Trong khi trồng trọt đã tương đối phát triển và ngày càng chuyên nghiệp thì hầu hết các loại nông sản của tỉnh vẫn ra thị trường trên con đường khá bấp bênh. Do đó, các cấp hội nông dân trong tỉnh đang tìm kiếm thêm sự kết nối giữa nông sản với thị trường.
Câu chuyện về giá chuối
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, hiện nay, cây chuối của huyện đã phát triển lên gần 1.000ha. Chuối được trồng nhiều do rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, cũng như trình độ canh tác của đa số người dân, chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn so với một số cây trồng khác như: sầu riêng, măng cụt… Tuy nhiên, giá thu mua chuối lại “nhảy múa” với biên độ dao động rất lớn. Giữa năm 2018, chúng tôi gặp một nông dân đang gùi khoảng 30kg chuối từ rẫy về nhà, lội qua con suối sâu đến thắt lưng ở xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn. Ông này chia sẻ, do rẫy ở xa, không có đường giao thông nên mỗi ngày đi làm rẫy về ông đều gùi 1 gùi chuối ra bán. Điều bất ngờ là với khoảng 30kg chuối, được thu hoạch, vận chuyển vất vả như vậy, nhưng chỉ bán được chưa đầy 40.000 đồng. Đó là thời điểm giá chuối trên thị trường đang giảm kịch sàn, thương lái chỉ thu mua với giá hơn 1.000 đồng/kg đối với những buồng chuối đẹp. Vậy nhưng, vào các dịp lễ, Tết, chẳng hạn như đợt Tết Nguyên đán 2019, giá chuối có khi lên tới 20.000 đồng/kg, còn phổ biến ở mức 10.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết, tuy có diện tích lớn và là cây trồng phổ biến ở Khánh Sơn, nhưng chuối vẫn chưa có được đầu ra ổn định. Nhiều lúc tiền bán chuối không đủ công thu hoạch. Cũng có khi thị trường hút hàng, giá tăng vọt lên gấp 10 – 20 lần rồi lại nhanh chóng lao dốc. UBND huyện đã tổ chức một số đợt kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ chuối ở trong và ngoài tỉnh nhưng kết quả chưa như mong đợi.
Không chỉ cây chuối, hầu hết các loại nông sản hiện nay đều rơi vào tình cảnh tương tự. Xoài Cam Lâm, tỏi Ninh Hòa, Vạn Ninh… là những ví dụ điển hình.
Kết nối thị trường
Với vai trò của mình, những năm qua, đặc biệt là trong năm 2019, Hội Nông dân tỉnh luôn trăn trở việc hỗ trợ hội viên nông dân kết nối với thị trường.
Theo ông Lê Quốc Toàn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp Hội Nông dân tỉnh, tại trung tâm đang xúc tiến xây dựng gian hàng nông sản. Đây sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu và kinh doanh các loại nông sản chủ lực của tỉnh. Qua tìm kiếm, kết nối, trong ít ngày tới, một doanh nghiệp ở Nhật Bản sẽ tiến hành khảo sát tại một số vùng đang trồng tỏi ở Khánh Hòa, nếu đáp ứng được các điều kiện về sản lượng, chất lượng, quy trình canh tác, doanh nghiệp này sẽ ký kết tiêu thụ với nông dân.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Phiên chợ nông sản Khánh Hòa năm 2019 dự kiến được tổ chức vào tháng 7 là một cơ hội để quảng bá, giới thiệu nông sản của nông dân ra thị trường. Hội sẽ mời nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Hàn Quốc, Nhật Bản… và các siêu thị, đơn vị kinh doanh nông sản lớn trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết. Đặc biệt, hội sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp đến thực tế vùng sản xuất để tạo điều kiện cho các bên kết nối cung cầu.
Bên cạnh đó, hội tiếp tục tổ chức cho hội viên đi học tập trong và ngoài nước. Trong đó, nội dung nổi bật là sang Nhật Bản để học hỏi mô hình tiêu thụ nông sản. Còn trong nước, hội sẽ tổ chức học tập mô hình kết nối cung cầu ở một số tỉnh phía nam. Ngoài ra, dự kiến vào quý IV năm nay, lần đầu tiên lãnh đạo tỉnh sẽ đối thoại với nông dân. Đó sẽ là dịp hội có thể kiến nghị về các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thị trường nông sản, hỗ trợ nông dân đưa nông sản ra thị trường…
Tuy nhiên, trong vấn đề tiêu thụ nông sản, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, nông dân cũng cần phải dần thay đổi về quy trình, cách thức, mô hình sản xuất của mình, nhằm đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lớn hơn, ổn định hơn.
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa