Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nỗ lực chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Tuy nhiên, việc chống khai thác IUU vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần sớm được giải quyết.

Không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài


Thời gian qua, việc triển khai công tác chống khai thác IUU đã được UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện quyết liệt, liên tục với nhiều hình thức tuyên truyền nên nhận thức của ngư dân đã có nhiều chuyển biến. Các hành vi vi phạm khai thác IUU cũng được xử lý quyết liệt, góp phần răn đe các đối tượng vi phạm. Tỉnh đã tổ chức vận hành, sử dụng hệ thống giám sát hành trình tàu cá đạt hiệu quả, phục vụ tốt việc quản lý hoạt động tàu cá trên biển. Việc quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên hệ thống VMS được thực hiện nghiêm túc 24/7, cảnh báo kịp thời tàu cá có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.



Ngư dân cập cảng, lên cá tại cảng Hòn Rớ.



Việc kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ tại các cảng cá tổ chức đúng quy định của Luật Thủy sản; 100% tàu cá thực hiện thông báo ít nhất trước 1 giờ khi tàu cập cảng, rời cảng; 100% chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện ghi chép, nộp nhật ký khai thác thủy sản tại các cảng cá để phục vụ công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác. Từ năm 2018 đến hết tháng 3-2022, ngành Thủy sản tỉnh và các lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra gần 13.000 lượt tàu cá rời cảng, cập cảng lên cá, với tổng sản lượng thủy sản khai thác được kiểm tra gần 57.500 tấn; đã xác nhận nguyên liệu thủy sản cho 492 lô hàng với hơn 20.323 tấn hải sản; cấp chứng nhận thủy sản khai thác cho 1.839 lô hàng với 15.444 tấn hải sản, trong đó đi thị trường châu Âu 1.175 lô hàng, còn lại xuất khẩu đi các thị trường khác. Các hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản được lưu trữ đầy đủ, có hệ thống, đảm bảo việc truy xuất được nhanh chóng, chính xác khi có yêu cầu…


Ông Nguyễn Trọng Chánh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Qua kiểm tra về chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, các đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều đánh giá Khánh Hòa là một trong những tỉnh, thành ven biển của cả nước thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU. Từ năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức 4.449 đợt tuần tra, phát hiện và xử phạt 270 trường hợp, đăng công khai lên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là cơ sở để theo dõi tàu cá vi phạm pháp luật trong khai thác IUU”.

Còn những vấn đề cần giải quyết


Mặc dù được đánh giá cao nhưng việc triển khai chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, vẫn còn 3% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 8,1% tàu cá chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do hiệu quả khai thác không cao, thua lỗ nên một số tàu cá tạm ngưng hoạt động, không thực hiện lắp đặt thiết bị, đăng ký giấy chứng nhận; những tàu cá đang hoạt động lại gặp khó khăn về kinh phí duy trì kết nối hệ thống giám sát hành trình tàu cá.


Bên cạnh đó, nhiều ngư dân phản ánh, hiện nay, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực chưa được phân định rõ ràng, vì vậy, tàu cá khi hoạt động hoặc đi trong các vùng này dễ bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ. Mới đây nhất là trường hợp tàu cá của gia đình ông Trần Văn Tài (ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ khi đang hoạt động trên vùng biển của Việt Nam vào ngày 27-3.


Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, thời gian tới, ngành Thủy sản tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp chống khai thác IUU, góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu. Trong đó, chú trọng các biện pháp ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tập trung nhân lực, trang thiết bị cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý tàu cá hoạt động trên biển, kiểm tra, kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng cá; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Trung ương và địa phương trong phòng, chống khai thác IUU, góp phần tháo gỡ “thẻ vàng”; tiếp tục tuyên truyền, cập nhật đến ngư dân các quy định về chống khai thác IUU…



Toàn tỉnh có 3.365 tàu cá, trong đó 708 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, hoạt động ở vùng khơi, chủ yếu khai thác cá ngừ đại dương. Hiện nay, đã có 99,9% số tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản, 100% tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được đánh dấu tàu cá; 97% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 91,9% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá…

_______________________________________________

Để tháo gỡ các khó khăn trong chống khai thác IUU, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đàm phán, sớm phân định ranh giới biển Việt Nam với các quốc gia trong khu vực nhằm quản lý hoạt động khai thác hải sản trên biển tốt hơn, từ đó góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tăng cường sự hiện diện của các lực lượng chức năng trên những vùng biển xa để hỗ trợ, cứu hộ kịp thời tàu cá gặp nạn trên biển; có phương án hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh cho chủ tàu để duy trì liên lạc của thiết bị giám sát hành trình tàu cá…


HẢI LĂNG


 

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202204/no-luc-chong-khai-thac-thuy-san-bat-hop-phap-8249741/