Những năm qua, các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) lồng bè tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã bị ô nhiễm, khiến cho các nghề nuôi tôm hùm, cá biển ngày càng khó khăn. Để NTTS trên biển hiệu quả, người nuôi cần nâng cao ý thức giữ gìn môi trường chung.
Vùng nuôi ô nhiễm
Năm 2018, vùng nuôi tôm hùm, cá bớp tại huyện Vạn Ninh xảy ra nhiều đợt tôm, cá chết liên tục. Đơn cử tháng 10-2018, người dân xã Vạn Thạnh lao đao khi 10.000 con cá bớp và khoảng 40 – 50% lồng tôm hùm bị chết. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, mật độ nuôi dày đã khiến các loại bệnh lây lan. “Thành bại của nghề nuôi tôm hùm, cá biển phụ thuộc nhiều vào con giống, thức ăn, kiểm soát dịch bệnh… Trong đó, muốn kiểm soát được dịch bệnh thì phải giữ gìn môi trường nuôi. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của người nuôi biển hiện nay chưa tốt”, ông Lê Hữu Cầu – người nuôi tôm hùm lồng ở Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) chia sẻ.
Rác thải tại khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh).
Rác thải tại khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh).
Theo bà Trần Thị Thúy Phi – cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Vạn Thạnh, trên địa bàn xã hiện có 900 lồng nuôi cá biển và 7.520 lồng nuôi tôm hùm. Lượng thức ăn tiêu thụ mỗi ngày lên đến cả trăm tấn mồi tươi. Trước đây, tỷ lệ tôm hùm nuôi hao hụt khoảng 20% đã là cao, nhưng hiện nay, tỷ lệ này lên đến 30 – 50%, nguyên nhân chính do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm. Dễ thấy nhất là các lồng bè nuôi tôm, nuôi cá thường xuyên bị các loại rác thải, nhất là túi ni-lông bám vào, cản trở việc lưu thông nước bên ngoài và trong lồng nuôi.
Đến các địa phương ven vịnh Cam Ranh, không khó để bắt gặp hình ảnh rác thải, túi ni-lông trôi nổi dập dềnh trên mặt biển, theo sóng, gió tấp kín vào ven bờ. Những người NTTS tại phường Cam Linh cho hay: Hiện nay, trên khu vực vịnh Cam Ranh có hàng chục nghìn lồng nuôi san sát. Ngoài lượng chất thải từ việc NTTS không được thu gom đưa hết về bờ để xử lý mà tích tụ qua nhiều năm, còn có lượng rác lớn từ đất liền trôi theo kênh rạch ra biển, do người dân sống ven biển xả trực tiếp xuống biển. “Không chỉ vứt rác bừa bãi, trước đây đã có trường hợp người nuôi khi gặp sự cố còn xả toàn bộ cá chết ra biển, cá tấp đầy bờ, khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh”, ông Nguyễn Đình Thanh – người nuôi tôm tại phường Cam Linh nói. 
Cần giữ gìn môi trường chung
Nuôi thủy sản biển là thế mạnh của Khánh Hòa, tập trung chủ yếu tại các vịnh: Cam Ranh, Vân Phong, Nha Trang và đầm Nha Phu, với các đối tượng nuôi chủ yếu là: tôm hùm, các loài cá biển, ốc hương. Toàn tỉnh hiện có 57.260 lồng nuôi tôm hùm, hơn 9.000 lồng nuôi cá biển và 20 đăng lồng nuôi ốc hương.

Đại diện một số địa phương ven biển ở Vạn Ninh cho biết, trước đây, huyện Vạn Ninh đã có ý định tổ chức việc thu gom rác thải NTTS trên biển để đưa vào bờ xử lý, tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên chưa thực hiện được. Hiện nay, việc thu gom rác chủ yếu được các hội, đoàn thể ở địa phương phát động, thực hiện gom rác dạt vào bờ là chính. Việc thu gom rác từ nguồn NTTS trên các lồng bè do người dân tự thực hiện, tuy nhiên số này rất ít. 

Ông Đặng Tri Thông – chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho hay: “Toàn huyện có khoảng 4.000 lồng nuôi cá biển và 17.000 lồng nuôi tôm hùm, hơn gấp đôi so với số lượng ô lồng được phép nuôi theo quy hoạch (8.500 lồng). Việc kiểm soát môi trường vùng nuôi vốn đã khó khăn, trong khi số lượng ô lồng nuôi trên biển phát triển nhanh chóng nên rất khó kiểm soát. Các địa phương chủ yếu tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn môi trường chung nhưng hiệu quả chưa cao bởi phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của mỗi người nuôi”.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, đối với việc giữ gìn môi trường vùng nuôi, hiện nay, có vùng nuôi Cam Lập (TP. Cam Ranh) người nuôi rất ý thức trong việc giữ gìn môi trường chung. Cụ thể, người nuôi không vứt rác, thức ăn thừa bừa bãi ra biển mà hàng ngày, trước khi cho tôm ăn người nuôi phải vệ sinh, vớt thức ăn thừa, đưa đến điểm tập kết, sau đó có ghe chuyên chở vào bờ để xử lý, nhờ đó môi trường trong khu vực nuôi luôn được giữ sạch. Thấy được lợi ích nên các hộ nuôi đều tự nguyện đóng góp kinh phí để thuê ghe thu gom, chuyên chở thức ăn thừa, rác thải vào bờ. Đây là mô hình hay mà các vùng nuôi khác nên triển khai.
 Ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nhấn mạnh: “Muốn quản lý hiệu quả vùng nuôi, hạn chế ô nhiễm, dịch bệnh, một trong những biện pháp hữu hiệu là giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên biển. Chi cục sẽ tăng cường quan trắc, giám sát vùng nuôi để có những cảnh báo kịp thời đối với người dân. Về phía người dân, cần tuân thủ nuôi đúng vùng quy hoạch, trong quá trình nuôi phải thu gom rác thải đưa về bờ. Đối với chính quyền các địa phương, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường vùng nuôi, cần tổ chức tốt việc thu gom rác trên bờ để xử lý”. 
HẢI LĂNG

Theo: Báo Khánh Hòa