Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nhiều nhiệm vụ kinh tế trọng tâm trong năm 2021

Ngày 8-1, Bộ Kế hoạch – Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì hội nghị. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Khánh Hòa.


5 chỉ tiêu không đạt


Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Trần Quốc Phương, trong 5 năm 2016-2020, bối cảnh thế giới và trong nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử từ đầu năm 2020 đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp đã có nhiều đổi mới, cải cách mạnh mẽ, đề ra phương châm hành động, tham mưu cho Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình mới và cùng với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.



Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Khánh Hòa

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư, đến hết năm 2020, tỉnh Khánh Hòa có 15/20 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội đạt mục tiêu đề ra; có 5 chỉ tiêu không đạt, gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; thu ngân sách nhà nước; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Trong 5 năm qua, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Khánh Hòa luôn duy trì được sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 7,7%/năm. Tuy nhiên từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kinh tế của tỉnh đã giảm sút đáng kể, GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm còn 3,8%/năm, trong khi mục tiêu đề ra là 7,5 – 8%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 64,6 triệu đồng, không đạt mục tiêu đề ra. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 2.026 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 12,6%.


Lãnh đạo Sở kế hoạch – Đầu tư cho biết, để cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh, 5 năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, triển khai, sáng chế; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành lập doanh nghiệp. Tổng thu ngân sách của tỉnh trong 5 năm đạt 93.650,8 tỷ đồng, trong đó cao nhất là năm 2018 thu 21.868 tỷ đồng. Thu nội địa bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 2,5%/năm (giai đoạn 2016-2019 tăng 11,6%/năm. Hệ thống ngân hàng tiếp tục phát triển với 38 chi nhánh tín dụng, 182 điểm giao dịch phân bổ đến các huyện, thị xã, thành phố để tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.


Đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm



Nhiều điểm mới của Luật Đầu tư

Tại Hội nghị, ông Trần Hào Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) cho biết, Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) có một số nội dung mới. Ngoài việc cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bất hợp lý, gây cản trợ cho hoạt động đầu tư kinh doanh của người dân, Luật đã bổ sung quy định về công bố Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ nhằm nâng cao tính minh bạch, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung một số ngành nghề ưu đãi đầu tư mới nhằm khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dự án sử dụng công nghệ cao…

Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Vì vậy, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đặt ra 13 nhiệm vụ trong tâm phải thực hiện trong năm 2021, trong đó: tổ chức xây dựng và triển khai ngay kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sau khi được thông qua; phối hợp, triển khai tốt các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực dịch vụ vận tải; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc điều hành hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.


Theo lãnh đạo UBND tỉnh, trong năm 2021, bên cạnh công tác phòng chống dịch, tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư từ nước ngoài gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tại Hội nghị trực tuyến, lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị với Bộ Kế hoạch – Đầu tư giải quyết vướng mắc về việc bố trí nguồn vốn lập quy hoạch. Cụ thể, khi Luật Quy hoạch năm 2017 ra đời cho đến thời điểm tháng 9-2019, có nhiều ý kiến trái chiều nhau về vấn đề sử dụng nguồn vốn nào để lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư sớm có văn bản hướng dẫn để địa phương có căn cứ triển khai theo quy định.



VĂN KỲ

Theo: Báo Khánh Hòa

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202101/nhieu-nhiem-vu-kinh-te-trong-tam-trong-nam-2021-8202302/