Ngày 6-5, tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo “Thị trường bất động sản (BĐS) du lịch Việt Nam: Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ”. Tham dự hội thảo có các ông: Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam.
Những nút thắt
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, BĐS du lịch mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây nhưng đã đóng góp tương đương khoảng 21,3% số lượng buồng phòng của các khách sạn 3-5 sao trên toàn quốc. Tính đến tháng 9-2021, BĐS du lịch đã có 114.097 căn condotel và 24.399 villa trên toàn quốc. Các dự án BĐS du lịch chủ yếu tập trung tại 15 địa phương gồm: Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và Phú Quốc (Kiên Giang).
Tiến sĩ Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, hiện nay, hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS du lịch đang chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp lý chung áp dụng cho hoạt động kinh doanh BĐS, du lịch và các quy định liên quan khác. Hệ thống pháp lý cao nhất gồm các luật như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở và Luật Du lịch. “Có thể thấy BĐS du lịch chịu sự quản lý của khá nhiều luật chuyên ngành nhưng có 5 điểm gây thách thức đối với loại hình BĐS này, gồm: Chưa được định danh; chưa nằm trong quy hoạch phát triển du lịch; chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu; chưa theo kịp nhu cầu và năng lực cạnh tranh quốc tế; chưa đồng bộ, thiếu nhất quán với đặc trưng riêng của loại hình này, dẫn đến khó khăn, phức tạp trong quá trình áp dụng cho cả phía cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư và rủi ro cho các tổ chức tín dụng trong quá trình tài trợ vốn, xử lý nợ xấu”, Tiến sĩ Lực cho hay.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lực, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Việt Dũng – Trưởng khoa Luật Quốc tế (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, một trong những vấn đề lớn nhất cản trở sự phát triển của thị trường BĐS du lịch tại Việt Nam trong thời gian qua chính là sự không đồng bộ và thiếu rõ ràng trong các quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước. Tại nhiều dự án BĐS du lịch, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà trong dự án bị đóng băng. Các cơ quan chức năng không dám cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho các cá nhân vì những lấn cấn về pháp lý của đất cấp cho các dự án BĐS du lịch. Theo ông Dũng, điểm mấu chốt ở đây là Việt Nam hiện vẫn thiếu các quy hoạch tổng thể về sử dụng đất mang tính ổn định lâu dài cho những khu vực mà Nhà nước dự định phát triển du lịch.
Cần tháo gỡ các vướng mắc
Theo các chuyên gia pháp lý, BĐS du lịch tuy hình thành muộn hơn nhưng lại có bước phát triển nhanh, mạnh và có nhiều dư địa để phát triển lớn mạnh hơn nữa trong tương lai. Vì vậy, đòi hỏi sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật đối với thị trường này để mang tính đồng bộ, phù hợp, hiện đại và thích ứng cao với sự phát triển năng động đó. Theo đó, pháp luật điều chỉnh thị trường BĐS du lịch cần được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở của nền tảng lý luận chung về thị trường BĐS. Ngoài ra, cần lồng ghép chính sách phát triển BĐS du lịch trong các cơ chế, chính sách phát triển chung của ngành du lịch; xem xét có chính sách ưu đãi phù hợp đối với BĐS du lịch như ưu đãi về đầu tư, tiền thuê đất, thuế…
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đề nghị, Chính phủ cần ban hành các văn bản dưới luật tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý cho BĐS du lịch, để có cơ sở tiếp tục thực hiện các dự án đã và đang triển khai. Điều này vừa gỡ khó cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư thứ cấp, không gây ách tắc dòng vốn đầu tư, khơi dậy được tiềm năng từ đất đai cũng như thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này, giúp cho thị trường phát triển minh bạch và bền vững.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền: Tạo dựng được khung pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động kinh doanh BĐS du lịch là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh ngành du lịch đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Hội thảo đã chỉ ra những điểm nghẽn trong quy định hiện nay, đóng góp các quan điểm khoa học, các luận cứ để tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS du lịch tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Hội Luật gia Việt Nam sẽ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành Trung ương để sớm có những giải pháp cấp bách cũng như lâu dài hoàn thiện hành lang pháp lý cho BĐS du lịch, khơi thông nguồn lực phát triển cho thị trường này.
__________________________________________
Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quy hoạch sử dụng đất phải gắn với việc phân vùng sử dụng đất và gắn chặt chẽ với các loại quy hoạch khác. Từ đây, tôi cho rằng có thể đưa ra một số yêu cầu trong sửa đổi Luật Đất đai. Thứ nhất, chuyển hẳn phương pháp quy hoạch sử dụng đất từ tiêu chí theo mục đích sử dụng đất sang tiêu chí theo phân vùng sử dụng đất. Thứ hai, xây dựng và ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm hướng dẫn việc kết nối giữa quy hoạch quốc gia ngành du lịch với quy hoạch sử dụng đất có liên quan đến các khu chức năng du lịch, nghỉ dưỡng.
|
VĂN KỲ