Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề

Hiện nay, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề của tỉnh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN). Để nâng cao chất lượng lao động, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa có kế hoạch phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong tình hình mới.

Thiếu lao động chất lượng cao


Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ nguồn lao động. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 29.800 người, trong đó hệ cao đẳng và trung cấp hơn 7.700 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên hơn 22.100 người. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ cấu lao động qua đào tạo nghề chưa hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của DN.



Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thiếu lao động kỹ thuật chất lượng cao.



Dễ thấy nhất là tỉnh rất thiếu lao động kỹ thuật, chất lượng cao ở các ngành mũi nhọn như: Chế biến thực phẩm, xây dựng, cơ khí, công nghệ thông tin, kinh tế biển… Thời gian qua, các nhà thầu, DN đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong có nhu cầu tuyển khoảng 4.000 lao động kỹ thuật. Tuy các DN liên tục đăng tuyển qua các phiên giao dịch việc làm, thông qua các hội, đoàn thể, trực tiếp gửi văn bản đến các xã, phường, thị trấn tuyển dụng nhưng có rất ít lao động đáp ứng được nhu cầu. Vì không tuyển đủ lao động nên các DN phải liên kết tuyển lao động ngoài tỉnh vào làm việc.


Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 10.000 DN hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Thế nhưng, có gần 200.000 lao động chưa qua đào tạo nghề, chất lượng tay nghề chưa cao. Theo đánh giá của các nhà tuyển dụng, chất lượng, tay nghề của người lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay rất thiếu và yếu. Đa phần lao động sau khi tuyển dụng, các DN đều phải tổ chức đào tạo lại tay nghề. Do đó, mấy năm gần đây, tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo lại tay nghề cho người lao động trong các DN. Theo đánh giá của các DN, năng suất làm việc của người lao động trên địa bàn tỉnh còn thấp. Một trong những nguyên nhân chính là do trình độ của người lao động còn hạn chế. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 60%…

Phấn đấu lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31% vào năm 2025


Để góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh đạt 85%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%. Để đạt mục tiêu này, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại cũng như đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025”, đảm bảo đến năm 2025, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.


Ông Văn Đình Tri – Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết, hàng năm, sở sẽ dự báo nhu cầu, xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung – cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động. Sở sẽ rà soát, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nhanh chóng ổn định tổ chức, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi được tổ chức, sắp xếp lại; thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa “Nhà nước – nhà trường – DN” trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, khuyến khích DN công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ chú trọng liên kết với DN cùng tham gia quá trình đào tạo. Người học được đào tạo kết hợp, có sự tương tác giữa nhà máy – nhà trường, được nghe và trực tiếp trải nghiệm thực tiễn nhà máy, xưởng sản xuất để vừa học được kiến thức chuyên môn, vừa tích lũy kinh nghiệm thực tiễn…


VĂN GIANG

Theo: Báo Khánh Hòa ( https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202106/phat-trien-nguon-nhan-luc-co-ky-nang-nghe-8218816/ )

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202106/phat-trien-nguon-nhan-luc-co-ky-nang-nghe-8218816/