Hiện nay, nhu cầu nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên các vùng biển huyện Vạn Ninh rất lớn, trong khi khu vực mặt nước quy hoạch nuôi hạn chế nên các vùng nuôi quá tải. Bên cạnh việc người dân nuôi tự phát ngoài vùng quy hoạch, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý lồng bè của người dân ngoài tỉnh.
Vùng quy hoạch quá tải
Theo ông Nguyễn Văn Hùng – người nuôi tôm hùm tại xã Vạn Thạnh: “Tình trạng quá tải ở các vùng nuôi tôm hùm, cá bớp trên vịnh Vân Phong đã diễn ra từ lâu. Vùng quy hoạch không đủ diện tích nên ở khu vực ngoài quy hoạch người dân vẫn nuôi. Ngoài lồng bè của người dân địa phương, còn có nhiều bè nuôi của người dân ngoài tỉnh. Lồng bè chen chúc nên vùng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, tôm cá chết liên miên. Gia đình tôi phải di chuyển bè nuôi liên tục nhưng đến đâu cũng chật kín lồng bè”.
Ông Nguyễn Ngọc Ý – Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, điều kiện môi trường biển ở Vạn Ninh có nhiều khu vực thuận lợi cho việc phát triển NTTS. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các dự án phát triển kinh tế nên diện tích mặt nước quy hoạch cho NTTS bị thu hẹp. Toàn huyện có 6 vùng được quy hoạch NTTS, với tổng diện tích 550ha, chỉ phát triển 11.500 lồng nuôi. Diện tích mặt nước quy hoạch NTTS ít, trong khi nhu cầu nuôi của người dân rất lớn nên dẫn đến tình trạng quá tải, nhiều hộ nuôi tự phát ngoài vùng quy hoạch… Mật độ lồng bè tại các vùng nuôi lớn nên gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, quản lý trật tự vùng nuôi cũng khó khăn.
Để giải quyết một phần nhu cầu nuôi thủy sản lồng bè của người dân địa phương, huyện Vạn Ninh đã đề xuất bổ sung các vùng thuận lợi vào quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè trên vịnh Vân Phong. Cụ thể, huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, đánh giá đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung các vùng nuôi: Vĩnh Yên khoảng 100ha, vùng Rạn Cỏ – Hòn Vung khoảng 100ha và khu vực phía nam Cùm Meo khoảng 150ha. Ngoài ra, địa phương còn kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế tạm thời quản lý đối với các hoạt động NTTS lồng bè trên địa bàn tỉnh, nhằm quản lý chặt chẽ nghề nuôi này; đồng thời triển khai quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trên địa bàn…
Quản lý chặt bè nuôi ngoài tỉnh
Trên địa bàn huyện Vạn Ninh hiện có 1.148 hộ NTTS lồng bè, với tổng số 32.339 lồng nuôi. Trong đó, trong vùng quy hoạch có 516 hộ nuôi 15.574 lồng; vùng đang đề nghị bổ sung quy hoạch có 95 hộ nuôi 1.106 lồng; vùng ngoài quy hoạch có 617 hộ nuôi 16.675 lồng. |
Ngoài lồng bè của người dân địa phương, ở các vùng nuôi thủy sản tại Vạn Ninh có rất nhiều bè nuôi của người dân tỉnh khác, chủ yếu là các bè nuôi ở Vũng Rô (tỉnh Phú Yên) kéo vào. Thống kê chưa đầy đủ của các địa phương ven biển Vạn Ninh cho thấy, có ít nhất 262 hộ từ ngoài tỉnh đến nuôi ở vùng biển Vạn Ninh, với 707 lao động đang nuôi 13.141 lồng tôm hùm và cá biển. Trong đó, khu vực thuộc quy hoạch vùng NTTS lồng bè có 120 hộ, với 6.600 lồng, số còn lại là nuôi ngoài vùng quy hoạch.
Từ năm 2013, tại khu vực Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) đã có một đợt người dân NTTS ở khu vực Vũng Rô di dời lồng bè vào. Sau cơn bão số 12 năm 2017, lại có một đợt người dân Phú Yên, Bình Định kéo lồng bè về vịnh Vân Phong để đầu tư nuôi thủy sản. Hiện nay, tại vùng biển các xã: Vạn Thạnh, Vạn Hưng và thị trấn Vạn Giã có nhiều hộ ngoài tỉnh nhờ người dân địa phương đứng tên để đầu tư nuôi thủy sản trên vịnh Vân Phong. Tuy chính quyền cơ sở đã tăng cường kiểm soát nhưng vẫn chưa xử lý được. Việc người ngoài tỉnh đến nuôi thủy sản tại Vạn Ninh không chỉ làm quá tải thêm các vùng nuôi mà việc quản lý lồng bè, lao động trên các lồng bè… cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Đặng Tri Thông – chuyên viên phụ trách thủy sản Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, hiện chưa có cơ sở pháp lý để xử lý, hạn chế số lượng các hộ ngoài tỉnh đến đầu tư nuôi tại địa phương; việc quản lý lực lượng lao động ngoài tỉnh rất khó khăn do lao động không khai báo, thường xuyên thay đổi chủ hộ nuôi khác nhau. Để kiểm soát chặt hoạt động NTTS tại khu vực vịnh Vân Phong, hạn chế số hộ nuôi ngoài tỉnh vào đầu tư nuôi, tới đây, thông qua việc triển khai cấp giấy phép NTTS theo Luật Thủy sản năm 2017, địa phương sẽ kiên quyết xử lý các hộ không đủ điều kiện nuôi. Đối với những hộ nuôi ngoài tỉnh đủ điều kiện, nếu vùng quy hoạch vẫn đảm bảo thì sẽ xem xét, tạo điều kiện cho họ tiếp tục nuôi.
HẢI LĂNG
Theo: Báo Khánh Hòa