Tầm cỡ thế giới
“Thế giới không thay đổi bởi công nghệ mà là giấc mơ của con người”, nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet chia sẻ đầy tâm huyết với các doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam.
Tại Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh (Vietnam Business Summit – CEOs Submit), bà Nguyễn Thị Phương Thảo lọt thỏm giữa phần đông đại diện phái mạnh đến từ khoảng 1.200 doanh nghiệp nhưng nổi bật với bài phát biểu giàu cảm xúc và rất ấn tượng.
Người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn nhưng thu hút sự chú ý của cả hội trường nhờ những thành công vang dội. Trong vòng hơn 5 năm qua, dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Thị Phương Thảo, VietJet trở thành hãng hàng không có thị phần lớn nhất Việt Nam. Bản thân bà Thảo trở thành nữ tỷ phú USD tự thân đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á, song hành cùng nữ tỷ phú USD duy nhất của Nhật Bản.
CEO Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là người phụ nữ Việt Nam duy nhất lọt top 100 người phụ nữ quyền uy nhất thế giới, vượt qua cả bà Hillary Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ, người chạy đua vào Nhà Trắng cùng ông Donald Trump.
“Các bạn đừng tiết kiệm giấc mơ, mà hãy mơ những giấc mơ to lớn và biến hoài bão thành hiện thực bằng hành động mỗi ngày, mang tinh thần số hoá và tự động hoá của cuộc cách mạng 4.0 vào đời sống, vào mỗi quy trình vận hành doanh nghiệp”.
Đây chính là tinh thần đã giúp nữ tỷ phú Việt thành công vang dội trên thị trường không chỉ ở trong một mà rất nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, du lịch cho tới hàng không và cả lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Chủ tịch HĐQT – cổ đông sáng lập của tập đoàn Sovico Holdings, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vietjet, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT thường trực HDBank. Bà có khối tài sản khoảng 2,6 tỷ USD.
Cuối năm 2018, kênh truyền thông về kinh doanh và tài chính nổi tiếng hàng đầu của thế giới Bloomberg cũng đã gọi tên bà Nguyễn Thị Phương Thảo trong Top 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu 2018, bên cạnh những gương mặt như: Jerome Powell, Chủ tịch Fed; bà Amy Hood, Giám đốc tài chính của Microsoft; ông Ben Van Beurden, CEO của Tập đoàn Royal Dutch Shell, bà Chrystia Freeland, Ngoại trưởng Canada…
Trong khi bà Thảo nổi bật với danh hiệu nữ tỷ phú USD thì nữ Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga kín tiếng hơn khá nhiều nhưng là người giàu có và quyền lực không hề kém, với việc sở hữu tập đoàn BRG có thể “sánh bước cùng những doanh nghiệp đi trước trăm năm”.
Bà Nga – thường được gọi với cái tên thân mật là Madam Nga – được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á. Bà không chỉ là chủ BRG mà còn sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn như: ngân hàng SeABank, hai khách sạn do Hilton quản lý tại Hà Nội, 3 sân golf đi kèm với những khu nghỉ dưỡng, cổ đông chủ chốt tại một loạt doanh nghiệp sở hữu chuỗi đất vàng tại Hà Nội như: Intimex Hà Nội, Hapro, khách sạn Thắng Lợi,…
Hệ sinh thái doanh nghiệp của nữ doanh nhân gốc Hà Nội rất lớn, với số lượng người lao động lên tới hàng chục ngàn người. Gần đây, theo tờ Nikkei, BRG của nữ doanh nhân Nga cùng với một số tập đoàn của Nhật sẽ xây dựng một thành phố thông minh có tổng diện tích hơn 2.000ha tại phía Bắc Hà Nội, với tổng giá trị lên tới hơn 37 tỷ USD.
Ghi danh toàn cầu
Sự nổi tiếng của các nữ doanh nhân Việt như bà Nguyễn Thị Phương Thảo hay bà Nguyễn Thị Nga trong cộng đồng doanh nghiệp ở khu vực cũng như châu Á là rõ ràng. Mức độ hội nhập của họ là rất lớn, với những dịch vụ cung cấp cho khách hàng toàn cầu.
Đây cũng là những doanh nhân đã thuê không ít người nước ngoài làm lãnh đạo các khối như ở BRG hay dàn phi công ngoại như ở VietJet. Công trình Sheraton Đà Nẵng xây dựng thần tốc trong hơn 2 năm của bà Nga để phục vụ APEC 2017 cho thấy những tham vọng và nỗ lực của các nữ doanh nhân Việt.
Nữ đại gia vàng số 1 Việt Nam Cao Thị Ngọc Dung cũng nổi tiếng không kém. Bà Dung là chủ chuỗi cửa hàng vàng bạc đá quý lớn nhất Việt Nam PNJ, chiếm gần 30% thị phần. Tài lãnh đạo của bà Dung đã mang đến sự bứt cho PNJ sau khi hút được dòng vốn ngoại vào và thực hiện chiến lược ồ ạt mở rộng mạng lưới bán hàng.
