Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Những vụ lúa thất bát vì thời tiết

Vụ lúa hè thu và vụ mùa năm nay, cây lúa phải đối diện với nhiều khó khăn về thời tiết nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Nông dân trên toàn tỉnh Khánh Hòa kém vui vì sản xuất lúa hiệu quả không như mong đợi.

Hết hạn hán đến ngập lụt


Theo bà Lương Kim Ngân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tổng kết vụ lúa hè thu năm nay, diện tích gieo sạ chỉ bằng 1/3 so với các năm trước. Không những vậy, năng suất lúa cũng chỉ đạt ở mức 57 tạ/ha, giảm cả chục tạ so với trung bình nhiều mùa vụ trước. Cơ quan chuyên môn cho rằng, thời điểm xuống giống vụ lúa hè thu năm nay trùng với quãng thời gian nắng hạn trên địa bàn tỉnh diễn ra gay gắt. Giai đoạn xuống giống (khoảng tháng 5 đến tháng 7) là thời điểm các hồ chứa nước trên toàn tỉnh đã chạm mức đáy. Bởi vậy, nhiều diện tích lúa hè thu không thể xuống giống do không có nước tưới. Đơn cử như tại Ninh Hòa, năm 2019, nông dân địa phương gieo sạ được hơn 8.700ha lúa hè thu; năm nay gieo sạ chưa đầy 3.400ha. Các năm trước, nông dân toàn tỉnh gieo sạ hơn 18.000ha lúa hè thu, nhưng năm 2020 chưa tới 7.000ha, chỉ đạt khoảng 35% so với năm trước. Không chỉ giảm mạnh về diện tích, vụ lúa hè thu năm nay cũng phải chia ra nhiều đợt gieo sạ, do phải phụ thuộc nước tưới. Vì vậy, nhiều khu vực phải gieo trễ, không đúng với lịch thời vụ. Việc kéo dài thời gian gieo sạ, thiếu đồng nhất khiến nông dân tốn nhiều chi phí hơn so với việc xuống giống đồng loạt trong thời gian ngắn.



Cánh đồng lúa xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh chìm sâu trong nước do ảnh hưởng của bão số 12 vừa qua. Ảnh: Mạnh Hùng



Do vụ hè thu muộn hơn so với các năm nên ngay khi thu hoạch xong vụ lúa này, nông dân lại tất bật xuống giống ngay vụ mùa cho kịp thời vụ. Diện tích lúa mùa toàn tỉnh 6.000ha, giảm hơn 1.500ha so với năm trước. Giống chủ lực là ML202, ML48 và TH41. Khác với vụ hè thu, điều kiện về nước tưới cho lúa mùa khá dồi dào. Tuy nhiên, khi cây lúa đang ở độ tuổi bắt đầu ngậm đòng, hàng nghìn héc-ta lại bị ngập chìm trong nước do ảnh hưởng liên tiếp của những cơn bão gần đây. Đơn cử tại huyện Vạn Ninh, bão số 12 đã nhấn chìm 1.700ha lúa mùa trong nước lũ. Khi dòng nước bạc trôi qua, bùn đất bám nhiều trên thân, lá khiến cho cây lúa có dấu hiệu vàng vọt, héo úa, khó phục hồi. Thêm một vụ lúa kém hiệu quả là điều đã được báo trước.

Khó chuyển đổi


Những năm qua, hoạt động chuyển đổi cây trồng phát triển khá mạnh. Dẫu vậy, việc chuyển từ đất lúa sang cây trồng khác không phải là điều dễ dàng. Trước hết, do hạ tầng khu vực trồng lúa khó có thể trồng các cây ngắn ngày khác. Chẳng hạn trồng lúa, hệ thống thủy lợi sẽ điều tiết nước theo đợt với lượng nước lớn, tưới tràn ngập ruộng; trong khi cây trồng khác cần nước mỗi ngày nhưng với lượng ít, tưới thấm đất. Sự khác biệt này khiến cho việc chuyển đổi cây trồng của nông dân khó thực hiện được. Ngoài ra, việc trồng các loại cây ngắn ngày khác hầu như cần sự chăm sóc và bảo vệ mỗi ngày, trong khi nhiều hộ có diện tích ruộng nằm khá xa nơi sinh sống, điều này đang cản trở quá trình chuyển đổi cây lúa sang cây trồng khác.


Theo bà Lương Kim Ngân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm 2019, tỉnh có kế hoạch chuyển đổi hơn 1.000ha lúa kém hiệu quả, không chủ động nước tưới sang cây trồng hàng năm khác. Tuy nhiên, đến cuối năm chỉ chuyển đổi được hơn 200ha. Kế hoạch năm 2020, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi cây trồng cho diện tích hơn 2.700ha, trong đó có gần 930ha lúa kém hiệu quả. Tuy nhiên, do hết khô hạn đến mưa lụt nên đến nay mới chỉ có 194ha lúa được chuyển đổi.


Thiết nghĩ ở một số địa phương như tại thị xã Ninh Hòa – nơi có nhiều chân ruộng tương đối cao, hoạt động chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác cần được thực hiện mang tính chất kiểu mẫu trên một khu vực, một cánh đồng có sự đồng bộ về hạ tầng, tưới tiêu. Chẳng hạn như tại xã Ninh Đông đã có các tổ hợp tác mạnh dạn chuyển đất lúa sang trồng hẹ với hiệu quả gấp 10 lần trồng lúa. Cũng tại Ninh Đông, Ninh Thân, Ninh Trung, Ninh Tây… đã dần dần trở thành “vựa rau” của tỉnh với diện tích ngày càng mở rộng, có sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng và quy trình trồng theo hướng an toàn, VietGAP. Sự khác biệt giữa trồng rau và lúa không chỉ đến ở hiệu quả kinh tế của cây rau lớn hơn nhiều so với lúa, mà một mùa rau kéo dài phổ biến chưa đầy 1 tháng, trong khi trồng lúa hơn 3 tháng mới cho thu hoạch. Trong điều kiện thời tiết bất thường ngày càng phổ biến, việc chuyển sang trồng các cây càng ngắn ngày sẽ giảm nguy cơ thiệt hại cho nông dân.


Hồng Đăng

Theo: Báo Khánh Hòa

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202011/nhung-vu-lua-that-bat-vi-thoi-tiet-8193678/