Vừa qua, dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện ở Diên Khánh. Hiện nay, ngành chức năng đang tập trung tối đa nhân lực, phương tiện và các giải pháp để khống chế dịch bệnh này.

Tiêu hủy gần 4 tấn heo

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngày 11-4, đàn heo của một hộ chăn nuôi ở thôn Đại Điền Trung 3, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh bị bệnh, chết. Kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, lấy mẫu gửi xét nghiệm, kết quả cả 3/3 mẫu đều dương tính với vi rút gây bệnh ASF. Chỉ ít ngày sau, hầu hết số heo trong thôn này đều có biểu hiện sốt, bỏ ăn. UBND huyện đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn heo mắc bệnh trong thôn. Đến ngày 25-4, một hộ chăn nuôi khác ở thôn Đại Điền Đông 2 cũng xuất hiện dấu hiệu dịch bệnh, kết quả xét nghiệm cũng cho thấy đàn heo này dương tính với ASF.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Theo cơ quan chức năng, các nguyên nhân khiến ASF bùng phát là: người chăn nuôi nhỏ, lẻ sử dụng thức ăn thừa của các nhà hàng, quán ăn cho chăn nuôi heo; các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi ở mức độ thấp; nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi hạn chế, một số hộ khi phát hiện heo bệnh không chủ động báo cho chính quyền địa phương.

Chốt kiểm soát tại xã Diên Điền phun thuốc khử trùng mọi phương tiện từ các thôn có dịch đi ra bên ngoài.

Trước diễn biến phức tạp và có dấu hiệu lây lan dịch bệnh, ngày 29-4, UBND huyện Diên Khánh đã công bố dịch bệnh ASF tại xã Diên Điền. Cùng với đó là hàng loạt giải pháp để khống chế dịch bệnh. Tuy vậy, đến ngày 9-5, ASF tiếp tục lan đến thôn Đại Điền Đông 1, nâng số thôn có heo bệnh, chết do ASF của xã Diên Điền lên 3/6 thôn. Cùng với hoạt động tổ chức tiêu hủy theo đúng quy trình an toàn sinh học, huyện Diên Khánh đã tổ chức ngay các chốt chặn tại các ngõ ra vào ở 3 thôn này; tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng 24/24 giờ đối với tất cả các phương tiện đi từ 3 thôn có heo bị bệnh ra bên ngoài.

Theo lực lượng thú y, tổng cộng có 8 hộ chăn nuôi ở 3 thôn kể trên có heo bị ASF. Số lượng heo đã tiêu hủy là 44 con có trọng lượng 3.920kg. Heo mắc bệnh ở đủ độ tuổi, từ heo con, heo thịt sắp xuất chuồng đến heo nái. Điều tra dịch tễ học các yếu tố nguy cơ cao cho thấy, tất cả các hộ chăn nuôi heo bị bệnh đều thuộc diện nhỏ lẻ; có sử dụng thức ăn thừa của các quán phở, bún trên địa bàn xã và thức ăn thừa của quán cơm ở chợ Thành để chăn nuôi heo.

Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh

Theo UBND huyện Diên Khánh, vùng công bố dịch là xã Diên Điền. Vùng bị dịch uy hiếp được xác định là các xã: Diên Sơn, Diên Phú và thị trấn Diên Khánh. Các xã vùng đệm gồm: Diên An, Diên Toàn, Diên Thạnh và Diên Lạc.

Trong thời gian có dịch, huyện tạm dừng toàn bộ hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc và các sản phẩm của gia súc cảm nhiễm với ASF ra vào vùng dịch. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh và các văn bản của huyện, xã.

Theo cơ quan chức năng, các nguyên nhân khiến ASF bùng phát là: người chăn nuôi nhỏ, lẻ sử dụng thức ăn thừa của các nhà hàng, quán ăn cho chăn nuôi heo; các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi ở mức độ thấp; nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi hạn chế, một số hộ khi phát hiện heo bệnh không chủ động báo cho chính quyền địa phương.

Ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, đến thời điểm này, UBND tỉnh đã ban hành 1 chỉ thị, 6 quyết định, 1 kế hoạch và nhiều công văn chỉ đạo phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Tỉnh đã có định mức hỗ trợ người chăn nuôi 38.000 đồng/kg heo hơi buộc tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh; đồng thời điều chỉnh định mức hỗ trợ người tham gia chống dịch, phun hóa chất, trực Trạm Chốt Kiểm dịch 200.000 đồng/công ngày thường, 400.000 đồng/công ngày nghỉ, ngày lễ.

Ngoài ra, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phòng trừ, khống chế dịch tả heo châu Phi như: tổ chức phun gần 2.200 lít hóa chất vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; cấp 10.000 tờ rơi tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo thực hiện 5 không… Tỉnh cũng đã thành lập 2 Trạm Kiểm dịch động vật tạm thời trên Quốc lộ 1 để kiểm tra và vệ sinh tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật, hoạt động từ ngày 16-3. Đến ngày 16-5, đã có gần 1.500 lượt phương tiện vận chuyển động vật đi qua Trạm Kiểm dịch Vạn Ninh theo hướng từ bắc vào, trong đó có trên 900 phương tiện chở 180.000 con heo qua địa bàn. Trạm Kiểm dịch Cam Ranh đã kiểm soát theo hướng từ nam ra 700 phương tiện. Toàn bộ các phương tiện này được kiểm soát giấy tờ vận chuyển, động vật được kiểm tra lâm sàng, xử lý ngay những trường hợp có dấu hiệu dịch bệnh.

Đến nay, tỉnh đã cấp ngân sách hơn 4,6 tỷ đồng để triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh”; tạm ứng trên 8.700 lít hóa chất sát trùng để thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt I/2019” và phục vụ công tác tiêu độc khử trùng ở xã Diên Điền.

Hồng Đăng
 

Theo: Báo Khánh Hòa