Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Núi Cô Tiên: Được định hướng phát triển du lịch tâm linh

Theo quy hoạch mà Công ty Cổ phần An Việt đang phối hợp với một đơn vị nước ngoài thực hiện thì toàn bộ núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) sẽ được định hướng phát triển du lịch tâm linh mang đẳng cấp quốc tế.

Phát triển 8 phân khu

Theo báo cáo tiền khả thi Quy hoạch phân khu 1/2.000 Khu đô thị và dịch vụ du lịch núi Cô Tiên mà Công ty Cổ phần An Việt mới thực hiện, toàn bộ núi Cô Tiên (gồm ngọn núi nhỏ phía nam và ngọn núi lớn phía đông bắc) có diện tích lên đến 1.480ha sẽ được chia làm 8 phân khu để phát triển. Nơi đây sẽ tạo ra một khu đô thị, trong đó nổi bật là du lịch tâm linh và khu công viên thương mại công nghệ cao. Trong đó có những ngôi làng trên đồi mang bản sắc riêng và trở thành khu nghỉ dưỡng bên bờ biển.

Phân khu 1 (làng cô tiên) được quy hoạch thành khu nghỉ dưỡng với các công trình: công viên tiên cảnh, đồi vọng cảnh cô tiên, nhà hàng tiên bồng 360 độ, cụm dịch vụ phức hợp, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, biệt thự tiên cảnh. Phân khu 2 (thung lũng trung tâm) nằm trong vùng thung lũng tương đối bằng phẳng, là nơi lý tưởng để xây dựng các khu dân cư mới, hiện đại, năng động và tiện nghi. Đơn vị tư vấn đã đưa vào quy hoạch các trường học từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Ngoài ra còn có khu thương mại phức hợp, condotel, làng biệt thự bên sườn đồi… Phân khu 3 (làng thiền) lấy cảm hứng chủ đạo từ sự thanh tịnh của vùng này để xây dựng hình thái kiến trúc theo phong cách thiền, trong đó chùa Đa Bảo sẽ làm hạt nhân của phân khu. Ngoài ra, sẽ xây dựng công viên Phật giáo, trung tâm văn hóa cộng đồng, khu biệt thự làng thiền… Phân khu 4 (thị trấn biểu tượng) có sườn núi được đánh giá là đẹp nhất khu vực, thích hợp hình thành một cụm đô thị nhỏ với dáng dấp hòa hợp với thiên nhiên. Phân khu 5 (thiên đường nghỉ dưỡng) được quy hoạch phục vụ nhu cầu giải trí của du khách cũng như cư dân địa phương. Từ bất kỳ vị trí nào của phân khu 5 cũng có được hướng nhìn ra biển nên sẽ là nơi lý tưởng để hình thành tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Phân khu 6 được quy hoạch thành công viên thương mại và công nghệ cao; phân khu 7 được quy hoạch thành khu dân cư ven chân núi; phân khu 8 chủ yếu là xây dựng các công viên, tiểu cảnh để bảo tồn.

Núi Cô Tiên có vị trí phía bắc TP. Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng của khu vực nghiên cứu dự án có các khu dân cư thưa thớt và một số dự án đã được tỉnh chấp thuận đầu tư hoặc đang thực hiện đầu tư…

Dãy núi Cô Tiên.

Không phát triển dân cư trên núi Cô Tiên

Theo ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, ý tưởng quy hoạch mà đơn vị tư vấn đưa ra đã nêu bật được lợi thế, tiềm năng phát triển của khu vực núi Cô Tiên. Tuy nhiên, núi Cô Tiên trước đây có tên là Hòn Khô, ở đây quanh năm thiếu nước, cây cối trên đỉnh núi không phát triển. Vì thế, khi xây dựng thành khu nghỉ dưỡng tâm linh đẳng cấp rất khó phát triển cây xanh. Ông băn khoăn vì quy hoạch hiện tại thì khu vực này có rất ít đất để phát triển đô thị. Nếu triển khai theo ý tưởng này thì phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để vấn đề pháp lý được rõ ràng hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Định – Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng, địa hình trên núi Cô Tiên dốc, đường nội bộ nhỏ, không phù hợp với phát triển dân cư và không nên đặt vấn đề hạ tầng xã hội như trường học vào trong quy hoạch khu vực này. Đồng quan điểm, đồng chí Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng không nên đưa khu dân cư vào trong quy hoạch núi Cô Tiên, thay vào đó là chú trọng phát triển khu dịch vụ, vui chơi giải trí, cây xanh.

Trong cuộc họp mới đây, đồng chí Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND  tỉnh đánh giá, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu kỹ về địa hình, điều kiện tự nhiên tại khu vực núi Cô Tiên để đề ra những ý tưởng rất hay và độc đáo nhằm định hướng phát triển nơi đây thành một khu vực mang tầm quốc tế. Đồng chí đã yêu cầu đơn vị tư vấn chỉnh sửa lại báo cáo quy hoạch theo hướng không đưa dân cư, trường học lên núi Cô Tiên mà nên đi sâu vào hướng tâm linh, cảnh quan, công viên ở trên đỉnh núi; đi dần xuống dưới là phát triển du lịch, dịch vụ. Riêng phân khu 7 có địa hình tương đối độc lập, dọc quốc lộ và dân cư có sẵn nên có thể nghiên cứu chỉnh trang, phát triển để đẹp hơn, khoa học hơn.

VĂN KỲ