Cống nước thải của nhà máy đường Khánh Hòa tiếp giáp với đầm Thủy Triều. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 14 tỉnh, thành phố, trong đó có 9 tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Khánh Hòa; 5 tỉnh thuộc Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Vùng duyên hải miền Trung đã và đang phát triển mạnh kinh tế biển, gắn với các ngành công nghiệp chủ lực.

Còn khu vực Tây Nguyên tập trung thâm canh cây công nghiệp, khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện. Nhưng cùng với tăng trưởng kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng gia tăng gây nên những sự cố môi trường nghiêm trọng.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Vì vậy, công tác quản lý, nhận diện để phòng ngừa các sự cố gây ô nhiễm môi trường tại 2 khu vực này cần phải có những giải pháp căn cơ và đồng bộ.

Điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường

Nhận xét về tình trạng ô nhiễm môi trường tại miền Trung và Tây Nguyên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, trong 3 năm (2015-2017), qua công tác thanh tra, kiểm tra 253 cơ sở, khu công nghiệp tại 2 khu vực này, Tổng cục đã phát hiện 36 cơ sở thuộc đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phải lập biên bản vi phạm hành chính đối với 101 cơ sở và đề nghị xử phạt tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Từ tháng 11/2017 đến hết tháng 5/2018, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường nhận được 78 thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường trên địa bàn 14 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Các vụ việc phản ánh chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn như Đà nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế.

Chẳng hạn như tháng 3/2017, Nhà máy đường Khánh Hòa thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn đường Khánh Hòa để nước thải chưa qua xử lý chảy tràn ra hệ thống thoát nước gây ô nhiễm đầm Thủy Triều, gây thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng.

Sự cố tràn dung dịch kiềm ra suối ngày 18/12/2017 tại Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), làm cá nuôi trong ao của người dân nơi đây chết với số lượng lớn.

Từ ngày 24/5 đến 28/5/2017, tại khu vực xã Xuân Phương và phường Xuân Yên thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên xảy ra hiện tượng tôm hùm nuôi chết hàng loạt, thiệt hại hơn 700 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu do mật độ nuôi quá dày, thức ăn thừa và chất thải tích tụ trong thời gian dài dẫn đến hiện tượng thiếu oxy, chỉ tiêu PO4 tầng đáy vượt ngưỡng cho phép gây nên.

Hay vụ cá lồng bè cũng chết rất nhiều ở sông Cổ Cò, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng vào ngày 17/7/2017 liên quan tới thực trạng quá tải của Trạm xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố…

Đặt biệt là vụ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải làm cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh), bắt đầu từ ngày 6/4/2016.

Sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của ngư dân, đến những hộ nuôi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến du lịch biển và cuộc sống của hơn 200 ngàn người dân, trong đó có 41 nghìn ngư dân, là sự “cảnh tỉnh” về việc quản lý và giám sát môi trường hiện nay.

[Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt nạn ô nhiễm rác thải lan ra biển]

Còn nhiều việc phải làm

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, môi trường được xác định là một trong ba trụ cột của phát triển kinh tế bền vững bên cạnh kinh tế và xã hội.

Nhưng những năm qua, nhiều địa phương (trong đó có khu vực miền Trung và Tây Nguyên) đã quá coi trọng thu hút đầu tư, chưa quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường.

Trong khi 2 khu vực này là địa bàn có địa hình chia cắt phức tạp, nơi chịu ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu nặng nề. Đồng thời sự hạn chế về nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ, giáo dục đã dẫn đến công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là thách thức rất lớn.

Do đó, việc làm trước tiên của các địa phương miền Trung và Tây Nguyên là phải nhanh chóng tăng cường năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ môi trường từ tỉnh đến cơ sở.

Tập trung xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn địa phương, nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường.

Chú trọng công tác thẩm định hồ sơ môi trường gồm Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường… chặt chẽ về nội dung phòng ngừa. Mặt khác cần thể hiện đầy đủ chi tiết và giải quyết các tình huống khi có sự cố môi trường xảy ra.

Cùng với đó là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Nhất là các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm, luyện thép, sản xuất hóa chất.

Các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đếm trở lên; các đối tượng có loại hình sản xuất công nghệ lạc hậu, nguồn thải lớn, xả thải ra những khu vực nhạy cảm về môi trường như ven biển, lưu vực sông.

Bên cạnh việc trực tiếp thanh tra, kiểm tra các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, các cơ quan chức năng địa phương cần thành lập và duy trì đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp, kiến nghị của các tổ chức cá nhân về ô nhiễm môi trường, để xử lý, ngăn chặn đến mức thấp nhất các sự cố môi trường có thể xảy ra.

Tổng cục Môi trường cũng sẽ phối hợp với các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên thực hiện chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường, tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải.

Kết nối, kết hợp số liệu quan trắc nguồn thải với quan trắc chất lượng môi trường dự báo diễn biến, đánh giá, xác định nguyên nhân ô nhiễm để có các giải pháp ứng phó khả thi.

Mặt khác, các địa phương nơi đây nhanh chóng hoàn thiện cơ chế cộng đồng chủ động bảo vệ môi trường gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của các đoàn thể quần chúng, với mục đích cùng chung tay bảo vệ môi trường bền vững./.

Theo: Viet Nam Plus