Thời gian gần đây, một số khu vực rừng trồng thuộc lâm phận của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (Công ty Lâm sản Khánh Hòa) bị xâm hại, cắt trộm. Các đối tượng chủ yếu cưa trộm cây dầu rái được trồng ở khu vực các xã: Khánh Phú, Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh).

Tối 16-2, qua tuần tra, lực lượng quản lý bảo vệ rừng Công ty Lâm sản Khánh Hòa phát hiện tại khu vực rừng trồng năm 1996, thuộc tiểu khu 182 (xã Khánh Phú) có nhiều khúc gỗ dầu rái bị các đối tượng cưa trộm, tập kết dọc bìa rừng chờ vận chuyển đi tiêu thụ; khối lượng thu gom được 1,2m3. Trước đó, ngày 10-2, cũng tại khu vực này, lực lượng của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khánh Phú phát hiện, thu gom được 1,6m3 gỗ dầu rái bị các đối tượng cưa trộm, chưa kịp đưa đi tiêu thụ.

Một số khúc gỗ dầu rái bị cưa trộm tại tiểu khu 172 vừa được thu gom.

Một số khúc gỗ dầu rái bị cưa trộm tại tiểu khu 172 vừa được thu gom.

Theo ông Phạm Trí Dũng – Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khánh Phú, ngoài 2 vụ việc trên, 6 tháng cuối năm 2018, tại khu vực rừng trồng các năm: 1995, 1996, 1997, 1999 cũng thuộc tiểu khu 182, trạm đã lập biên bản 7 vụ việc liên quan đến cắt trộm rừng trồng của công ty; khối lượng gỗ dầu rái thu gom được hơn 8m3. Cây dầu rái bị cưa trộm được cắt khúc từ 1,5 – 2m, người cắt trộm chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Tại khu vực xã Khánh Thượng, tình trạng cưa trộm rừng trồng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa chỉ mới rộ lên từ đầu năm 2019 đến nay. Khu vực rừng trồng bị xâm hại được phát hiện chủ yếu là rừng trồng năm 1996, thuộc tiểu khu 172. Qua tuần tra, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của công ty đã phát hiện 3 vụ cắt trộm dầu rái tại đây, khối lượng lâm sản thu gom được khoảng 2,5m3.

Ông Trần Xuân Hải – Đội phó Đội Quản lý bảo vệ rừng Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết, nạn cắt trộm rừng trồng trong lâm phận của công ty chỉ mới rộ lên trong khoảng thời gian từ tháng 6-2018 đến nay, diễn ra chủ yếu ở Khánh Phú và Khánh Thượng. Ban đầu, các đối tượng cắt trộm chỉ thu gom cành nhánh để lấy củi hoặc cưa ván làm nhà, về sau khi các xưởng cưa trong vùng đặt mua gỗ dầu rái với giá khoảng 2 triệu đồng/m3 thì họ cắt cả cây ngã đổ sau bão, thậm chí cắt hạ cả cây đứng để bán. Các đối tượng chủ yếu hoạt động vào ban đêm, lợi dụng khi lực lượng quản lý bảo vệ rừng của công ty tập trung truy quét khu vực rừng tự nhiên là bắt đầu cắt trộm cây. Không chỉ vậy, để tránh bị phát hiện, thay vì sử dụng cưa máy, các đối tượng lại sử dụng cưa kéo bằng tay để hạ cây, cắt khúc.

Lãnh đạo Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết, các khu vực rừng trồng của đơn vị gần các khu dân cư, đường giao thông nên rất dễ bị cưa trộm. Hiện tại, giá bán gỗ dầu rái khoảng 150 – 180 nghìn đồng/khúc gỗ dài khoảng 2m, đường kính 25 – 30cm là khá cao nên đã kích thích một số người dân cắt trộm rừng trồng để bán. “Bên cạnh nhiệm vụ giữ rừng tự nhiên trước sự rình rập của lâm tặc, tập trung nhân lực, vật lực để phòng, chống cháy rừng trong cao điểm mùa khô, hiện nay lực lượng của chúng tôi phải chia ra để giữ rừng trồng trước nạn trộm rừng đang diễn ra liên tiếp thời gian gần đây. Hiện nay, công ty đang hợp đồng thêm nhân viên, tổ chức chốt chặn để vừa bảo vệ rừng tự nhiên, vừa bảo vệ rừng trồng. Công ty kiến nghị Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở thu mua gỗ dầu rái trái phép. Bên cạnh đó, UBND các xã tuyên truyền, vận động nhân dân không cắt trộm rừng trồng trong lâm phận của công ty…”, ông Nguyễn Văn Tân – Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa đề nghị.

BÍCH LA
 

Theo: Báo Khánh Hòa