Nếu nhìn vào sự tự tin của những chủ doanh nghiệp về công nghệ dưới đây, sẽ rất khó tin rằng họ đã từng thất bại nhiều lần trong quá trình khởi nghiệp. Điểm chung của các chủ doanh nghiệp này là đều ở xuất phát điểm rất thấp, vượt qua nhiều thất bại để tìm hướng đi riêng cho mình.
Thành công sau 3 lần thất bại
Sinh ra trong một gia đình làm nông ở xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, từ nhỏ, anh Lê Bảo Quốc (sinh năm 1989) – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MODORO Digital đã đam mê Tin học và trở thành học sinh chuyên Tin ngay từ lớp 6. Anh đã đoạt nhiều giải cấp huyện, cấp tỉnh về Tin học. Vào đại học, anh vẫn theo đuổi ngành Tin học ở Trường Đại học Nha Trang và trở thành thành viên đội Olympic Tin học của trường.
Sau khi ra trường, Lê Bảo Quốc bước vào chặng đường kinh doanh. Năm 2011, anh cùng 9 bạn trẻ khác mở công ty về lập trình, nhưng do thiếu nền tảng cơ bản nên anh đã nhanh chóng thất bại. Năm 2013, anh tiếp tục mở công ty cũng về lập trình và rồi lại nhanh chóng phá sản. Năm 2015, anh cùng một người bạn mở công ty về kết nối bệnh nhân và bác sĩ tại nhà, tuy nhiên dự án cũng thất bại vì thiếu vốn. Không nản chí, đến năm 2017, anh tiếp tục khởi nghiệp với việc hình thành Công ty MODORO chuyên gia công phần mềm cho nước ngoài; đồng thời xây dựng phần mềm chuyên dụng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Năm 2020, cơ hội đã đến khi anh và đội ngũ MODORO biết chuyển đổi mô hình Affiliate (tiếp thị liên kết đa kênh) thành dịch vụ thuê bao SaaS (Software as a Service). Sự thành công của khách hàng đã đem lại tiếng vang cho công ty.
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi người dùng khiến khách hàng ưu tiên mua sản phẩm trên Internet. Nắm bắt xu thế này, Lê Bảo Quốc nhanh chóng chuyển đổi mô hình bằng việc nhân bản và cài đặt riêng cho từng doanh nghiệp. Hiện tại, MODORO có 300 khách hàng doanh nghiệp, 16.000 cộng tác viên toàn quốc, doanh thu hệ thống đạt hơn 30 tỷ đồng/năm. MODORO còn có khách hàng ở Pháp, Hàn Quốc, Singapore…
Khởi nghiệp từ cơ khí
Từ ngày còn đi học, anh Võ Quốc Thanh (sinh năm 1985) – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tư Lộc (Sunroaster) luôn ấp ủ giấc mơ tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Năm 2015, anh cùng một số cộng sự mở Sunroaster (ở xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy và tự động hóa. Lúc đầu, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra sản phẩm, hàng làm ra không bán được, công ty không có doanh thu. Tuy nhiên, chính niềm khát khao thực hiện ước mơ tạo được sản phẩm mang thương hiệu “made in Vietnam” đã giúp anh trụ được với nghề.
Qua 8 năm lay lắt, thành công cũng đã đến với anh khi các sản phẩm của công ty được thị trường chấp nhận. Sản phẩm chính của công ty là máy rang xay chế biến cà phê và dây chuyền chiết rót tự động dành cho ngành thực phẩm. Công ty liên tục cập nhật công nghệ nước ngoài và cải tiến theo nhu cầu của người tiêu dùng, nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, giá rẻ 4-5 lần so với máy nhập khẩu. Công ty bước đầu đã có hợp đồng với những đối tác ngoài nước như: Campuchia, Lào, Indonesia… Doanh thu hàng năm của công ty ổn định từ 5 đến 7 tỷ đồng.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Lộc – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết: Những năm gần đây, trên lĩnh vực KH-CN đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp mới hướng vào những ngành nghề mới, tiêu biểu như: lĩnh vực viết phần mềm, cơ khí tự động hóa mà 2 doanh nghiệp trên đang thực hiện. Những doanh nghiệp này quy tụ những thanh niên trẻ, giàu hoài bão, đam mê đổi mới sáng tạo, vượt khó vươn lên. Sở KH-CN rất khuyến khích, biểu dương những điển hình tiêu biểu; sẽ có kế hoạch hướng dẫn để các doanh nghiệp hướng tới thành lập doanh nghiệp KH-CN để được hỗ trợ thêm một số chính sách dành cho loại hình này trên địa bàn tỉnh.
V.L