6 tháng đầu năm, tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh Khánh Hòa đạt kết quả khả quan. Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2022 ở mức cao nhất, ngành Tài chính tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong những tháng cuối năm.
Các địa phương đều có số thu hơn 50% dự toán
Theo báo cáo của Sở Tài chính, thu NSNN 6 tháng đầu năm được 8.619 tỷ đồng, đạt 71,7% dự toán, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu thuế xuất nhập khẩu được 1.943 tỷ đồng, đạt 93,6% dự toán; thu nội địa được 6.676 tỷ đồng, đạt 67,2% dự toán. Thu nội địa trên địa bàn tỉnh vượt tiến độ thu so với dự toán chủ yếu do hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ của các doanh nghiệp, cá nhân đang dần phục hồi và nhiều giải pháp kích cầu du lịch được triển khai, mang lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, sự tăng đột biến của thuế thu nhập cá nhân do hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh cũng góp phần vượt tiến độ thu NSNN. Vì vậy, 8/8 huyện, thị xã, thành phố đều có số thu đạt hơn 50% dự toán. Trong đó, có những địa phương có số thu đạt cao như: Cam Lâm đạt 91% dự toán tỉnh giao, Khánh Sơn 81%, Khánh Vĩnh 76%, Ninh Hòa 66,6%…
Chi ngân sách địa phương thực hiện trong 6 tháng đạt 5.288 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán. Trong đó, chi thường xuyên được 3.234 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 2.054 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp do một số dự án trên địa bàn huyện Cam Lâm đang phải ngừng triển khai thi công để rà soát lại quy hoạch nhằm tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, một số dự án lớn được bố trí thực hiện trong năm nay nhưng do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng tiến độ giải ngân kế hoạch vốn; các chủ đầu tư giải ngân nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện từ năm 2021 sang năm 2022 nên tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn còn thấp.
Phấn đấu đạt mức cao nhất
Ông Vĩnh Thông – Giám đốc Sở Tài chính cho biết, kết quả thu NSNN 6 tháng đầu năm có nhiều dấu hiệu khả quan đã tạo động lực rất lớn cho ngành Tài chính phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2022 ở mức cao nhất. Ngành đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tài khóa trong 6 tháng cuối năm. Theo đó, ngành Tài chính sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tài chính, địa phương thu đúng, thu đủ tất cả các khoản thu vào NSNN, đặc biệt là thu hồi nợ đọng thuế để phấn đấu tỷ lệ nợ thuế dưới 5% tổng thu NSNN. Các cơ quan xây dựng phương án sắp xếp, bán, cho thuê tài sản nhà đất trên địa bàn tỉnh để tạo nguồn thu mới, bố trí nguồn lực cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, ngành đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung xử lý và hoàn thành công tác bồi thường giải tỏa, thủ tục đầu tư của các dự án.
Đặc biệt, ngành Tài chính sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những giải pháp thực hiện các chính sách về quản lý tài chính – ngân sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa với các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng; trình HĐND tỉnh triển khai chính sách cho phép các huyện, thị xã, thành phố được sử dụng ngân sách của địa phương và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Đối với phần được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022, ngành Tài chính sẽ tham mưu cho UBND tỉnh sử dụng vào các nhiệm vụ chi phục vụ mục tiêu phát triển tỉnh theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.
MAI HOÀNG