Tại “Lễ tri ân, tôn vinh tấm gương nhà giáo tiêu biểu” năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức tại Hà Nội, Khánh Hòa có 2 giáo viên tiêu biểu được tôn vinh. Đó là cô Lê Thị Hằng, giáo viên Trường Tiểu học – THCS Cam Lập (TP. Cam Ranh) và cô Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang).
Những tiết Lịch sử sinh động
Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học – THCS Cam Lập, cùng cô giáo Lê Thị Hằng vượt qua con đường đèo quanh co dài hơn 7km đến điểm trường Bãi Ngang của xã Cam Lập.
Không như chúng tôi hình dung về môn Lịch sử thường khô khan, tiết sử của cô Hằng sôi động ngay từ khi bắt đầu. 2 tổ của lớp 8B thi nhau trình bày bài học “Duy tân Minh trị”. Thông qua bảng hệ thống nội dung, mỗi tổ có cách trình bày riêng, bao quát những điểm mới, sự khác biệt về tình hình phát triển kinh tế, quân sự, giáo dục, chính trị và xã hội của thời này. Sau phần thuyết trình chung, các thành viên trong tổ tiếp tục bổ sung thêm những nội dung cần thiết. Trên cơ sở trình bày của học sinh (HS), cô Hằng cung cấp thêm những kiến thức, điểm mấu chốt quan trọng của bài học. 45 phút của tiết học trôi qua nhanh trong không khí hỏi – đáp sôi nổi, thoải mái giữa cô trò…
Em Trương Phúc Nhân – HS lớp 8B khoe: “Phương pháp của cô Hằng dạy rất hay. Cách học này giúp em và các bạn thuộc bài ngay tại lớp, ghi nhớ được những điểm mấu chốt của từng giai đoạn lịch sử. Em áp dụng phương pháp của cô vào các môn học khác cũng rất hiệu quả. Em và các bạn không sợ môn Lịch sử mà còn rất thích bởi chúng em hiểu và yêu hơn bề dày lịch sử của dân tộc”.
Sinh ra ở vùng quê nghèo ở tỉnh Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, năm 2012, cô Hằng về Trường Tiểu học – THCS Cam Lập, đảm nhiệm dạy môn Lịch sử cho 4 khối lớp học (6, 7, 8, 9) của trường. Trăn trở với câu hỏi làm thế nào để HS yêu thích môn học này, cô bắt đầu thay đổi phương pháp dạy học truyền thống bằng cách khuyến khích cộng điểm kiểm tra cho những HS tự soạn trước bài học. Thời gian đầu, chỉ một số ít HS thực hiện, đến nay, phương pháp này trở thành phong trào thi đua của các em HS toàn trường.
Để giúp cho HS dễ nhớ, cô đọng được kiến thức, không “ôm” quá nhiều số liệu, cô Hằng hướng dẫn, tập cho HS biết cách khắc họa 1 đến 2 sự kiện tiêu biểu ở mỗi bài học, mỗi thời kỳ lịch sử. Từ sự kiện đó, mở rộng ra các sự kiện liên quan. Cô Hằng còn chia nhóm, sắp xếp cho các em học lực khá, giỏi kèm cặp các bạn trung bình, yếu. Mỗi buổi học, cô yêu cầu các em HS phải thay phiên nhau lên thuyết trình bài soạn trước. Song song đó, cô còn tìm tòi, sử dụng đồ dùng dạy học có sẵn giúp HS tìm hiểu bài qua tranh ảnh, quan sát thực tế… Nhờ đổi mới phương pháp dạy học, kèm cặp phụ đạo HS yếu kém, kết quả học tập môn Lịch sử của HS mỗi ngày một nâng lên. Năm học 2019 – 2020, tỷ lệ HS đạt khá, giỏi môn Lịch sử 4 khối lớp của trường đạt 72,1%. Nhiều năm liền cô Hằng đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thành phố…
Thầy Lê Văn Đông – Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Cam Lập dành nhiều lời khen cho đồng nghiệp: “Cô Hằng là giáo viên nhiệt tình, rất có trách nhiệm trong mọi hoạt động, nhất là về chuyên môn. Nhà ở tỉnh Ninh Thuận, cách trường hơn 50km, có 2 con nhỏ nhưng cô Hằng luôn đến trường, lớp đúng giờ. Cô Hằng không ngại khó, ngại khổ bỏ thời gian để kèm cặp các em yếu kém. Thông qua sự chỉ dạy tận tình của cô, ở trường có HS được công nhận HS giỏi môn Lịch sử cấp thành phố”.
