Tuy là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng theo nhiều đại biểu HĐND, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Trong đó, một số dự án còn chậm tiến độ, gây lãng phí tài nguyên du lịch; công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực còn nhiều bất cập…
Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh khảo sát việc đặt dù trên bãi biển Nha Trang.
Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh khảo sát việc đặt dù trên bãi biển Nha Trang.
Thiếu kiểm tra giám sát
Thời gian qua, một số dự án du lịch trên địa bàn Nha Trang khi triển khai đã lấn biển trái phép, ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan môi trường của vịnh Nha Trang. Nổi cộm là dự án Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp với du lịch sinh thái ở Hòn Rùa lấn biển trái phép với diện tích 12.870m2, xẻ núi làm đường nội bộ ngoài ranh giới được giao với diện tích 1.068m2. Dự án Công viên văn hóa giải trí, thể thao Nha Trang Sao có nhiều vi phạm nghiêm trọng: tiến độ dự án không đúng cam kết; xây dựng công trình không có trong giấy phép; đổ đất lấn biển vượt ngoài ranh giới được giao với diện tích 22.968m2… 
Tại phiên họp, đại biểu Đoàn Minh Long nêu vấn đề: Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vịnh Nha Trang (Quyết định số 2466/QĐ-UBND ngày 8-9-2011) có ghi rõ: “Khu vực đảo Hòn Rùa giữ nguyên hiện trạng để khai thác yếu tố cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, ấn tượng trong khu vực vịnh” nhưng tại sao tháng 11-2013, UBND tỉnh lại cấp giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp thực hiện dự án Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp với du lịch sinh thái tại đảo Hòn Rùa. Việc UBND tỉnh cấp giấy phép cho doanh nghiệp thực hiện dự án có bất cập so với Quyết định số 2466 và Luật Di sản văn hóa hay không? 
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hòa Nam – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, việc UBND tỉnh cấp phép cho dự án Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp với du lịch sinh thái ở Hòn Rùa không hề có sự mâu thuẫn, bởi trong đồ án có nội dung cho phép làm dự án du lịch cao cấp, có thể xây dựng công trình thấp hơn tán cây… Theo ông Nam, điều bất cập ở đây là thiếu sự giám sát của các cơ quan chức năng, không kịp thời ngăn chặn sự vi phạm của chủ đầu tư. Bên cạnh trách nhiệm của các sở, đại biểu Đoàn Minh Long đặt vấn đề cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm của chính quyền cơ sở khi để xảy ra sai phạm trong thời gian dài nhưng không phát hiện.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã đặt vấn đề về thời gian khắc phục những sai phạm ở Hòn Rùa. Ông Võ Tấn Thái – Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường (TN-MT) cho biết, sau khi phát hiện sai phạm của chủ đầu tư, Sở TN-MT cùng các ngành liên quan đã kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt hành chính 175 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu chủ đầu tư khắc phục trả nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư chưa hoàn thành khắc phục hậu quả theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Sai phạm của chủ đầu tư đã rõ, nếu không khắc phục thì nên thu hồi dự án.
Cũng tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lê Đình Trị phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường, cảnh quan ở khu vực dự án Nha Trang Sao ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ đẹp của vịnh Nha Trang, đồng thời đặt vấn đề cần có những biện pháp kịp thời để khắc phục cảnh quan môi trường ở khu vực này. Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Lê Đức Vinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 19-1-2018, Sở KH-ĐT đã có quyết định chấm dứt hoạt động dự án Công viên Văn hóa giải trí, thể thao Nha Trang Sao. Trong khi đang thực hiện các trình tự, thủ tục xử lý đất đai và tài sản gắn liền với đất, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc quản lý đất đai dự án, không để lấn chiếm, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan khu vực. Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở TN-MT có trách nhiệm theo dõi, phối hợp với UBND TP. Nha Trang kịp thời xử lý các vi phạm. 
Sau phần trả lời của đồng chí Lê Đức Vinh, đại biểu Nguyễn Lê Đình Trị đề nghị UBND tỉnh cần quyết liệt hơn trong các giải pháp khôi phục, bảo vệ cảnh quan môi trường ở dự án Nha Trang Sao. 
Tìm giải pháp giải quyết vấn đề nhân lực du lịch
Tại cuộc họp, đại biểu Nguyễn Thị Hoàng Diệp – Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội phản ánh, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch tỉnh vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng. Từ đó, đại biểu Diệp đặt câu hỏi về những giải pháp để giải quyết bài toán về nhân lực du lịch. 
Ông Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Thời gian gần đây, du lịch Khánh Hòa phát triển rất nhanh đã dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch. Tính đến cuối năm 2017, tổng số lao động trực tiếp trong ngành Du lịch là 28.000 người; số người được đào tạo về du lịch chiếm tỷ lệ 52% (đại học, cao đẳng 8%, trung cấp 16%, sơ cấp 28%). Dự tính, từ nay đến năm 2020, ngành Du lịch cần thêm 10.050 lao động/năm. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh chỉ cung cấp 2.600 lao động đã qua đào tạo lĩnh vực du lịch. Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực du lịch cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành, trong đó có vai trò của các cơ sở đào tạo. Sắp tới, Ban chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh sẽ bàn kỹ vấn đề này để tìm ra các giải pháp tối ưu nhất, trước mắt sẽ tập trung giải quyết về số lượng, về lâu dài sẽ tìm những giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề nhân lực du lịch, đồng chí Trần Sơn Hải đề nghị các cấp chính quyền địa phương ở cơ sở, ngành Giáo dục… đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao việc phân luồng học sinh, các gia đình cần khuyến khích con em theo học các nghề du lịch.
Dù nghỉ mát tràn lan trên bãi biển Nha Trang.
Dù nghỉ mát tràn lan trên bãi biển Nha Trang.
Cũng tại phiên họp, đại biểu Đoàn Minh Long đặt vấn đề giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng bất cập trong việc đón khách du lịch Trung Quốc. Ông Trần Việt Trung – Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Từ tháng 7-2016 đến 3-2018, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh đã kiểm tra 570 lượt đối với 939 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; trong đó có 283 lượt kiểm tra liên ngành đối với 391 cơ sở. Kết quả, các cơ quan chức năng đã nhắc nhở 64 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 262 trường hợp. Từ việc tăng cường thanh kiểm tra, xử lý, các doanh nghiệp đón khách Nga và Trung Quốc đã hiểu biết, chấp hành nghiêm túc các quy định về sử dụng hướng dẫn viên du lịch. Để giải quyết vấn đề còn bất cập trong việc đón khách du lịch Trung Quốc, hiện nay sở đang phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc để tiến đến thành lập hiệp hội lữ hành đón khách Trung Quốc trên địa bàn tỉnh. Khi hiệp hội này ra đời sẽ hướng đến việc thành lập công ty quản lý và cung ứng hướng dẫn viên du lịch. 
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tạo động lực thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác phát triển; giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống của người dân… Tuy nhiên, ngành Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực du lịch còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, nhất là trong việc phối hợp thực hiện kiểm tra, xử lý các sai phạm. Ông đề nghị ngành Du lịch cần có kế hoạch cụ thể tham mưu đúng và sát với Chương trình du lịch của tỉnh; khẩn trương hoàn thành quy chế phối hợp giữa các ngành để triển khai đồng bộ, đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo bước chuyển mới để trở thành trọng điểm du lịch quốc gia. Đối với một số dự án chậm tiến độ, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp tham mưu xử lý triệt để những sai phạm của chủ đầu tư và có những giải pháp để tiếp tục triển khai các dự án đảm bảo quy định pháp luật.
XUÂN THÀNH