Những tháng đầu năm, tình hình kinh tế – xã hội của thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nắng hạn gay gắt khiến đời sống, sản xuất của người dân gặp khó. Vụ hè thu này, chỉ hơn 20% diện tích được cấp nước.
Nông nghiệp bị ảnh hưởng
Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, diện tích gieo trồng từ đầu năm đến nay chỉ đạt chưa đầy 20.000ha, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do từ đầu vụ đến nay, trên địa bàn hầu như không có mưa, lượng nước dự trữ chỉ đủ phục vụ sản xuất cho một số vùng nhất định. Ngoài ra, do việc đầu tư, sản xuất mía không hiệu quả nên nông dân không tiếp tục tái đầu tư sau khi thu hoạch mía, ảnh hưởng đến diện tích cây hàng năm. Cụ thể, đến cuối tháng 4, mía nguyên liệu đã thu hoạch được 8.200ha, năng suất bình quân 25,1 tấn/ha, giảm 22 tấn/ha so với cùng kỳ. Giá thu mua mía dao động từ 845.000 đến 865.000 đồng/tấn/10ccs. Năng suất mía giảm đáng kể do nắng hạn kéo dài làm cho cây mía còi cọc, kém phát triển, tình hình sâu bệnh phát triển và lây lan đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây mía.
Khác với cây trồng, hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt khá về diện tích và sản lượng. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác 4 tháng đầu năm được 6.375 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản được 955ha, tăng 4,4%. Tuy nhiên, giá bán thủy hải sản lại không cao như kỳ vọng do nhu cầu giảm, xuất khẩu gặp khó khăn. Vì vậy, hiệu quả kinh tế từ lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng.
Tập trung chống hạn
Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị xã không có mưa, lưu lượng nước đầu nguồn đến các công trình hồ chứa và đập dâng rất ít so với trung bình nhiều năm qua. Với tình hình đó, UBND thị xã đã triển khai phương án chống hạn và xâm nhập mặn năm 2020 nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, hiện nay, các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, thủy điện đã cân đối cấp nước tiết kiệm; đồng thời tập trung các giải pháp nhằm hạn chế thất thoát nước, sử dụng nước có hiệu quả. Qua nắm bắt tình hình, lượng nước tại các hồ chứa nước lớn trên địa bàn thị xã đang ở mức rất thấp. Hồ Đá Bàn với sức chứa 50 triệu m3 hiện nay chỉ còn khoảng 13 triệu m3; hồ Suối Trầu dung tích khoảng 10 triệu m3 nay chỉ còn chưa đầy 1 triệu m3… Lượng nước này theo tính toán chỉ đủ phục vụ sinh hoạt cho vùng hưởng lợi và tưới cho gần 1.900ha lúa vụ hè thu, còn lại gần 7.250ha phải tạm ngưng sản xuất.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng hạn, UBND thị xã đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô; đồng thời tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi phù hợp ở những khu vực khô hạn. Được biết, giai đoạn 2017 – 2020, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn đã hỗ trợ nông dân Ninh Hòa chuyển đổi 70ha cây trồng với tổng kinh phí hơn 3,42 tỷ đồng, trong đó ngân sách 1,86 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân. Nếu như những năm trước, người dân chủ yếu đăng ký chuyển đổi cây hàng năm thì trong năm 2020, trong số 62ha được hỗ trợ, chỉ có 18ha cây hàng năm, còn lại là 44ha cây lâu năm (5ha bưởi, 24ha xoài, 10ha mít…). Về lâu dài, thị xã kiến nghị tỉnh, các sở, ngành quan tâm đầu tư thêm công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đặc biệt là công trình phục vụ tưới cho vùng phía tây của thị xã như: Ninh Thượng, Ninh Tây, Ninh Tân…
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202005/ninh-hoa-hang-nghin-hec-ta-dat-lua-phai-bo-vu-8165038/