Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Những điều cần biết về bệnh lao hạch

Lao hạch là một thể lao ngoài phổi khá phổ biến, gặp ở cả nam và nữ, nhất là trẻ em. Lao hạch có thể ở vị trí của hạch ngoại vi như: hạch cổ, hạch nách, hạch bẹn nhưng cũng có thể có ở các bộ phận nội tạng như: hạch trung thất, hạch mạc treo. Trong đó, lao hạch ngoại vi thường gặp nhất.

Theo bác sĩ Nguyễn Thế Tài – Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, lao hạch thường gặp ở vùng cổ. Các hạch viêm thông thường (do thương tổn răng, miệng, mũi…) là nơi vi khuẩn lao dễ dàng xâm nhập, khu trú và dẫn đến lao hạch. Bình thường các hạch trong cơ thể rất nhỏ, chỉ bằng hạt thóc, bắp… nhỏ lẫn trong các mô xung quanh. Khi hạch ngoài da sờ nắn thấy nghĩa là đã sưng to. Nếu hạch sưng to, đỏ, sờ đau, sau khi dùng kháng sinh bớt sưng đau, thể tích nhỏ đi thì đó là hạch viêm do nhiễm khuẩn. Nếu hạch cứng, phát triển nhanh, to nhanh, sờ như hạt đạn chì, có chân lan tỏa như rễ cây lan vào các tổ chức xung quanh thì nguy cơ là hạch ung thư hoặc hạch di căn ung thư. Hạch nếu lúc sưng lúc giảm, lúc đau lúc không có thể là hạch viêm do nhiễm khuẩn thông thường. Nếu hạch sờ nắn không đau, phát triển chậm (trải qua nhiều tháng), mềm căng thì có thể lao hạch.

Cán bộ y tế khám sức khỏe cho trẻ.

Về cơ chế gây bệnh, trực khuẩn lao thường xâm nhập phổi sau đó vào máu đến tổ chức hạch và gây lao hạch. Trực khuẩn lao có thể xâm nhập trực tiếp vào đường bạch huyết qua thương tổn ở niêm mạc miệng, hoặc từ một tổn thương thông thường do sang chấn, nhiễm khuẩn; do tiếp xúc với bệnh nhân lao hoặc môi trường có vi khuẩn lao. Khi bị lao hạch, người bệnh có biểu hiện xuất hiện một hoặc một nhóm hạch bị sưng to. Hạch xuất hiện tự nhiên, sưng to dần, không đau, bề mặt nhẵn, không nóng, da vùng hạch sưng to không tấy đỏ… Thường có nhiều hạch cùng bị sưng, cái to cái nhỏ không đều nhau tập hợp thành một chuỗi, cũng có khi chỉ gặp một hạch đơn độc vùng cổ sưng to, không đau, không nóng, không đỏ.

Hạch lao có thể phát triển qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, hạch bắt đầu sưng to, các hạch to nhỏ không đều nhau, chưa dính vào nhau và chưa dính vào da nên còn di động. Giai đoạn sau (chuyển sang thể viêm hạch và viêm quanh hạch), lúc này các hạch dính vào với nhau thành mảng, hoặc dính vào da và các tổ chức xung quanh làm hạn chế di động. Khi chuyển giai đoạn nhuyễn hóa các hạch mềm dần, da vùng hạch sưng tấy đỏ, không nóng và không đau, hạch hóa mủ (khi tự vỡ nó gây những lỗ rò lâu liền, miệng lỗ rò tím ngắt và tạo thành sẹo nhăn nhúm, lồi, sùi trắng hoặc những dây chằng xơ). Trong quá trình viêm hạch lao, nói chung người bệnh có sức khỏe bình thường, trừ trường hợp bị bội nhiễm hay kèm theo tổn thương lao phổi, xương… Ở thể khối u (viêm hạch lao phì đại) sẽ xuất hiện khối u ở cổ với một hay vài hạch nổi to, sau dính thành một khối không đau, di động, sờ chắc và không có viêm quanh hạch; khối u to dần, chiếm gần hết vùng cổ làm cho cổ như bạnh ra. Bác sĩ Tài lưu ý, lao hạch là bệnh không lây. So với các thể lao khác, lao hạch điều trị đơn giản hơn. Thời gian điều trị kéo dài 4 – 7 tháng tùy thể trạng bệnh. Với trường hợp bị u lympho lao hạch, lao không thành mủ, khu trú, di động có thể sử dụng phương pháp cắt bỏ hạch. Lao hạch ở trẻ em thường khỏi nếu được điều trị toàn thân mà không phải cắt bỏ hạch.

Để phòng bệnh lao hạch, cách tốt nhất chú trọng nâng cao sức đề kháng, nhất là đối với trẻ em, tránh để viêm hạch mạn tính tạo điều kiện cho trực khuẩn lao xâm nhập. Khi đã được chẩn đoán là lao hạch, cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh)
 

Theo: Báo Khánh Hòa