Mô hình nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) do Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia hỗ trợ bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ, giúp người nuôi hướng tới cách nuôi an toàn sinh học.

Năng suất cao

Năm 2018, Khánh Hòa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ dự án “Nuôi tôm sú bán thâm canh đảm bảo ATTP” gồm 5 hộ tại Ninh Giang – Ninh Hòa (3 hộ) và Cam Hòa – Cam Lâm (2 hộ), đây là những địa phương có phong trào nuôi tôm khá mạnh.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Ông Ngô Thương (Ninh Giang) cho biết, ông thả nuôi từ tháng 4 với số lượng 9 vạn giống tôm sú trên diện tích 5.000m2 do Trung tâm Khuyến nông chuyển giao. Sau 3 tháng mô hình cho hiệu quả rất cao. Tổng sản lượng thu đạt 1,6 tấn, kích cỡ bình quân 40 con/kg, giá bán 280.000 đồng/kg, lãi gần 200 triệu đồng. Đây là vụ tôm thắng lợi nhất từ trước tới nay, kể cả những mô hình Trung tâm Khuyến nông từng chuyển giao. “So với những mô hình trước thì đây là cách nuôi thiên về kỹ thuật nhất. Điểm mấu chốt là rất hạn chế việc sử dụng hóa chất, chủ yếu sử dụng khoáng, vi sinh ổn định môi trường. Đặc biệt, dùng nước từ ao nuôi cá rô phi để cung cấp hay bổ sung lượng nước nuôi. Trong quá trình nuôi không sử dụng hóa chất, ngay cả vôi cũng rất hạn chế. Tôi thấy mô hình này rất hay và mong muốn áp dụng cho các vụ sau”, ông Thương nói.

Tương tự, tại vùng nuôi Cam Hòa, các hộ tham gia mô hình cũng thu được kết quả khả quan. Ông Phạm Quốc Thắng (thôn Văn Tứ Đông) cho biết, với diện tích 1ha, ông thu hơn 2,8 tấn, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Tôm lớn, khỏe, đồng đều, kích cỡ 10 – 20 con/kg, giá bán 350.000 đồng/kg. Với những hộ nuôi tôm kinh nghiệm lâu năm như ông thì việc áp dụng mô hình ATTP không quá khó. Điểm mấu chốt là biết sử dụng các chất ổn định môi trường, không dùng hóa chất hay kháng sinh tràn lan. Theo ông Thắng, cách làm của ông cũng có khác so với hộ khác là thời gian thu hoạch kéo dài, thu tỉa giúp cho tôm lớn hơn. 2 mô hình triển khai tại Cam Hòa đều thành công và người nuôi cho biết sẽ tiếp tục áp dụng cách làm này trong vụ tới dù được hỗ trợ hay không.

Hướng tới an toàn sinh học

Theo kỹ sư Nguyễn Lê Bảo Thành – Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa, đơn vị phụ trách chương trình, hầu hết các mô hình nuôi tôm ATTP triển khai trên địa bàn tỉnh đều đạt hiệu quả. Mô hình thành công trên cả 3 phương diện: năng suất cao (trên 1,5 tấn/ha), hệ số thức ăn FCR thấp, bảo đảm ATTP. Đây cũng là cách giúp nông dân nhìn nhận về nuôi tôm an toàn sinh học, tránh lạm dụng hóa chất, kháng sinh, đáp ứng nhu cầu ATTP ngày càng cao. “Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình thời gian tới còn phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Hiện nay kinh phí của đơn vị rất hạn chế nên khó có thể mở rộng”, kỹ sư Thành cho hay.

Thời gian qua, nghề nuôi tôm cả nước đối mặt với nhiều khó khăn do tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh tràn lan. Thực trạng này làm “thui chột” nghề nuôi, nhiều vùng nuôi bị ô nhiễm, năng suất giảm, chất lượng thủy sản kém. Đặc biệt, tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh đã làm cho sản phẩm không vượt qua được hàng rào kỹ thuật của nhiều quốc gia nhập khẩu, nhiều lô hàng bị trả lại, gây lao đao cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, dư lượng chất cấm, kháng sinh tồn đọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Kỹ sư Thành cho hay, trước tình hình đó, cần có những giải pháp đối trọng và hàng loạt mô hình nuôi tôm an toàn ra đời như: nuôi tôm sạch, tôm VietGAP, tôm an toàn sinh học, trong đó nuôi tôm ATTP là một ví dụ. Nuôi tôm ATTP là kỹ thuật nuôi tôm theo phương pháp an toàn sinh học, các khâu chuẩn bị rất kỹ từ con giống, ao, đến xử lý nước, diệt tạp, cho ăn, quản lý đều theo quy trình chặt chẽ. Đặc biệt, phương pháp này thuận theo tự nhiên, không sử dụng hóa chất cấm, lạm dụng kháng sinh mà tiêu biểu là lấy nước từ ao nuôi cá rô phi để nuôi tôm. Bên cạnh đó, nước còn được gây màu bằng men vi sinh giúp thủy sản sống chan hòa trong môi trường tự nhiên, phù hợp với các phương pháp nuôi thâm canh và bán thâm canh, đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi tôm.

V.LẠC

Theo: Báo Khánh Hòa