ý bà con khẩn trương kê khai thiệt hại, để Nhà nước có các chính sách hỗ trợ, khôi phục lại sản xuất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, chính quyền địa phương thông báo cho chủ tàu thuyền vào khu neo đậu tránh trú bão, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển, sơ tán triệt để người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm…
Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, về công tác ứng phó với cơn bão số 14.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt của địa phương trong công tác phòng chống bão; đồng thời lưu ý địa phương cần rút kinh nghiệm trong việc ứng phó với cơn bão số 12 vừa qua.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, địa phương rà soát lại số tàu thuyền còn hoạt động trên biển, tổ chức kêu gọi và hướng dẫn ngư dân đưa tàu ra khỏi vùng biển nguy hiểm; trong các khu neo đậu tránh trú bão, địa phương cần tổ chức lực lượng, hướng dẫn ngư dân sắp xếp tàu thuyền đảm bảo an toàn, kiên quyết sơ tán người dân ở trên tàu thuyền và trên các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản ở trên biển; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để hỗ trợ người dân…
Trước đó, để chủ động ứng phó với cơn bão số 14 với dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, trưa 18/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành công điện khẩn, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các đơn vị quản lý hồ chứa khẩn trương thực hiện khẩn cấp các biện pháp phòng tránh bão.
Theo đó, các cơ quan chức năng tiến kiểm tra việc neo, đậu, sắp xếp tàu, thuyền tại các địa điểm tránh, trú bão; Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn khẩn trương hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, khắc phục thiệt hại về nhà ở do cơn bão số 12 gây ra để kịp thời ứng phó với mưa, lũ do cơn bão số 14 sắp vào.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương tổ chức sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, vùng ven biển, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ảnh hưởng gió mạnh do bão gây ra đến nơi an toàn, không để người ở lại nhà tạm, nhà yếu có thể tốc mái, sập đổ khi bão to, gió lớn. Những việc nói trên phải hoàn thành trước 19 giờ tối nay (18/11).
Các lực lượng chức năng phải bố trí lực lượng chốt chặn, kiên quyết không để người dân qua lại tại các đoạn đường ngập lụt, các cầu tràn, ngầm và các vùng sạt lở nguy hiểm khi có mưa lũ lớn, ngập lụt xảy ra; thông báo cho các hộ nuôi trồng thủy sản biết, sắp xếp để trở vào bờ, kiên quyết không để người dân ở lại các lồng bè khi bão tới.
Tổ chức chặt tỉa cành cây dễ đổ ngã trên các tuyến đường của thành phố, thị xã, thị trấn; tổ chức nạo vét khơi thông các hệ thống mương tiêu thoát lũ, hệ thống cống rãnh đảm bảo thoát lũ, chống ngập lụt do mưa lớn gây ra.
Đối với số tàu đánh bắt thủy sản, các tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác không được ra khơi kể từ 12 giờ ngày 18/11.
Đối với các ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, trên biển phải bắt buộc trở vào bờ vào 16 giờ chiều nay (18/11) cho đến khi hết bão. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học cho học sinh nghỉ học từ 12 giờ ngày 18/11 đến hết ngày 20/11.
Tối 18/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 14 tại Cảng cá Ninh Chữ; khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản tại xã Nhơn Hải (tỉnh Ninh Thuận).
Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, nghe báo cáo về công tác ứng phó với cơn bão số 14.
Phó Thủ tướng ghi nhận và biểu dương tỉnh Ninh Thuận đã chủ động, tích cực, tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống bão.
Đồng thời lưu ý Ninh Thuận là tỉnh chưa có kinh nghiệm phòng chống bão; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ quan, trường học, nhà dân chưa đủ kiên cố để chống chọi với bão. Do đó, tỉnh phải tiếp tục tăng cường các giải pháp ứng phó, nhằm giảm thiệt hại.
Tỉnh cần rà soát lại lực lượng tàu thuyền; đề phòng, không để người dân trở ra vùng nguy hiểm; kiên quyết đưa người dân đến nơi an toàn; không để người dân nào ở lại trên tàu, thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời rà soát kêu gọi tất cả tàu thuyền (trong và ngoài tỉnh) về nơi neo đậu nơi an toàn; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân khu 5, bộ đội biên phòng, cùng các lực lượng tại địa phương tuyên truyền và hỗ trợ nhân dân khu vực ven biển chằng, chống nhà cửa để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ vào bờ.
Tỉnh cần rà soát, kiểm tra lại các hồ đập, có giải pháp vận hành an toàn. Cùng với đó phải có giải pháp bảo vệ công trình dân sinh, bảo đảm công trình giao thông, thủy lợi, bảo đảm an toàn giao thông, thông tin liên lạc. Chủ động triển khai Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó hậu quả bão lũ…/.
Theo: Viet Nam Plus