Định hướng của tỉnh trong những năm gần đây là phát triển nông nghiệp phục vụ du lịch. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Một trong những nguyên nhân chính là quy mô sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được so với nhu cầu của thị trường.

Nông sản Khánh Hòa chưa vào được khách sạn lớn

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống có quy mô lớn. Các cơ sở này chủ yếu cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách. Trong đó, kết quả khảo sát thực tế của cơ quan chức năng đối với 52 khách sạn từ 3 đến 5 sao trên địa bàn TP. Nha Trang và gửi phiếu khảo sát đến 20 khách sạn và 5 cơ sở cung cấp các sản phẩm nông sản cho thấy, nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp tại các khách sạn để phục vụ khách du lịch rất lớn. Các sản phẩm nông nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều là: rau ăn lá bình quân từ 15 đến 30 tấn/tháng/loại; các loại rau ăn củ, quả khoảng 50 – 60 tấn/tháng/loại; các loại trái cây bình quân từ 70 đến 288 tấn/tháng tùy loại…

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
zzNông sản Khánh Hòa vẫn chưa xuất hiện nhiều tại các kệ hàng siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.

Nông sản Khánh Hòa vẫn chưa xuất hiện nhiều tại các kệ hàng siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.

Tuy nhiên, một thống kê đáng buồn là tỷ lệ nông sản được sản xuất tại Khánh Hòa tiêu thụ qua kênh du lịch này chỉ chiếm từ 10 đến 15%. Trong đó, các sản phẩm trong tỉnh chủ yếu là: rau thơm, rau gia vị, thủy sản. Mặc dù nhiều loại nông sản khác, đặc biệt là một số loại trái cây như: xoài, đu đủ, mít, chôm chôm, chuối, bưởi… được sản xuất nhiều ở Khánh Hòa và đang dần khẳng định được ưu thế của mình, nhưng số trái cây này vẫn chưa tiếp cận được các khách sạn.

Điều này được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết, các cơ sở lưu trú du lịch chủ yếu lấy hàng qua các doanh nghiệp chuyên cung ứng nông sản. Các đơn vị này được chứng nhận về an toàn thực phẩm và có quy mô tương đối lớn, mỗi ngày nhập xuất hàng chục nghìn tấn nông sản. Chẳng hạn như các loại rau, củ, quả, trái cây được phân phối qua các đơn vị như: Công ty TNHH Thực phẩm và nông sản Hoàng Lan, Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, Công ty TNHH Nguyên Lê Bảo, cơ sở trái cây Hùng Nguyệt…; trứng gia cầm được phân phối bởi Công ty C.P Việt Nam, Đại lý Sơn Liêm… Thịt gia súc, gia cầm do Công ty TNHH Thực phẩm An Phong, Công ty TNHH Moonmilk… đảm nhận. Theo đại diện một số đơn vị cung cấp, các loại nông sản ở Khánh Hòa có số lượng ít, chủng loại hạn chế, cung ứng chưa đều đặn nên việc ký kết hợp đồng tiêu thụ gặp khó khăn. Vì thế, nguồn nguyên liệu nông sản được các nhà cung cấp thu mua chủ yếu từ các tỉnh như: Ninh Thuận, Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây.

Du khách thưởng thức Buffet tại một khách sạn ở Nha Trang.

Du khách thưởng thức Buffet tại một khách sạn ở Nha Trang.

Thực tế, Khánh Hòa cũng đã dần hình thành được một số loại nông sản thế mạnh như: xoài Cam Lâm, bưởi Khánh Vĩnh, sầu riêng Khánh Sơn, rau xanh Ninh Hòa, Nha Trang… nhưng nhìn chung quy mô sản xuất nông nghiệp Khánh Hòa vẫn chủ yếu ở mức độ nhỏ, riêng lẻ, chưa có sự liên kết sản xuất, sản phẩm thiếu tính đa dạng, chất lượng chưa cao. Trong khi đó, yêu cầu của các khách sạn là phải có nguồn cung cấp ổn định, liên tục, đa dạng sản phẩm. Chưa kể nhiều sản phẩm có thế mạnh ở địa phương như: mít, đu đủ, chuối… chưa có các giấy tờ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó ít được các nhà cung cấp lựa chọn. Với các sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm như: sầu riêng, bưởi da xanh lại ít được các khách sạn, cơ sở lưu trú lựa chọn…

Chính sách chưa đủ mạnh?

Trong các buổi làm việc với ngành Nông nghiệp thời gian gần đây, ông Lê Thanh Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy từng nhiều lần chỉ đạo ngành Nông nghiệp Khánh Hòa cần phát triển theo hướng tập trung phục vụ khách du lịch, làm sao để nông nghiệp không cần nghĩ đến xuất khẩu mà vẫn sống khỏe. Hay nói cách khác là xuất khẩu tại chỗ.

Xoài Cam Lâm vẫn chủ yếu được bán cho tư thương theo đường tiểu ngạch.

Xoài Cam Lâm vẫn chủ yếu được bán cho tư thương theo đường tiểu ngạch.

