Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nông sản sạch: Gỡ khó để phát triển (Bài 1)

Bài 1: Những bước đi đầu tiên

Với nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày một tăng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đầu tư vào nông sản sạch. Mô hình nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh đã có những bước đi đầu tiên.

Tín hiệu vui từ trồng trọt

Tháng 7-2014, lần đầu tiên Khánh Hòa có một vùng sản xuất rau được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đó là vùng rau Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa với diện tích khoảng 2ha, mở đầu cho hình thức trồng trọt mới của nông dân Khánh Hòa. Tuy chưa hết khó khăn, nhưng hiện nay cây rau Ninh Đông đã có mặt tại các siêu thị, hình thành nên một thói quen mới cho nông dân, đó là sản xuất theo đơn đặt hàng, theo yêu cầu của đơn vị tiêu thụ.

Việc ký kết tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh

Thành công bước đầu của rau Ninh Đông đã tạo tiền đề để nhân rộng tại khu vực trồng rau ở thôn Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang). Hiện tại, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Đắc Lộc có khoảng 10ha diện tích trồng rau, trong đó có 2ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, với các loại rau: mùng tơi, muống, dền, ngót, các loại cải xanh, rau gia vị và một số rau ăn quả khác.

Vườn rau sạch xanh mướt của Công ty Hiệp Nông Phát tại xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa

Hiện nay, các sản phẩm rau các loại của mô hình VietGap rau an toàn tại xã Ninh Đông, Tổ liên kết sản xuất rau an toàn xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa); mô hình VietGap rau an toàn tại xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang); bưởi da xanh, xoài, sầu riêng của mô hình VietGap bưởi da xanh, xoài, sầu riêng an toàn tại huyện Khánh Vĩnh đã được chứng nhận sản phẩm an toàn. Ngoài ra, các loại thực phẩm như: gạo, thịt heo, thịt bò, thịt gà, nem, chả, nước mắm… được bán tại các điểm kinh doanh đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản xác nhận đều đảm bảo an toàn và sản phẩm được dán tem chứng nhận.

Nhận thấy rau VietGAP được thị trường lựa chọn, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, mà Công ty Hiệp Nông Phát ở xã Ninh Thân (Ninh Hòa) là một ví dụ. Ông Nguyễn Thành Lộc – Giám đốc công ty chia sẻ: “Với 5 vườn rau có tổng diện tích khoảng 2ha, các loại rau chúng tôi trồng là: mùng tơi, cải ngọt, đắng, dền, diếp cá, bồ ngót… được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Rau của công ty chủ yếu cung cấp cho hơn 60 trường học bán trú, bệnh viện, bếp ăn tập thể trên địa bàn Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, ngoài ra còn cung cấp cho thị trường một số tỉnh phía nam”. Hay các sản phẩm của Trang trại trái cây Kim Kim Hoa ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) hiện nay cũng đã được thị trường khó tính nhất như: các khu resort, nhà hàng, khách sạn 4 – 5 sao chấp nhận nhờ chất lượng thơm ngon, an toàn. Bà Kim Hoa tâm sự: “Cây cũng như người. Mình phải biết chăm sóc, biết yêu thương thì cây mới mang lại hoa thơm, trái ngọt. Không bao giờ tôi ép cây ra thật nhiều quả, cũng hạn chế tối đa việc sử dụng các chất hóa học. Nên dù có ít trái hơn người ta, nhưng cây xoài, cây bưởi ở đây luôn khỏe mạnh, cho trái ngon lành”.

Mới đây nhất, những trái bưởi da xanh, xoài, sầu riêng ở Khánh Vĩnh cũng được đưa vào quy chuẩn VietGAP thông qua Hợp tác xã cây ăn quả Khánh Vĩnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, hợp tác xã này có hơn 20 thành viên sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 50ha, trong đó có đến 30ha trồng bưởi VietGAP.

Đổi thay từ chăn nuôi

Ông Lê Đình Công – Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa (CP Khánh Hòa) cho biết, chăn nuôi Khánh Hòa phát triển mạnh trong khoảng 4 năm trở lại đây. Nhờ thị trường phát triển tốt, giá cả chăn nuôi tăng nên đã kích thích người dân mạnh dạn đầu tư phát triển quy mô đàn từ 20 đến 30 con/hộ lên 100 – 200 con/hộ, có hộ quy mô đàn 500 – 1.000 con heo thịt. Riêng chi nhánh của công ty tại Khánh Hòa đang hợp tác phát triển chăn nuôi với 170 trang trại heo (quy mô khoảng 170.000 con); 3 trang trại nuôi gà đẻ và 10 trang trại nuôi gà thịt (quy mô 160.000 con). Hiện nay, đàn heo, gà của công ty và các hộ chăn nuôi hợp tác với công ty được kiểm soát chặt chẽ về con giống, thức ăn, vắc xin, thuốc thú y chăn nuôi, kho trung chuyển, điểm giao nhận riêng… Nhờ đó, người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, cách ly được mầm bệnh.

