Ngày 1/3, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) chính thức giới thiệu Hệ thống cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 toàn cầu, tại địa chỉ website http://covid19global.net.

Ngay từ khi có các ca bệnh COVID-19 mới được ghi nhận ở Trung Quốc, các cán bộ nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm của Viện đã có những phân tích chuyên sâu, tham gia cố vấn chuyên môn kỹ thuật cho các tổ chức và cá nhân trong nước và trên thế giới.

Nguồn dữ liệu tin cậy

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Phó giáo sư Trần Xuân Bách – Trưởng nhóm chuyên gia Dự án Phát triển hệ thống cảnh báo sớm COVID-19 toàn cầu (epiNEWS), cho hay hệ thống nhằm cung cấp các thông tin phân tích về nguy cơ dịch bệnh và khả năng đáp ứng của các quốc gia.

[Đại học Y Hà Nội đổi mới toàn diện, tập trung đào tạo đội ngũ tinh hoa]

Hệ thống dựa trên các kết quả nghiên cứu được màng lưới chuyên gia kỹ thuật quốc tế về dịch tễ học và kiểm soát bệnh dịch toàn cầu tiến hành liên tục trên các số liệu cập nhật hàng ngày từ nhiều cơ sở dữ liệu uy tín trên thế giới.

Phó giáo sư Trần Xuân Bách nhấn mạnh hệ thống có ưu điểm là so với các bản đồ trước đây chỉ thuần túy ghi nhận các sự kiện mắc, tử vong và hồi phục, hệ thống này sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, đánh giá các nguy cơ có thể phát triển dịch ở mỗi địa bàn trên toàn thế giới trong mối tương quan đa dạng về đặc tính của virus, hành vi quần thể và các yếu tố sinh thái.

“Nguy cơ này được tổng hợp từ nhiều yếu tố, ví dụ như số người hiện được khẳng định tại mỗi địa bàn, mức độ tương tác, di biến động tại mỗi quốc gia trong màng lưới giao thông hàng không thế giới, các yếu tố mật độ dân số, thời tiết, khả năng đáp ứng và năng lực kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia,” Phó giáo sư Bách chỉ rõ.

Phat trien he thong canh bao som COVID-19 o Viet Nam va tren toan cau hinh anh 1Phó giáo sư Trần Xuân Bách – Trưởng nhóm chuyên gia Dự án Phát triển hệ thống cảnh báo sớm COVID-19 toàn cầu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhờ đó có thể lượng hóa nguy cơ xảy ra sự lan truyền và tốc độ và mức độ lan truyền bệnh. Chẳng hạn như, trong giai đoạn tới hệ thống cho thấy ở nhiều nơi, nguy cơ bên ngoài Trung Quốc đã cao hơn nguy cơ lây nhiễm xuất phát từ các địa bàn trong Trung Quốc.

Phó giáo sư Bách cho hay những kết quả từ nghiên cứu là nguồn dữ liệu tin cậy để các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý tham khảo, thảo luận và phối hợp chặt chẽ với nhóm nghiên cứu để có những đánh giá chiến lược kiểm soát tối ưu nhất.

Việt Nam sẽ vẫn có nguy cơ xuất hiện ca bệnh mới

Giáo sư Lê Thị Hương – Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng cho biết: “Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chúng tôi mong muốn được hòa chung với tâm huyết và trí tuệ của lãnh đạo và nhân dân cả nước cũng như toàn thế giới trong cuộc chiến với dịch bênh COVID-19 này.”

Thông qua hệ thống này, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng kêu gọi nhân dân cả nước làm phong phú thêm dữ liệu cho nhóm nghiên cứu thông qua việc khai báo và phản hồi các thông tin về tình hình dịch và đánh giá chủ quan cũng như quan sát khách quan tại nơi sống của mọi người tại địa chỉ: http://info.covid19global.net/

Theo kết quả nghiên cứu của Dự án Phát triển hệ thống cảnh báo sớm COVID-19 toàn cầu, nhận định sơ bộ cho thấy trong tháng 3, Việt Nam sẽ vẫn có nguy cơ xuất hiện ca bệnh mới do cả các nguồn lây từ Trung Quốc và cả các nước khác.

Các thành phố du lịch có đường bay quốc tế có nguy cơ lớn là Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang. Tính chung nguy cơ cả nước khoảng 21% khả năng Việt Nam xuất hiện ca bệnh, trong đó 13% từ các nguy cơ ngoài Trung Quốc.

Do đó, Phó giáo sư Bách cho rằng kịch bản ứng phó sẽ phải cân nhắc ở nhiều điểm rải rác, nghiên cứu các phương án điều phối và phối hợp nguồn lực con người, phương tiện và trang thiết bị, với các kịch bản có sự tham gia của toàn dân, từng khu phố, thôn xóm, để chủ động giảm thiểu hậu quả của dịch bệnh.

Hiện nay, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 đã lan rộng và trở thành nguy cơ đại dịch lớn trên toàn thế giới.

Từ 59 ca bệnh được báo cáo ở Trung Quốc vào cuối tháng 12 năm 2019, đến nay đã có hơn 85.000 ca bệnh với 3.000 ca tử vong ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày 30/1, Tổ chức Y tế thế giới Ban bố tình trạng khẩn cấp về Y tế công cộng với dịch COVID-19 và kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực và đoàn kết trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm này./.

Với truyền thống lịch sử 118 năm của Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng là đơn vị có kinh nghiệm chuyên sâu về nghiên cứu và đào tạo Dịch tễ học và Kiểm soát dịch bệnh.

Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng khi triển khai dự án này đã nhận được một phần hỗ trợ cho Dự án này từ Quỹ Đổi mới sáng tạo của Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (Vingroup).

Theo giáo sư Hương, kinh nghiệm trước đây trong kiểm soát các loại dịch do virus Corona gây ra đòi hỏi các nguồn lực và sự đầu tư liên tục và kéo dài.

(Vietnam+)

Theo: Viet Nam Plus