Tuy nhiên, để đến được với các cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng từ 3 sao trở lên, nông sản Khánh Hòa cần phát triển xứng tầm. Về cơ chế, HĐND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; UBND tỉnh cũng đã triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tiếp cận của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp đến các chính sách này đang gặp nhiều khó khăn. Điều này một phần do các địa phương chưa thật sự quyết liệt triển khai để đưa các chính sách hỗ trợ đến với nông dân. Nhưng cái khó nhất, theo những người trực tiếp làm ra các sản phẩm nông sản đó chính là yêu cầu về quy mô sản xuất, chăn nuôi để được hỗ trợ quá lớn, hầu hết người dân không đáp ứng được. Trong khi đó, mối liên kết thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nhìn chung vẫn chỉ ở mức độ cung ứng một số dịch vụ thiết yếu, chưa có nhiều tổ chức đại diện nông dân có cách thức làm ăn bài bản, có ký kết và tuân thủ được các ký kết về tiêu thụ nông sản. Nhà nước muốn thông qua chính sách để người dân liên kết lại với nhau, hợp tác sản xuất trên những cánh đồng lớn, có số lượng, chất lượng, chủng loại và tần suất xuất hiện đều đặn, trong khi người sản xuất chưa thực sự mặn mà do chưa thấy được sự khác biệt so với chăn nuôi, trồng trọt đơn lẻ. Chính vì thế, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa thực sự mở ra hướng phát triển như kỳ vọng.

Có một thực tế đó là trong mỗi hợp đồng ký kết tiêu thụ nông sản, yếu tố tiên quyết mà các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi đó là các mặt hàng nông sản không chỉ đáp ứng được về chất lượng mà phải đạt cả về số lượng. Nói cách khác là quy mô sản xuất phải đủ lớn. Trong khi đó, nông dân lại khẳng định nếu đơn vị tiêu thụ nông sản ký kết bao tiêu sản phẩm với mức giá hợp lý, họ mới có thể sản xuất lớn theo đơn đặt hàng.

Trên thực tế, không có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiện nay ở Khánh Hòa có thể đáp ứng được các yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và tính liên tục. Đơn cử như ở một HTX sản xuất rau an toàn trong tỉnh, mặc dù nhu cầu của đơn vị tiêu thụ là rất nhiều loại rau kết hợp trong mỗi hợp đồng được ký kết, nhưng các thành viên trong HTX lại chưa phân công được lúc nào thì trồng rau gì để đáp ứng được tính đa dạng đó mà chủ yếu tập trung vào sản xuất 1 – 2 loại rau mà họ cho là bán được giá hơn. Bởi thế, chỉ trong một thời gian ngắn, HTX này đã không thể đáp ứng được yêu cầu về chủng loại. Hợp đồng tiêu thụ vì thế bị hủy bỏ. Sản phẩm của HTX vẫn chủ yếu tiêu thụ ở các chợ truyền thống. Điều này đặt ra yêu cầu về tính liên kết không đơn thuần chỉ trong một tổ chức, một tổ hợp tác hay HTX, mà những người trồng rau ở Khánh Hòa phải liên kết lại, mở rộng cả về quy mô, chủng loại lẫn số lượng, chất lượng hàng hóa, có như vậy mới có thể đáp ứng được đòi hỏi của thị trường.

Ở một khía cạnh khác, theo “Đề án chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 – 2020” được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2016, hoạt động chuyển đổi sang các sản phẩm nông nghiệp có nhu cầu tiêu thụ lớn, phù hợp thế mạnh ở Khánh Hòa như: chuối, mít, đu đủ, xoài, bưởi… đang diễn ra ngày một nhiều hơn. Hoạt động sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, VietGAP) nhằm đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh cũng đang được hình thành. Tuy nhiên, hầu như chưa có loại nông sản nào được người nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp tiêu thụ. Thị trường chủ yếu của xoài, bưởi, sầu riêng, dừa xiêm… những nông sản chủ lực và có thương hiệu của Khánh Hòa vẫn đang chủ yếu thông qua con đường tiểu thương, tiểu ngạch.

Tăng cường hợp tác

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những nhiệm vụ đặt ra của ngành trong thời gian tới đó là tập trung tổ chức lại, tập hợp các cá nhân sản xuất rau, củ, quả, trái cây riêng lẻ tại các địa phương thành các tổ hợp tác hoặc các HTX để hình thành các nhóm liên kết sản xuất có quy mô lớn hơn, sản xuất đa dạng các sản phẩm hơn, qua đó có đủ sản lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn tại các cơ sở kinh doanh du lịch. Cùng với đó, đẩy mạnh các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, triển khai một cách có hiệu quả Kế hoạch phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh để qua đó hình thành các tổ hợp tác, HTX sản xuất nông lâm thủy sản an toàn, đáp ứng yêu cầu của các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh.

“Điều thuận lợi là hiện nay các địa phương đã xây dựng và thành lập các HTX sản xuất rau, quả, trái cây an toàn được chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại các HTX còn hạn chế nên hầu hết các nhà hàng, khách sạn chưa biết đến các HTX này. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ giữa các HTX sản xuất nông nghiệp với các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể”, ông Nguyễn Ngọc Việt – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết.

H.Đăng

Theo: Báo Khánh Hòa