Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho hàng ngàn đối tượng chính sách. Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội
Theo ông Hồ Đắc Thích – Giám đốc NHCSXH tỉnh, năm 2022 là năm đánh dấu 20 năm thực hiện Nghị định số 78 ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Trong 20 năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của NHCSXH, cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp, có hiệu quả của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên), sự ủng hộ của các sở, ban, ngành, địa phương và sự nỗ lực của tập thể NHCSXH tỉnh đã giúp nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng, chất lượng tín dụng được nâng cao.
Đến nay, NHCSXH tỉnh đã triển khai 18 chương trình tín dụng chính sách, như: Cho vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh – sinh viên, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Đặc biệt, để tín dụng chính sách góp phần thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, năm 2022, NHCSXH tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả cho vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, nhà ở xã hội; cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập; cho vay vốn đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong 20 năm qua đã giúp 653.124 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt hơn 11.505 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt hơn 7.911 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 79.378 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho 62.033 lao động thông qua nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm; 50.151 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng 478.542 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; 3.742 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở… Qua đó, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Nguồn vốn chính sách xã hội đã góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề và phát triển, mở rộng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn. Tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với các dịch vụ tài chính – ngân hàng hiện đại; từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp các hộ sử dụng vốn vay có hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bám sát định hướng phát triển của tỉnh để cho vay vốn đạt hiệu quả
Năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh xác định tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tập trung các giải pháp nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH tỉnh; đảm bảo tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết số 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Hồ Đắc Thích khẳng định, tín dụng chính sách là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo tại địa phương. Thời gian tới, bám sát mục tiêu giảm nghèo trong Nghị quyết số 42 ngày 21-3-2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09, nguồn vốn tín dụng chính sách sẽ tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, NHCSXH tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn tín dụng chính sách cho 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, nhất là các chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để góp phần hỗ trợ 2 huyện này thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ thoát khỏi huyện nghèo. Cùng với đó, NHCSXH sẽ dành nguồn vốn lớn cho vay tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; cho vay vốn để phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch Covid-19; thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên nguồn vốn cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới… NHCSXH tỉnh và phòng giao dịch NHCSXH ở các địa phương sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp dành một phần ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH thực hiện cho vay vốn các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78, tổng nguồn vốn tin dụng chính sách và tổng dư nợ tín dụng chính sách đều đã tăng gấp 24 lần so với năm 2002. Tính đến ngày 30-11-2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hơn 3.741 tỷ đồng (tăng 10,86% so với năm 2021), trong đó nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt hơn 3.237 tỷ đồng, chiếm 67,25%/tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân và nhận tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn đạt hơn 552,2 tỷ đồng, chiếm 14,76%/tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương gần 504,3 tỷ đồng, chiếm 13,48%/tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 30-11-2022 hơn 3.730 tỷ đồng (tăng 10,53% so với đầu năm) với 111.362 khách hàng còn dư nợ. Tính riêng 11 tháng năm 2022, doanh số cho vay đạt gần 1.379 tỷ đồng, với 37.175 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ gần 1.018 tỷ đồng.
|
NAM DU