Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Phấp phỏng tôm hùm

Từ đầu năm 2022 đến nay, việc tiêu thụ tôm hùm tại các vùng nuôi trong tỉnh rất khó khăn, trong khi giá tôm hùm xuống thấp. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do việc xuất khẩu tôm hùm theo đường tiểu ngạch đang gặp khó khăn do Trung Quốc liên tục đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch Covid-19.

Giá thấp, tiêu thụ khó


Từ đầu năm 2022 đến nay, người nuôi tôm hùm ở huyện Vạn Ninh đứng ngồi không yên khi các tàu thu mua tôm của thương lái không cập vào bè để thu mua. Ông Phạm Thành Thái, xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) cho biết, 5.000 con tôm hùm bông trị giá tiền tỷ của gia đình đã đến kỳ thu hoạch nhưng không tìm được người mua. Để nuôi cầm cự, mỗi ngày, ông phải chi 5 triệu đồng để mua thức ăn cho tôm. Ông Phạm Văn Thông nuôi hơn 4.000 con tôm hùm bông tại xã Vạn Thạnh cũng sốt ruột vì hàng tỷ đồng tiền tôm vẫn đang bấp bênh từng ngày theo con nước. “Trái ngược hoàn toàn với những thời điểm tiêu thụ thuận lợi, thương lái tranh nhau thu mua tôm; nay tôm đến kỳ xuất bán, người nuôi năn nỉ mãi, thương lái cũng không thu mua. Người nuôi rơi vào cảnh ngồi chờ mà chẳng biết đến bao giờ thương lái mới thu mua trở lại…”, ông Thông nói.



Hiện người nuôi tôm hùm tại huyện Vạn Ninh đang chật vật tìm kiếm đầu ra cho tôm. Ảnh BKH



Theo thống kê của Trạm Thủy sản Vạn Ninh, trên địa bàn hiện có khoảng 34.000 lồng nuôi tôm hùm; do khó khăn về đầu ra nên người dân đang nuôi khoảng 11.000 lồng, trong đó 70% nuôi tôm hùm bông. Hiện nay, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khó khăn nên thương lái không thu mua tôm hùm, khiến giá tôm xuống thấp. Tôm hùm bông loại 1 (từ 1kg/con trở lên) giá bán chỉ 1,4 triệu đồng/kg, loại 2 (0,7 – 1kg/con) 1,25 triệu đồng/kg, loại 3 (0,4-0,7kg/con) 1,15 triệu đồng/kg; tôm hùm xanh 750.000 đồng/kg. Trong khi trước Tết Nguyên đán, giá tôm hùm bông loại 1 tới 2,1 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh 1 triệu đồng/kg.


Tại TP. Cam Ranh, nơi có đến 45.000 lồng nuôi tôm hùm, trong đó khoảng 95% nuôi tôm hùm xanh, tôm cũng không tiêu thụ được, giá tôm xuống thấp. Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Thanh – người thu mua tôm hùm tại TP. Cam Ranh cho biết: “Hiện nay, chỉ khoảng 20% sản lượng tôm hùm tiêu thụ nội địa, còn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và lệ thuộc vào thương lái thu mua. Thời gian qua, thị trường Trung Quốc liên tục đóng biên giới, kiểm soát chặt phương tiện vận chuyển các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này để kiểm soát dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến việc tiêu thụ”.

Hướng đến buôn bán chính ngạch



Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh, được nuôi trên 4 vùng nuôi trọng điểm: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. Hiện toàn tỉnh có 63.421 ô lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh; sản lượng tôm hùm đạt 1.087 tấn.

Qua theo dõi của các trạm thủy sản địa phương, giai đoạn Tết Nguyên đán, giá tôm hùm bật tăng trong một thời gian ngắn nhờ sức tiêu thụ trong nước tăng; nhiều chủ bè nuôi đã nhanh tay xuất bán tôm loại 1. Vì vậy, lượng tôm chủ yếu hiện nay là tôm hùm loại 2, loại 3. Những hộ đã xuất bán tôm đang lưỡng lự đầu tư nuôi mới bởi giá con giống tăng cao. Không chỉ vậy, giá xăng dầu tăng kéo theo các mặt hàng đều tăng giá, đẩy chi phí đầu tư nuôi tôm lên cao, nhất là giá thức ăn cho tôm, tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi lớn, nếu đầu ra vẫn bấp bênh như hiện nay thì người nuôi sẽ cầm chắc phần thua lỗ.


Ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, thị trường, việc tiêu thụ tôm hùm thương phẩm trong thời gian tới vẫn bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường. Do đó, Chi cục Thủy sản lưu ý nông dân cần theo dõi sát diễn biến của thị trường, thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý. Đây là những cơ sở quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng để đưa tôm hùm xuất khẩu đường chính ngạch, nhằm ổn định đầu ra cho tôm hùm. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối, tìm đầu ra cho tôm hùm trên địa bàn”.


Hiện nay có đến hơn 80% tôm hùm nuôi từ vùng biển các tỉnh miền Trung đều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Việc buôn bán tiểu ngạch giống như trò chơi may rủi bởi việc xuất khẩu tôm hùm và các mặt hàng nông sản khác sẽ bị ùn ứ mỗi khi phía Trung Quốc đóng biên giới. Vì thế, muốn tiêu thụ tôm hùm thương phẩm ổn định, bài toán đặt ra là bắt buộc phải xuất khẩu theo đường chính ngạch. Muốn vậy, người nuôi cần chú trọng việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường.


HẢI LĂNG

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202203/phap-phong-tom-hum-8246553/