Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nỗ lực thu hồi nợ đọng bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh vừa báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa về tình hình nợ BHXH đến cuối tháng 11; đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp kiên quyết thu hồi nợ đọng đến cuối năm.

1.403 đơn vị nợ bảo hiểm

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp kiên quyết thu hồi nợ đọng. Ngoài ra, BHXH tỉnh còn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm nên tình hình nợ bảo hiểm có xu hướng giảm ở các tháng cuối năm. Năm 2019, tỷ lệ nợ đọng bảo hiểm chiếm khoảng 2,5% kế hoạch thu, giảm 0,1% so với năm 2018. Đây là tín hiệu tích cực.

Tổ công tác liên ngành thu hồi nợ bảo hiểm làm việc với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm.

Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11, toàn tỉnh vẫn còn  1.403 đơn vị nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Trong đó, 1.225 đơn vị nợ từ 1 tháng trở lên với số tiền hơn 114 tỷ đồng; 178 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên với số tiền hơn 55,5 tỷ đồng. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành các đơn vị nợ đọng bảo hiểm cho thấy, ngoài một bộ phận các đơn vị quan tâm đến quyền lợi của người lao động, tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm cho người lao động thì vẫn còn một bộ phận đơn vị không tham gia đầy đủ. Các lỗi vi phạm thường gặp như: Đóng thiếu thời gian tham gia bảo hiểm cho người lao động; chưa ghi đúng chức danh nghề, công việc làm khi ký hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm cho người lao động; tham gia BHXH không đúng mức lương, thu nhập thực tế; sử dụng lao động làm công việc thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng đăng ký tham gia bảo hiểm không đúng chức danh nghề, công việc của người lao động; nợ đọng bảo hiểm kéo dài… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia BHXH phần lớn là các doanh nghiệp thuộc khu vực dân doanh có quy mô nhỏ, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều chủ sử dụng lao động chưa nghiêm nên việc thu nộp BHXH theo quy định gặp nhiều khó khăn…

Triển khai nhiều giải pháp

Ông Lê Hùng Chính – Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh cho biết, tháng 11 vừa qua, tỉnh tiếp tục có văn bản chỉ đạo BHXH tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện những giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo này, từ nay đến cuối năm, BHXH tỉnh sẽ tăng cường tổ chức đối thoại giữa cơ quan BHXH và chủ sử dụng lao động, người lao động để giải quyết những vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách BHXH. Tổ công tác liên ngành thu nợ cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục thực hiện đôn đốc thu nợ, kiểm tra thu nợ đối với các đơn vị nợ. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức mời những đơn vị nợ bảo hiểm từ 1 đến 2 tháng lên làm việc, đối thoại, yêu cầu đóng BHXH đầy đủ, kịp thời ngay trong tháng phát sinh, không để nợ sang tháng sau. Đối với các đơn vị nợ đọng bảo hiểm kéo dài, sau khi bị xử phạt hành chính vẫn không đóng, BHXH tỉnh sẽ củng cố và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra, truy tố, xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Năm 2019, BHXH tỉnh đã chuyển hồ sơ 22 doanh nghiệp nợ đọng sang cơ quan điều tra.

Ông Chính cho biết, quá trình thu nợ cho thấy, một số doanh nghiệp thật sự gặp khó khăn, nhưng một số doanh nghiệp kinh doanh vẫn bình thường, thu tiền của người lao động nhưng không đóng BHXH. Đây là hành vi chiếm dụng tiền của người lao động, vi phạm pháp luật. Khó khăn là các doanh nghiệp này ít quan tâm đến tình hình nợ bảo hiểm, khi đốc thúc mạnh thì mới chịu nộp. “Trong quá trình sử dụng lao động, các đơn vị sử dụng lao động cần phải tự đặt mình vào vị trí của người lao động thì mới có trách nhiệm, ý thức tự giác đóng đầy đủ chế độ bảo hiểm cho người lao động. Đặc biệt, năm 2020, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng, các đơn vị, doanh nghiệp cần phải chủ động kinh phí để tăng lương, thực hiện đóng chế độ bảo hiểm đầy đủ cho người lao động. Có như vậy, mới chăm lo tốt cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội”, ông Chính nói.

Minh Thiết
 

Theo: Báo Khánh Hòa