Năm 2021, tuy ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh Khánh Hòa vẫn phát triển ổn định. Năm 2022, hoạt động sản xuất nông nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh song hành với quá trình liên kết tiêu thụ nông sản.
Được mùa, tiêu thụ khó
Năm 2021, thời tiết khá thuận lợi nên nông dân trong tỉnh gieo đủ 3 vụ lúa với tổng diện tích hơn 45.000ha, sản lượng đạt 270.000 tấn lúa. Năm nay cũng là năm được mùa đối với các diện tích trồng cây lâu năm, hơn 18.000ha cây ăn quả cho sản lượng thu hoạch tương đương hoặc cao hơn năm trước. Trong đó, khoảng 7.400ha xoài cho sản lượng 44.400 tấn; hơn 800ha bưởi da xanh đang cho thu hoạch, sản lượng gần 2.700 tấn; 780ha sầu riêng cho thu hoạch với năng suất 80 tạ/ha… Đã có hơn 1.000ha diện tích trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả được nông dân chuyển sang trồng rau màu, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, ngân sách nhà nước đã dành gần 11 tỷ đồng để hỗ trợ về giống, phân bón, vật tư nông nghiệp… cho nông dân chuyển đổi gần 400ha cây trồng.
Về chăn nuôi, ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trong năm, tình hình dịch bệnh như: dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục… xảy ra nhỏ lẻ ở một số thời điểm nhưng nhờ nỗ lực của người chăn nuôi, chính quyền địa phương và lực lượng thú y nên dịch bệnh nhanh chóng được khống chế, không để lây lan diện rộng. Nhìn chung, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tương đối ổn định, cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và một phần xuất tỉnh.
Về thủy sản, cùng với việc triển khai các biện pháp trọng tâm chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, ngành thủy sản tập trung vào việc hướng dẫn ngư dân trang bị, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 691/715 tàu cá (đạt 96,6%). Trong năm, điều kiện ngư trường trên vùng biển, thời tiết diễn biến thuận lợi nên hoạt động khai thác hải sản tương đối ổn định. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 111.500 tấn, tương đương năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 580 triệu USD.
Dẫu vậy, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hoạt động lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc tiêu thụ nông sản chậm, giá bán thấp hơn so với năm trước. Rau xanh, trái cây, thủy hải sản đều chung cảnh bị ùn ứ, nhất là những loại nông sản xuất khẩu và phục vụ du lịch có giá trị kinh tế cao đều gian nan tìm đầu ra. UBND tỉnh đã triển khai nhiều đợt hỗ trợ tiêu thụ nông sản với các giải pháp kích cầu trong tỉnh, trao đổi nông sản với các tỉnh bạn nhằm hỗ trợ nông dân giảm bớt thiệt hại.
Đẩy mạnh liên kết
Theo ông Lê Tấn Bản – Giám đốc Sở NN-PTNT, những bài học kinh nghiệm sau gần 2 năm chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 cho thấy, hoạt động sản xuất nông nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh song hành với quá trình hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tháng 11-2021, tỉnh đã phê duyệt Đề án đổi mới, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2022 – 2025. Đây là cơ sở để tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp thời gian tới.
Trong năm 2021, triển khai thực hiện Nghị định số 98 ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Sở NN-PTNT đã trình UBND tỉnh hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa giống cho 11 hợp tác xã trên địa bàn huyện Diên Khánh với diện tích liên kết 947 ha/vụ; ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 8,2 tỷ đồng, vốn đối ứng của các hợp tác xã 8,194 tỷ đồng. Khi dịch Covid-19 ở giai đoạn căng thẳng nhất, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản các tỉnh bạn để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản chủ lực của Khánh Hòa. Sở Công Thương tổ chức vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh như: Siêu thị Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Mega Market…, Sở Công Thương các tỉnh lân cận để hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp nắm bắt các thông tin liên quan đến việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu để chủ động trong việc đưa hàng hóa qua các cửa khẩu. UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan điều chỉnh kế hoạch sản xuất đảm bảo gắn với tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng ứ đọng sản phẩm. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn… hình thành các điểm tiêu thụ nông sản nhằm vận động, kêu gọi hội viên, đoàn viên hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân. Sở Giao thông vận tải đảm bảo việc lưu thông hàng hóa thuận lợi nhất trong bối cảnh giãn cách xã hội… Đây vừa là giải pháp tình thế nhằm giải phóng lượng nông sản ùn ứ, vừa mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Khánh Hòa có thêm kênh kết nối tiêu thụ, tạo tiền đề cho mối liên kết lâu dài.
Theo ông Lê Tấn Bản, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của nông nghiệp Khánh Hòa đó là đẩy mạnh việc triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh theo hướng đa dạng hóa về loại hình, quy mô, phù hợp điều kiện và nhu cầu từng ngành, nghề, lĩnh vực và địa phương, đưa kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trở thành thành phần kinh tế có vai trò quan trọng trong việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân”.
Hồng Đăng