Nhóm sinh viên của Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nha Trang vừa hoàn thành công trình khảo sát nguồn nước ngầm tại các xã vùng ven TP. Nha Trang. Kết quả cho thấy, nhiều nơi nước đã bị ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý đề ra giải pháp hữu hiệu trong việc sử dụng nguồn tài nguyên này một cách an toàn và bền vững.
Chất lượng nước ngầm chưa đảm bảo
Theo sinh viên Lê Huỳnh Đức Hải – lớp 60 Công nghệ môi trường, Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường, trưởng nhóm nghiên cứu, tại Nha Trang, nhu cầu nước cấp cho sinh hoạt cần khoảng 127.600m3/ngày đêm lấy từ nước mặt và nước ngầm. Đặc biệt, từ tháng 6 đến tháng 8, nước cung cấp từ nhà máy nước thiếu hụt vì khô hạn và xâm nhập mặn, các vùng ngoại ô Nha Trang đã phải khai thác nước ngầm quá mức cho nhu cầu sinh hoạt. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã cấp quyền khai thác nước ngầm cho hơn 100 trường hợp. Tuy nhiên, do pháp luật quy định tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm dưới 10m3 thì không cần xin phép nên số lượng khai thác nhỏ lẻ rất nhiều và thiếu kiểm soát.
Nhóm đã trực tiếp khảo sát 360 hộ gia đình tại 3 xã ngoại thành Nha Trang, gồm: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp. Đồng thời, lấy mẫu nước ngầm (5 mẫu/xã) để phân tích các thông số. Sau hơn 1 năm nghiên cứu (từ tháng 12-2021 đến 12-2022), kết quả cho thấy: Tất cả các hộ được khảo sát đều khai thác nước ngầm ở tầng mặt (sử dụng giếng có độ sâu từ 6 đến 11m). Nước giếng đào được sử dụng trực tiếp cho nhu cầu tắm giặt… mà không qua xử lý. Hơn 70% hộ vẫn còn sử dụng nước ngầm cho các sinh hoạt hằng ngày với lượng nước dao động 500-800 lít/ngày. Về cảm quan, nước có độ trong tốt vào mùa khô nhưng bị nhiễm mặn; mùa mưa độ đục tăng cao. Nhìn chung, nhận thức của các hộ về sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngầm còn thấp. Về kết quả phân tích các thông số, độ pH của nước ngầm đạt chuẩn song nồng độ sắt cao vào mùa mưa, vượt quy chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm có dấu hiệu ô nhiễm nitrat vào mùa khô, dao động từ 15,71 đến 24,1mg/l, vượt quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, nước ngầm tại 3 xã đều có độ cứng tổng số cao. Vì vậy, cần xử lý nước cứng trước khi sử dụng cho các mục đích sinh hoạt.
Cần tăng cường cảnh báo, hỗ trợ giải pháp xử lý nước
Hầu hết các điểm khoan giếng này do người dân tự khai thác nên Phòng TN-MT Nha Trang không có thông tin hồ sơ quản lý. Cũng chính vì sự khai thác tự phát mà hiện nay, Sở TN-MT báo động về sự thiếu hụt nguồn tài nguyên nước ngầm ngày càng nghiêm trọng. Hơn nữa, do chất lượng nước ngầm các vùng này chưa được khảo sát, đánh giá nên chưa có cảnh báo về sử dụng nước an toàn cho người dân. Chính vì lẽ đó, đề tài “Khảo sát tình hình sử dụng và ô nhiễm nước ngầm tại một số vùng ven TP. Nha Trang” rất thiết thực vì đã đưa ra những thông số quan trọng về tình hình sử dụng và ô nhiễm nước ngầm tại một số vùng ven Nha Trang. Từ đó, các cơ quan quản lý và ngay cả người sử dụng sẽ có giải pháp hữu hiệu trong việc sử dụng nguồn tài nguyên này một cách an toàn và bền vững.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thanh – giảng viên hướng dẫn nhóm, kết quả nghiên cứu của đề tài đã làm rõ hiện trạng sử dụng và chất lượng nước ngầm tại 3 xã ngoại thành Nha Trang. Đây là cơ sở cho công tác quản lý và khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước dưới đất trong khu vực. Nhà trường đề xuất: Ở các khu vực có hệ thống cấp nước sạch, các gia đình cần sử dụng nước máy đã xử lý để dùng cho sinh hoạt nhằm đảm bảo an toàn; ở các khu vực hệ thống cấp nước sạch của thành phố chưa cung cấp đủ, chính quyền cần cảnh báo an toàn cho người dân sử dụng nước ngầm, hỗ trợ các giải pháp xử lý nước ngầm tại chỗ để hộ gia đình sử dụng. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động truyền thông về trữ lượng, cách khai thác và bảo vệ nguồn nước ngầm cho người dân biết để sử dụng hiệu quả.
V.L