Ở Trường Sĩ quan Không quân, ngoài “Giảng đường mặt đất” dành cho học viên các chuyên ngành kỹ thuật hàng không còn có giảng đường trên không thênh thang trời biếc mà cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vẫn thường gọi là “Giảng đường mây”.
Nơi ấy là giảng đường dành cho các phi công sau khi đã chuẩn bị chu đáo ở mặt đất sẽ vút lên trời cao để thầy truyền thụ kinh nghiệm và hướng dẫn cho học viên thực hành các bài bay huấn luyện chiến đấu…
Không phải ngẫu nhiên mà các học viên bay lại ví những người thầy giáo của mình là những phi công cống hiến thầm lặng, những nhà sư phạm kiên trì có tâm hồn, trí tuệ và đôi bàn tay dịu dàng giống như người mẹ chăm chút con thơ, người anh dìu dắt đứa em nhỏ, một công việc đầy lãng mạn nhưng không kém phần vất vả. Thượng sĩ Trần Văn Thống – học viên bay L-39 chia sẻ: “Tuổi trẻ ai cũng thích bay, nhưng với em bay là niềm say mê thật sự. Lần đầu tiên được bay cùng thầy, khi máy bay rời mặt đất em cảm thấy rất sung sướng, mọi động tác cất, hạ cánh thầy đều làm cả, em chỉ ngồi xem và theo dõi các tham số trên bảng đồng hồ. Đến vòng thứ 2, thầy cũng làm nhưng em nhẹ nhàng cầm cần lái và nương theo tay lái của thầy, cứ như vậy bay luôn 5 đến 7 lần bài tập bay vòng kín thì em đã chủ động và tự tin hơn; cuối cùng là thầy chỉ ngồi buồng lái sau xem em làm và can thiệp mỗi khi thật cần thiết”.
Theo Thượng tá Nguyễn Vĩnh Chí – Phó Chính ủy Trung đoàn 920, người có thâm niên kèm cặp và hướng dẫn học viên phi công Iak-52 đã hơn 20 năm: Muốn có được một học viên tốt nghiệp ra trường như mong muốn, người thầy cần phải nghiêm khắc trong kèm cặp, nắm bắt chính xác tâm lý, đặc điểm, tính cách của học viên qua từng bài bay, khoa mục bay. Bởi vì nghề bay mà không nghiêm khắc với học viên là không được, an toàn trên không là yếu tố quan trọng hàng đầu, cho nên khi học viên mới vào thực hành bay người thầy cần phải hướng dẫn cho họ học tập nghiêm túc và chính xác, từ đó sẽ quyết định cả cuộc đời bay của một phi công.
Người ta thường nói, nghề bay là một nghề đặc biệt. Để trở thành phi công lái máy bay đã khó, trở thành người thầy hướng dẫn kèm cặp phi công tốt nghiệp ra trường còn khó hơn nhiều. Trước hết, muốn trở thành phi công, bên cạnh tiêu chuẩn về trình độ học vấn, chính trị, thể lực còn đòi hỏi người phi công phải có bản lĩnh vững vàng, linh hoạt, phản xạ nhanh và mỗi động tác phải thật khéo léo, chính xác. Và khi đã trở thành người thầy giáo dạy bay, ngoài những yếu tố về chuyên môn, phẩm chất đạo đức, người giảng viên bay cần phải nghiêm túc trong giảng dạy và hướng dẫn, có đức tính dịu dàng, nói đủ nghe và không bao giờ nổi nóng. Bởi nếu nổi nóng sẽ làm cho học viên cuống và dễ mất bình tĩnh, dẫn đến càng thao tác sai hơn. Đôi khi người thầy còn phải tự ra các tình huống bất trắc để kiểm tra học viên.
Thượng tá Nguyễn Văn Thanh – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 920 cho biết: Sau khi học viên bay xong loại máy bay Iak-52 sẽ chuyển sang bay loại máy bay phản lực L-39 và tốt nghiệp, trở thành sĩ quan lái máy bay. Một số bay tốt được đơn vị giữ lại đào tạo làm giảng viên bay. Thế nhưng, không phải học viên nào vào trường cũng có thể trở thành phi công. Các thầy giáo dạy bay của đơn vị luôn nâng đỡ, tận tình kèm cặp, dìu dắt để học viên trưởng thành. Tuy nhiên, sự kiên trì dìu dắt đó không có nghĩa là ép mãi rồi cũng phải bay được và trở thành phi công, mà trong quá trình huấn luyện những học viên bay yếu, bay kém hoặc có vấn đề về sức khỏe, đơn vị sẽ đề nghị cấp trên cắt bay và chuyển hướng đào tạo sang ngành nghề khác.
“Giảng đường mây” là như thế đó. Từ giảng đường này, sau khi các học viên đã được tôi luyện những kỹ năng, kỹ xảo của một người phi công chiến đấu, họ sẽ lần lượt tốt nghiệp ra trường về các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc thân yêu.
Mai Văn Đông
Theo: Báo Khánh Hòa