Đều thuộc lớp người cao tuổi (NCT), nhưng các cụ đã thể hiện bản lĩnh “tuổi cao chí càng cao”, không khuất phục khó khăn, vươn lên làm giàu…

Nguồn thu cao từ hoạt động kinh doanh

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Tháng 4-1975, ông Phạm Quang Viên (67 tuổi, trú thôn Bến Khế, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) vinh dự cùng đoàn quân giải phóng vào tiếp quản Nha Trang. Sau thời gian dài công tác tại Trường Sĩ quan Không quân, ông xin ra quân và về xã Khánh Bình làm kinh tế. Khánh Bình ngày đó heo hút, điều kiện sống rất khó khăn, thiếu thốn. Ông Viên được cấp đất làm nhà, khai phá thêm nhiều diện tích để làm nương rẫy. Năm tháng đi qua, ông cùng gia đình tích góp tiền của mở rộng diện tích đất đai. Đến năm 1991, có trong tay 6-7ha trồng mía, ông chuyển sang mở lò đường thủ công. Làm lò đường một thời gian, ông chuyển sang nuôi bò sinh sản, trồng keo, trồng lúa nước…



Kinh doanh vật liệu xây dựng giúp ông Viên có thu nhập cao.

Kinh doanh vật liệu xây dựng giúp ông Viên có thu nhập cao.



Năm 1996, khu vực Khánh Bình và các xã lân cận dần đông đúc, ông Viên tập trung vốn liếng mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Việc buôn bán trở nên khấm khá, cuộc sống ngày một đi lên. Sau vài năm, ông quyết định mở doanh nghiệp, chuyên nhận xây dựng, phá dỡ công trình, triển khai các dự án nhỏ về hạ tầng. Sau một thời gian, ông Viên tạo được uy tín ở xã miền núi. Đến nay, doanh thu gia đình ông đạt 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng. Hiện nay, do tuổi đã cao, ông Viên không còn duy trì hoạt động công ty xây dựng, chỉ chuyên kinh doanh vật liệu.


Là Chủ tịch Hội NCT xã Khánh Bình, ông Viên luôn năng nổ với công tác hội. Ông quan tâm đời sống người nghèo và giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Anh Võ Đức Trí (33 tuổi, trú xã Khánh Bình) có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ già yếu, hay ốm đau được ông tuyển làm tài xế, thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Hàng năm, ông Viên còn vận động các nhà hảo tâm tặng hàng trăm suất quà mỗi dịp lễ, Tết cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn… Những năm qua, ông Viên được các cấp hội nông dân, hội cựu chiến binh khen thưởng về thành tích sản xuất giỏi; UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi giai đoạn 2016 – 2021.  

Trồng trọt cho thu nhập tốt


Chúng tôi gặp ông Trần Tuấn Mão (64 tuổi, thôn Xuân Cam, xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh) khi ông có chút thời gian rảnh hiếm hoi. Năm 1984, ông Mão dắt díu vợ con chọn vùng kinh tế mới Xuân Sơn để lập nghiệp. Gia đình ông có 5 nhân khẩu, được cấp 2.500m2 để làm ruộng lúa, chủ động nguồn lương thực tại chỗ. Những năm tháng đó, cả nhà phải “thắt lưng buộc bụng” chắt chiu để ổn định cuộc sống. Ông và gia đình hăng hái khai khẩn, tăng gia sản xuất, tạo cơ nghiệp lâu dài. Đến nay, cuộc sống đã có “của ăn của để”, con cái trưởng thành, nhưng ông bà vẫn nhiệt tâm với ruộng rẫy, vườn tược…

 

Nói về thu nhập của gia đình, ông khiêm tốn cho hay, bình quân được 400-500 triệu đồng/năm. Đó là thu nhập từ 8.000m2 ruộng lúa 2 vụ (100 triệu đồng), vườn điều cao sản, keo và cây ăn trái rộng 12ha (200 triệu đồng) và hơn 1 sào rau, quả (100 triệu đồng). Ông cho biết, mảnh vườn của mình cho thu hoạch liên tục. Ông trồng những loại rau, quả có giá trị, đặc biệt là những loại rau rừng mà mọi người quan tâm như: Khổ qua rừng, rau dền, rau lang, cần nước, đậu rồng, đậu cô ve… “Một ký khổ qua rừng bán với giá 35.000 đồng, cao hơn khổ qua thường 10.000 đồng nhưng không đủ mà bán”, ông Mão chia sẻ.  


Thời gian qua, ông Mão được các cấp khen thưởng, trong đó có thành tích lao động sản xuất giỏi giai đoạn 2016 – 2021. Ông còn được bầu làm Chủ tịch Hội NCT xã Xuân Sơn nhiệm kỳ này.

Làm giàu từ nuôi thủy sản


Giữa trưa, trời nắng gắt nhưng ông Hồ Văn Tế (68 tuổi, thôn Tân Thành, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) vẫn cặm cụi bên bờ ao để theo dõi cá, tôm. Ông là người có kinh nghiệm, thu nhập ổn định trong nghề nuôi thủy sản.


Cặm cụi đẩy tấm ván thay nước cho ao cá, ông Tế kể, những năm đầu sau giải phóng, ông sống bấp bênh với công việc đánh bắt thủy sản trên đầm Thủy Triều. Đến năm 1990, khi phong trào nuôi tôm nở rộ, ông cùng những người dân trong thôn bắt đầu khai phá vùng triều, ủi đìa để nuôi thủy sản. Ngót mấy năm, từ vài trăm mét vuông đìa ban đầu, ông mở rộng lên 1,5ha. Ông chia ao làm hai, một nửa nuôi tôm sú, một nửa nuôi cá mú và cá chẽm. Những vụ đầu do chưa có kinh nghiệm nên sản lượng không đạt, thu nhập không cao. Thời gian sau, ông rút kinh nghiệm, học hỏi, cải tiến kỹ thuật nuôi. “Hàng ngày, mình phải theo dõi màu nước, sức bơi lội của cá, tôm để kịp thời xử lý” – ông Tế chia sẻ.


Ông Tế cho hay, mỗi năm dù có lúc bấp bênh do thời tiết, thị trường, song ông vẫn có doanh thu ổn định khoảng 5 tỷ đồng, lãi chừng 500 triệu đồng từ hoạt động nuôi thủy sản. Ông Tế được các cấp công nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi giai đoạn 2016 – 2021… Có tiền, ông còn đóng góp xây dựng quỹ hội, hỗ trợ cho các cụ già có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, hoạn nạn…


Vĩnh Lạc

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202207/nhung-nguoi-tuoi-cao-guong-sang-8258531/