Có những thời điểm thuận lợi đầu 2018 doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung đã lên tầm tỷ USD và đây cũng là khoảng thời gian thăng hoa nhất trong cuộc đời làm kinh doanh của nữ doanh nhân quyền lực này.
Ở mảng sản xuất, không ít nữ doanh nhân Việt cũng đã ghi dấu ấn trên phạm vi toàn cầu.
Trong năm 2018, bà Chu Thị Bình đã cùng chồng là ông Lê Văn Quang gặt hái thành công ấn tượng: giữ vững vị thế “vua tôm”, trở thành công ty chế biến tôm lớn nhất thế giới với 5% thị phần tôm toàn cầu. Giấc mơ tỷ USD đang dần trở thành hiện thực sau nhiều năm gặp khó khăn.
Cùng trong lĩnh vực thủy sản, Vĩnh Hoàn (VHC) của bà Trương Thị Lệ Khanh cũng tăng trưởng ngoạn mục và tiếp tục là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra số 1 Việt Nam. Nữ hoàng cá tra Trương Thị Lệ Khanh cũng kiến tài sản cá nhân tăng đột biến lên mức cao kỷ lục và là người phụ nữ tự thân giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Lê Hồng Thủy Tiên – mẹ chồng nữ diễn viên Tăng Thanh Hà là một nữ doanh nhân nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả giới thời trang hàng hiệu quốc tế. Bà Thủy Tiên nắm quyền lực và gánh vác công việc tại Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group).
IPPGroup là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng hiệu quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, phân phối rất nhiều thương hiệu hạng sang như: Burberry, Ferragamo, Versace Rolex,… và nhiều thương hiệu chuỗi nhà hàng ăn nhanh như: Burger King, Dunkin Donuts,… với doanh thu đang hướng tới ngưỡng 1 tỷ USD.
IPP Group gần đây đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hàng không như tại Sasco và gần đây là CIAS. Trước đó, IPP cũng từng đặt vấn đề mua sân bay Phú Quốc và trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). IPP hiện giữ 30% cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh.
Bên cạnh những nữ đại gia làm chủ doanh nghiệp, nhiều nữ doanh nhân đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành (CEO) với vị thế và tầm vóc toàn cầu. Cuối 2018, bà Dương Thị Mai Hoa đã trở thành phó chủ tịch hãng hàng không mới Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết với khẳng định: thị trường đang mở cơ hội cho mô hình hàng không mới.
Bà Mai Hoa là một nữ doanh nhân rất nổi tiếng, từng là cựu CEO của Ngân hàng An Bình (AnBinhBank) và trước đó từng giữ nhiều vị trí chủ chốt như CEO kiêm Giám đốc tài chính Tập đoàn Vingroup (2012-2017), Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) (2011-2012), Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Bán lẻ VIB (2009 -2011), Giám đốc tài chính Oracle Việt Nam…
Shark Linh, bà Thái Vân Linh, cũng là một nữ doanh nhân đình đám tại Việt Nam. Cuối 2018, shark Linh đầu quân cho Vingroup, làm CEO công ty hỗ trợ khởi nghiệp Vingroup Ventures của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Bà Linh trực tiếp góp 10% vốn tại Vingroup Ventures và là CEO kiêm người đại diện theo pháp luật.
Bà Thái Vân Linh (1977) được biết đến với tên gọi “shark Linh” khi tham gia vào chương trình Shark Tank Việt Nam trên sóng truyền hình. Bà Linh sang Mỹ từ năm 2 tuổi, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh chuyên ngành tài chính tại Mỹ. Bà từng làm cho Bank of America, VinaCapital,… và trong nhiều lĩnh vực như startup, thời trang…
Một gương mặt trẻ gần đây cũng được chú ý là Lê Diệp Kiều Trang. Kiều Trang nắm giữ vai trò Giám đốc Facebook Việt Nam trong khoảng thời gian gần 1 năm.
Tiếp nối thế hệ nữ doanh nhân trước đây như bà Tư Hường (Hoàn Cầu), Phạm Thị Việt Nga (Dược Hậu Giang) Mai Kiều Liên (Vinamilk), Nguyễn Thị Nga (BRG),… nhiều nữ doanh nhân thế hệ nối tiếp, với nhóm giao thời như bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Lê Hồng Thủy Tiên,… và nhóm doanh nhân thế hệ hai như Dương Thị Mai Hoa, Lê Diệp Kiều Trang,… đều rất thành công trong sự nghiệp kinh doanh.
Các nữ doanh nhân quyền lực này đang chèo lái doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, tạo ra việc làm và doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho đất nước. Không ít người đã ghi dấu ấn trên trường quốc tế.
Theo M. Hà
VietnamNet
Theo: Dân Trí