Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nông sản sạch: Gỡ khó để phát triển (Bài 2)

Bài 2: Vì sao nông sản sạch còn lép vế?

Những tưởng nhu cầu tiêu thụ lớn là mảnh đất màu mỡ để nông sản sạch bám rễ, phát triển. Thế nhưng, khi tìm hiểu sâu về vấn đề này, mới thấy có quá nhiều khó khăn khiến cho nông sản sạch còn lép vế.

Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 siêu thị kinh doanh thực phẩm (vừa kinh doanh vừa sản xuất thực phẩm), đây là địa điểm mua sắm thực phẩm tin cậy của người dân. Bên cạnh đó, có 16 địa điểm kinh doanh sản phẩm an toàn theo chuỗi (TP. Nha Trang 11 điểm, thị xã Ninh Hòa 2 điểm, huyện Vạn Ninh 1 điểm và huyện Diên Khánh 2 điểm) đã được xây dựng; trong năm 2017, tiếp tục triển khai thêm 10 địa điểm tại các địa phương khác. Tuy nhiên, chừng ấy siêu thị, điểm kinh doanh chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu thực phẩm sạch của người dân. Vậy tại sao nhu cầu tiêu thụ lớn mà việc phát triển nông sản sạch lại khó khăn, chậm chạp?

Nhiều rào cản

Được biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000ha sản xuất rau, nhưng được công nhận VietGAP chưa đến 10ha. Có quá nhiều thách thức khiến cho những diện tích rau sạch nói riêng và sản xuất nông sản theo chuẩn VietGAP đang lép vế so với sản xuất truyền thống.

Ông Nguyễn Ngọc Việt – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản nhìn nhận: Người nông dân không mấy mặn mà với VietGAP hay các mô hình sản xuất tiên tiến khác. Bởi khi sản xuất theo mô hình này, đòi hỏi đầu tiên là các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) phải tổ chức được sản xuất, phải có đội ngũ sản xuất có trình độ. Điều này rất ít HTX hay tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh làm được. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ lại khó khăn, sản phẩm VietGAP không cạnh tranh được với các sản phẩm thông thường về giá, đầu ra còn bấp bênh… Đó là chưa kể đến chuyện tư duy sản xuất của nông dân còn muốn “sáng cắt rau, chiều lấy tiền”, trong khi làm ăn với doanh nghiệp phải theo quy định của hợp đồng… Ngoài ra, một số trường hợp khi đã có đầu ra, tức là các doanh nghiệp, siêu thị đã ký kết hợp đồng mua bán, nhưng hợp đồng này rất dễ bị nông dân phá vỡ bởi nếu giá thị trường cao hơn, họ sẵn sàng bán ra ngoài.

Câu chuyện một doanh nghiệp mang theo giống xoài Úc đến Cam Lâm với năng suất tương tự các giống xoài cũ, đồng thời cam kết thu mua của nông dân với giá 25.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với xoài cũ nhưng cuối cùng vẫn bị nông dân phá vỡ hợp đồng là một ví dụ. Nguyên nhân là do xoài Úc xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc có giá cao hơn, tiêu chuẩn ít khắt khe hơn nên hầu hết người trồng xoài ở Câm Lâm đã bỏ rơi doanh nghiệp để bán sản phẩm cho thương lái. Sau ít năm, xoài Úc phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường này và đã mang lại không ít hệ lụy đối với nông dân.

Gần đây, củ khoai sáp ở Cam Lâm cũng được chính quyền địa phương lên kế hoạch sẽ phối hợp chặt chẽ với người thu mua. Lúc này người thu mua đóng vai trò điều tiết thời vụ, sao cho khoai sáp luôn có hàng cung ứng ổn định. Đổi lại, các thương lái phải thu mua với giá cả đã được định sẵn theo thỏa thuận từ trước. Nhưng rồi ý định ấy đến nay vẫn chưa thành hiện thực bởi dường như các thương lái vẫn thích tự quyết định giá tùy thuộc vào lượng hàng. Bởi thế khi vào vụ thu hoạch, giá khoai sáp bị giảm xuống và chỉ tăng lên khi nguồn hàng khan hiếm hơn.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ là các biện pháp nhằm cho ra sản phẩm an toàn, mà ở đó còn là sự đổi thay về tư duy sản xuất, sản xuất theo đơn đặt hàng, theo hướng hàng hóa. Nhưng rồi tư duy mạnh ai nấy làm, không theo quy hoạch, không hợp tác, liên kết với các hộ sản xuất khác… vẫn còn tồn tại và trở thành rào cản cho sự phát triển diện tích trồng trọt theo chuẩn an toàn.

Gian hàng trái cây sạch của Trang trại trái cây Kim Kim Hoa tại phiên chợ nông sản Khánh Hòa 2017

Vốn đầu tư quá lớn

Theo bà Kim Hoa – chủ trang trại Kim Kim Hoa ở Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh), để tạo ra được một không gian xanh, sạch và các sản phẩm nông sản chất lượng cao, được chứng nhận an toàn, số vốn đầu tư ban đầu không phải là ít. Hơn 20 tỷ đồng là số tiền đầu tư ban đầu của trang trại dành cho việc cải tạo đất, đầu tư hệ thống tưới tiêu, giống, phân bón, nhà kính, công lao động… Còn với 2ha rau sạch của Công ty Hiệp Nông Phát ở xã Ninh Thân (thị xã Ninh Hòa), doanh nghiệp này cũng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho những vườn rau xanh mát, cho những nhà lưới, hệ thống tưới tiêu hiện đại, hệ thống xử lý sau thu hoạch và phương tiện vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng.

