Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Phát ngôn ấn tượng từ màn “hỏi xoáy – đáp xoay” giữa ĐBQH và bộ trưởng

Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn chiều 7/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thừa nhận còn những bất cập trong vấn đề phân cấp, phân quyền. Theo ông, nhiều nơi, nhiều cơ quan vẫn không muốn phân cấp vì lợi ích, sợ mất đi quyền lực.

Phó Thủ tướng cũng kể câu chuyện bí thư một tỉnh phía Bắc nắm tay ông cảm ơn vì đã giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng rừng để làm công trình đường giao thông. Vị bí thư này cho biết phải trình 24 thủ tục hành chính mới được giải quyết.

Trả lời chất vấn đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ), Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhận tình trạng mua bán, lộ lọt dữ liệu cá nhân ở Việt Nam hiện nay “rất nghiêm trọng”; tình trạng tội phạm xâm nhập đánh cắp dữ liệu cá nhân rất lớn.

Ông cho biết năm 2023, Bộ Công an xử lý hàng chục triệu vụ xâm phạm cơ sở dữ liệu. Một trong các nguyên nhân là ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân chưa cao, sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân cho người khác hoặc doanh nghiệp trong các giao dịch dân sự.

Trả lời chất vấn về công tác phòng chống tham nhũng, Đại tướng Tô Lâm nói đây là công tác trọng tâm của lực lượng thời gian qua. Theo ông, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng theo phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất kỳ ai. 

“Cần có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để đối tượng phạm tội có thể thao túng nhiều cơ quan, như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Chất vấn Bộ trưởng Công an, đại biểu Hà Hồng Hạnh (Khánh Hòa) phản ánh hàng loạt vụ việc thanh thiếu niên sử dụng ma túy được phát hiện, nhất là nguy cơ ma túy xâm nhập vào môi trường học đường. Nhiều học sinh thành nạn nhân, tham gia mua bán, vận chuyển ma túy.

Trả lời, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa nhận tình trạng sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Ông cho biết Bộ Công an sẽ tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài và coi trọng giảm nguồn cầu là giới trẻ, thanh niên, học sinh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) về xây dựng vị trí việc làm chuẩn bị cho cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đến nay, chúng ta đã hoàn thành xong danh mục vị trí việc làm.

Đối với cơ quan tổ chức hành chính có 866 vị trí; đơn vị sự nghiệp có 615 vị trí và cán bộ công chức cấp xã là 17 vị trí. Đặc biệt, bà Trà cho biết có tổng số lượng là 32 vị trí từ Trung ương đến cấp xã.

Trả lời về việc chất lượng xét xử, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đã đề ra 17 giải pháp, trong đó ông nhấn mạnh việc tăng cường công nghệ thông tin, đưa vào sử dụng phần mềm trợ lý ảo.

“Hiện áp lực công việc ở tất cả các tòa án, không có cách nào khác chúng tôi phải động viên anh em”, ông Bình nói về đề xuất các cấp có thẩm quyền tăng biên chế một cách hợp lý cho hệ thống tòa án.

Chia sẻ với chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) về lương nhà giáo, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng nhìn tổng thể, thu nhập của nhà giáo hiện nay đã có cải thiện nhưng vẫn thấp.

Tới đây khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bà Trà cho biết Bộ Nội vụ sẽ căn cứ vào nghị quyết của Trung ương, ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

Trả lời chất vấn về việc nợ kinh phí khoán bảo vệ rừng của một số địa phương, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết đến 2020, Bộ vẫn cấp ngân sách bình thường cho các địa phương vùng I, II, III. Nhưng sau khi có chủ trương xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc và miền núi, việc chi trả kinh phí khoán bảo vệ rừng cho hai khu vực này bị chậm.

“Với tư cách thành viên Chính phủ, tôi cũng có thiếu sót với người dân các địa phương. Chúng tôi sẽ phối hợp để sớm trình Thủ tướng cấp bù kinh phí cho các địa phương”, ông Hoan nói.