Tiếp lửa tình yêu văn chương
Bài học về đoạn trích bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong chương trình Ngữ văn lớp 12 được cô Nguyễn Thị Thanh Vân – giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi mở đầu bằng những thước phim về lũ dữ ở miền Trung, nỗi đau và bất hạnh của con người trước thiên tai, những vòng tay giang rộng của người dân cả nước giúp đỡ miền Trung ruột thịt. Từ việc khơi gợi suy nghĩ và cảm xúc của HS, cô Vân hướng cho các em nhận thức về biến cố cuộc sống, về tình người trong lúc nguy nan, rồi liên hệ ngược về quá khứ để nhận ra hai chữ “đồng bào” thiêng liêng, về tình yêu nước luôn ngự trị trong trái tim mỗi người. Sự dẫn dắt khéo léo, giọng nói ấm áp, truyền cảm của cô Vân đã đưa HS bước vào bài học một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, lắng đọng.
Tiết học văn của cô Vân thường mở đầu bằng những tình huống như thế, gắn bài học với những vấn đề thực tiễn, thời sự. Cô Vân chia sẻ, khi dạy văn luôn hướng tới 2 điều: Mô hình hóa gọn nhẹ khối lượng kiến thức của bài học và tạo hứng thú cho HS. Cô thường gợi ý HS tự đặt các câu hỏi để đánh thức trong các em năng lực khám phá. Đổi mới phương pháp đi kèm với đổi mới kiểm tra, cô cho HS tự chọn một người bạn trong lớp để lập thành “đôi bạn cùng tiến”, rồi kiểm tra theo hình thức điền khuyết, tiếp sức. Cũng có khi, các tổ thành lập một nhóm dự án, phân công công việc để hoàn thành nhiệm vụ học tập và cho ra sản phẩm cụ thể. “Bản thân tôi luôn tự nhắc, mỗi khi đến lớp phải với một tâm thế hào hứng và nguồn năng lượng tích cực. Có như thế mới lan tỏa tính tích cực ấy sang trò”, cô Vân bày tỏ.
Cô Vân được đánh giá là tấm gương tiêu biểu, tận tụy, tâm huyết với nghề, đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành. Thầy Huỳnh Vĩnh Khang – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi đánh giá, cô Vân có năng lực chuyên môn vững vàng, một trong những giáo viên cốt cán bộ môn Ngữ văn của tỉnh và một trong số ít giáo viên trường THPT không chuyên của tỉnh tham gia bồi dưỡng HS giỏi quốc gia. Ngoài giảng dạy, cô Vân còn tham gia nhiều hoạt động của trường, thường xuyên có các đề tài nghiên cứu khoa học cho HS.
Cô Vân từng là HS giỏi môn Ngữ văn cấp quốc gia (giải ba, năm 2002). Cô đã trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi môn Ngữ văn của trường dự thi HS giỏi cấp tỉnh năm học 2019 – 2020 đạt 8 giải (1 giải nhì, 4 giải ba và 3 giải khuyến khích); năm học 2020 – 2021 đạt 2 giải nhì; tham gia bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi môn Ngữ văn cấp quốc gia năm 2020 đạt 1 giải nhì, 1 giải ba. Cô cũng hướng dẫn HS tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học cấp tỉnh năm học 2019 – 2020 đạt 1 giải ba, với dự án về xây dựng văn hóa đọc cho HS, thông qua những giờ ngoại khóa “Cuốn sách tôi yêu”, phát thanh “5 phút cùng sách”, kêu gọi xây dựng tủ sách thanh niên… Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, từng được Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen.
Em Lê Hoàng Nhật Linh – cựu HS Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (niên khóa 2014 – 2017) trải lòng: “Em đã từng phải thi lại 2 năm liền lớp 10 và 11 nên tự ti, thu mình. Năm lớp 12, cô Vân phát hiện năng khiếu văn chương của em nên đã động viên, hướng dẫn em tận tình. Dưới sự dìu dắt của cô Vân, năm đó, em đã đạt giải nhì HS giỏi môn Ngữ văn bảng B cấp tỉnh”.
Hỏi chuyện, cô Lê Thị Hằng và Nguyễn Thị Thanh Vân đều không nói về những khó khăn, vất vả của nghề, của gia đình. Với các cô, được đón nhận những tình cảm thương yêu của học trò; sự đồng cảm, chia sẻ của đồng nghiệp và tiếp nối những người cô, người thầy đáng kính tiếp tục truyền lửa cho những thế hệ học trò là niềm hạnh phúc.
C.Đan
Theo: Báo Khánh Hòa ( https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202011/nhung-nguoi-dua-do-tham-lang-8193999/ )
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202011/nhung-nguoi-dua-do-tham-lang-8193999/