Hay như vùng rau VietGAP Ninh Đông, Ninh Hòa và Vĩnh Phương, Nha Trang cũng có sự liên kết đầu tư của nhiều hộ sản xuất, nhưng “của chìm của nổi” của 2 HTX này cũng lên tới hàng tỷ đồng. Theo lãnh đạo HTX sản xuất rau an toàn Đắc Lộc, đó mới chỉ là vốn đầu tư ban đầu. Còn trong quá trình vận hành, hoạt động, để được chứng nhận VietGAP, từ đất, nước, mẫu sản phẩm… đều phải tiến hành kiểm nghiệm định kỳ với chi phí không nhỏ và thủ tục khá rườm rà, phức tạp. Điều quan trọng nhất hiện nay là do đầu tư lớn, dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn so với sản xuất thông thường, vì thế rất khó cạnh tranh.

Tại các trang trại heo, tuy chăn nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, người nuôi không phải đầu tư về con giống, thức ăn, nhưng chi phí đầu tư hệ thống chăn nuôi khép kín, đạt tiêu chuẩn an toàn phải tốn từ 2 đến 7 tỷ đồng/trang trại. Với trang trại lớn, có quy mô đàn hàng nghìn con như trang trại heo của bà Huỳnh Thị Chín ở Diên Khánh và Khánh Vĩnh, vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng. “Với hầu hết nông dân, đầu tư tiền tỷ vào việc trồng rau, nuôi heo là một rào cản quá lớn. Không phải ai cũng có điều kiện, hoặc đủ năng lực để vay vốn sản xuất với số tiền như vậy. Điều này khiến hoạt động sản xuất vẫn chủ yếu dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, theo truyền thống”, bà Chín chia sẻ.

 Ông Lê Đình Công – Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa cho rằng: “Quy mô chăn nuôi phát triển, ngành chăn nuôi heo bộc lộ nhiều hạn chế như: chất lượng heo giống, điều kiện chăn nuôi của các hộ không đảm bảo, môi trường mang nhiều mầm bệnh… Một khó khăn khác là hầu hết các trang trại chăn nuôi đều được đặt ở các khu vực thiếu thốn cơ sở hạ tầng, không phát triển được ngành gì nữa thì mới tính đến chuyện chăn nuôi. Các chủ trang trại thì nguồn lực có hạn nên rất khó để đầu tư. Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng sạch”.

Trái xoài ở Cam Lâm cũng như nhiều nông sản khác đầu ra vẫn còn bấp bênh

Đầu ra bấp bênh

Với vốn đầu tư, chi phí sản xuất lớn, sản phẩm VietGAP thường có giá bán cao gấp 2 – 3 lần so với sản phẩm cùng loại sản xuất theo hình thức thông thường. Hiện nay, 1kg rau VietGAP có giá 30.000 đồng trong khi ở chợ, cũng loại rau ấy chỉ bán với giá khoảng 8.000 đồng/kg. Chính vì vậy, các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đặc biệt là rau đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt.

 Bà N.T.T – một người bán rau tại chợ Xóm Mới (TP. Nha Trang) cho biết: “Trước đây, tôi cũng nhận rau từ các vườn rau sạch, có chứng nhận VietGAP để bán nhưng không thể cạnh tranh được với rau cùng chủng loại bán tràn lan ngoài chợ với giá thấp hơn nhiều. Ngoài ra, nhiều người mua rau khi thấy giá cao lại phàn nàn, tôi giải thích là rau sạch nên giá cao hơn họ vẫn không chấp nhận, chỉ đồng ý mua với giá rau không rõ nguồn gốc. Cứ như thế thì làm sao rau VietGAP có thể cạnh tranh được với rau không an toàn?”

Theo đại diện HTX rau an toàn Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương), việc sản xuất rau an toàn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt nên giá sản phẩm đầu ra không rẻ. Trong khi đó, khi đưa rau vào hệ thống siêu thị, họ lại mặc cả giá mua thấp như các loại rau thông thường nên việc tiếp cận với kênh phân phối này đang gặp khó khăn. Ngoài giá bán cao hơn, hình thức không được bắt mắt, nhanh “xuống màu” so với rau thông thường cũng là một khó khăn mà rau an toàn phải đối mặt. Mang thông tin này trao đổi với đại diện một siêu thị ở Nha Trang, chúng tôi lại nhận được ý kiến khác: “Khá nhiều thời điểm, các HTX cung ứng rau không theo đúng hợp đồng đã ký kết. Chất lượng chưa đồng đều. Số lượng chưa đảm bảo nên có sự điều chỉnh về giá thu mua là hợp lý”.

Trở lại câu chuyện với những người trồng rau VietGAP, họ cho rằng: Rau VietGAP ra chợ truyền thống thì không cạnh tranh được về giá với các loại rau thông thường; vào siêu thị thì giá cả lại thiếu sự ổn định do liên kết giữa các bên thiếu chặt chẽ. Đây là một trong những lý do chính khiến người nông dân e ngại khi đầu tư; nông sản sạch còn lép vế, một phần xuất phát từ nguyên nhân này. Và đã có không ít nông dân từ bỏ VietGap…

NHÓM PV

Bài 1: Những bước đi đầu tiên

Bài 3: Để nông nghiệp sạch phát triển
 

Theo: Báo Khánh Hòa