Trả lời chất vấn về thực trạng khai thác khoáng sản trái phép, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh vai trò rất lớn nằm ở phía các địa phương.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết sau khi các vụ án, vụ việc khai thác khoáng sản trái phép xảy ra có liên quan đến “cán bộ địa phương bảo vệ”. Ông cho biết tới đây Bộ TN&MT sẽ phối hợp kiểm tra, giám sát việc này và đề nghị xử lý nghiêm vi phạm.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) chất vấn Bộ trưởng Xây dựng giải pháp khắc phục tình trạng dự án treo, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ sẽ tăng cường thanh tra tại các địa phương và yêu cầu công khai quy hoạch, hủy bỏ dự án đã quá thời hạn hoặc không có tính khả thi.

“Chúng tôi đang xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới, để khắc phục tình trạng quy hoạch treo”, ông Nghị nói.

Tranh luận với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng về 8 dự án BOT thua lỗ, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam) nói giải pháp xử lý các dự án này là sẽ giảm lợi nhuận chủ đầu tư, đàm phán giảm lợi nhuận vốn của ngân hàng.

Theo ông, đây là cuộc đàm phán không cân bằng vì bản chất của ngân hàng là kinh doanh vốn, còn doanh nghiệp khi đầu tư bỏ tiền đồng, thu tiền hào sẽ ảnh hưởng niềm tin của họ. “Chim sẻ hoang mang thì đại bàng lo lắng, nên cần rất cân nhắc giải pháp này”, ông nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói 8 dự án BOT đang được Bộ làm việc sát sao với nhà đầu tư, ngân hàng “trên cơ sở đàm phán bởi đây là hợp đồng ký giữa hai bên”, nguyên tắc là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng GTVT về việc gần 200km đường cao tốc đi qua Bình Thuận nhưng chưa có trạm dừng nghỉ.

“Người dân và cử tri phản ánh khi lưu thông trên cao tốc này không biết “giải quyết nỗi buồn” ra sao?”, đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận trách nhiệm của Bộ trưởng GTVT về vấn đề này. Ông nói rất chia sẻ với người dân khi tham gia trên các tuyến cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ. “Đúng là trạm dừng nghỉ đang bị chậm”, Tư lệnh ngành giao thông thừa nhận.

Sau khi nghe Tư lệnh ngành giao thông trả lời chất vấn về việc thiết kế cao tốc 2 làn đường và không có làn dừng khẩn cấp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giải thích thêm, do vốn liếng không có nhiều nên phân kỳ đầu tư là đúng, nhưng việc phân kỳ đầu tư phải đảm bảo tối thiểu để đảm bảo an toàn giao thông.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng ngay một số đoạn cao tốc Bắc – Nam vừa hoàn thành như Cao Bồ – Thanh Hóa, Thanh Hóa – Diễn Châu, theo quan sát cho thấy số lượng xe tham gia giao thông rất ít, tốc độ tối đa chỉ 80km/h và không có làn dừng khẩn cấp nên chỉ cần một xe bị tai nạn là tắc nghẽn tất cả. “Đây là thực tế cần xem xét”, theo Chủ tịch Quốc hội.

Trả lời đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về giải pháp thu hút nguồn lực thực hiện các dự án PPP, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa nhận từ khi có Luật PPP, việc thu hút các dự án PPP chưa được nhiều, chưa hiệu quả.

Lý do không thu hút được doanh nghiệp thực hiện các dự án PPP, theo Bộ trưởng GTVT, trước hết do yếu tố khách quan khi tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp yếu.

Hai là đầu tư PPP trong hạ tầng giao thông lợi nhuận không cao, nhưng lại có nhiều rủi ro có thể xảy ra liên quan khả năng thu hồi vốn. Nguyên nhân thứ ba là có nhiều lĩnh vực để doanh nghiệp lựa chọn, cân đối.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chậm di dời hơn 47.000 hộ dân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai. “Nguyên nhân của sự chậm trễ trên trách nhiệm thuộc về ai?”, bà Xuân chất vấn.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận tiến độ của việc di dân chậm. Ông cho biết đang trình Chính phủ tìm ra cách bố trí tái định cư cho đối tượng đặc thù này, không nhất thiết phải cấp đất sản xuất mà có thể tạo ra cộng đồng, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển du lịch cộng đồng trong điều kiện quỹ đất ngày càng hạn hẹp.

Thiết kế: Tuấn Huy

Theo: Dân Trí

Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/phat-ngon-an-tuong-tu-man-hoi-xoay-dap-xoay-giua-dbqh-va-bo-truong-20231108085548116.htm