Ông Nguyễn Đắc Tài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Để người dân an tâm hơn trong việc tiêu dùng các thực phẩm hàng ngày, hiện nay, tỉnh đã và đang triển khai kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo VietGAP để cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn đến người dân. Cụ thể, trong quý II/2017, có 2 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau, quả an toàn; 3 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau, quả đã được chứng nhận VietGAP được xây dựng. Bên cạnh đó, đang triển khai mới 14 mô hình trên các loại cây trồng như: ớt, hồ tiêu, xoài, bí xanh, sầu riêng, mía, dưa kiệu…

Trong khi đó, theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có hơn 250 trại heo thịt, quy mô hàng trăm con/trại, mỗi trại nuôi theo hình thức CP với quy trình hết sức nghiêm ngặt theo hướng chăn nuôi sạch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nuôi heo quy mô lớn như Công ty Cổ phần Khánh Tân với quy mô hàng nghìn con heo nái, mỗi năm cho ra thị trường hàng chục nghìn heo con và xuất chuồng hàng chục nghìn con heo thịt. Hay như các trang trại nuôi heo của bà Huỳnh Thị Chín ở huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh có quy mô hơn 2.000 con heo nái, hơn 10.000 con heo thịt… cũng được đầu tư, chăn nuôi theo quy trình khép kín, sạch bệnh.

Về nuôi gà, hiện nay, giống gà Phùng Dầu Sơn (huyện Cam Lâm) nổi tiếng của Khánh Hòa cũng đã vươn đến hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, trở thành vật nuôi sinh kế của hàng nghìn hộ gia đình. Mỗi năm, trang trại Phùng Dầu Sơn cho ra thị trường hàng trăm nghìn con gà giống. Với gà thịt, toàn tỉnh hiện có khoảng 13 trang trại nuôi gà thịt công nghiệp có quy mô từ 13.000 đến 15.000 con mỗi trại; 16 trại gà thịt Tam Hoàng, mỗi trại có từ 5.000 đến 8.000 con. Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam cũng đặt tại Khánh Hòa 30 trang trại gà thịt công nghiệp quy mô từ 2.000 đến 15.000 con mỗi trại. Chưa kể nhiều gia trại nuôi gà ta và gà công nghiệp lên đến hàng nghìn con mỗi trại. Khi có sự đổi thay về quy mô, vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đồng, người chăn nuôi cũng chú trọng hơn đến yếu tố an toàn, sạch bệnh, bởi đây là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại trong chăn nuôi của họ.

Cách đây chưa lâu, trong lần làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng chí Lê Thanh Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: “Những năm gần đây, các sản phẩm nông sản theo xu hướng an toàn, chất lượng cao đang được Khánh Hòa đặc biệt chú trọng, khuyến khích phát triển. Hiện nay, các loại rau, củ, quả sạch đã vào đến trường học, khách sạn, siêu thị… Trong đó, Khánh Hòa đang tập trung trồng các loại rau trên cơ sở cân đối với các tỉnh lân cận, nhất là các loại rau phù hợp với điều kiện thời tiết cận nhiệt đới, các loại rau thế mạnh nhằm ổn định thị trường. Hiện nay, địa phương đang tập trung hình thành những cánh đồng sản xuất có quy mô hàng chục héc-ta trở lên. Có như vậy mới có thể đáp ứng được đòi hỏi sản xuất theo hướng hàng hóa và khi có sự nâng chất về quy mô, sản xuất theo hướng hàng hóa, tôn trọng tính bền vững…, tin chắc, hoạt động nông nghiệp sẽ mang lại thu nhập tốt hơn cho nông dân”.

NHÓM PV

Bài 2: Vì sao nông sản sạch còn lép vế?

Bài 3: Để nông nghiệp sạch phát triển


Các điểm kinh doanh sản phẩm được xác nhận an toàn TP. Nha Trang:

1.    Siêu thị Co.opmart Nha Trang: 2, Lê Hồng Phong.

2.    Cửa hàng thực phẩm sạch Lý Tự Trọng: 10, Lý Tự Trọng.

3.    Cửa hàng gạo Phước Long: 160, Lê Hồng Phong.

4.    Siêu thị 3F: 9, Pasteur.

5.    Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (Siêu thị Metro): thôn Võ Cạnh, xã Vĩnh Trung.

6.    Cửa hàng Hải sản Sáu Oanh: 28D, Hoàng Hoa Thám.

7.    Công ty TNHH Trái cây ba miền: 25 đường Phương Sài, phường Phương Sơn.

8.    Cửa hàng bán buôn tổng hợp – Công ty TNHH moonmilk:11A Nguyễn Thiện Thuật, phường Lộc Thọ.

9.    Cửa hàng Giò chả Khánh Hằng: 191 Trần Nguyên Hãn.

10.     Cơ sở cung cấp trái cây Hùng Nguyệt: 18 Lý Thường Kiệt.

11.     Siêu thị Ngọc Phước: 5B Trần Hưng Đạo.

12.     Điểm kinh doanh HTX rau VietGAP Đắc Lộc: 4E, đường B3 – Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, xã Vĩnh Hiệp.

Thị xã Ninh Hòa:

1.     Hộ kinh doanh Phan Văn Vũ: Tổ dân phố 15, phường Ninh Hiệp

2.     Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoa Phụng: Thôn Tân Lập, xã Ninh Sim

Huyện Diên Khánh:
1.     Hộ kinh doanh Võ Thị Lại : Số 23 Trần Quý Cáp

2.     Công ty TNHH Khanh Food: thôn Phú Khánh Thượng, xã Diên Thạnh.

Huyện Vạn Ninh:
1.     Hộ kinh doanh Phạm Thị Thuận: thôn Phú Cang Nam 2, xã Vạn Phú.


Theo: Báo Khánh Hòa