Hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) còn nhiều khó khăn, đây là ý kiến chung của các đại biểu tại hội nghị chuyên đề bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GĐTP vừa được UBND tỉnh tổ chức.
Nhân lực, điều kiện, trang thiết bị… đều thiếu
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Trung tâm Pháp y và pháp y Công an nhân dân thực hiện giám định pháp y. Theo Thông tư 47/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh, khi giám định, phải có từ 2 giám định viên và 2 cán bộ giúp việc. Thế nhưng, pháp y Công an nhân dân hiện chỉ có 2 bác sĩ pháp y. Tính đến ngày 30-3, Trung tâm Pháp y chỉ còn 4 giám định viên đang công tác. Năm 2021, trung tâm giám định 946 trường hợp, giảm 154 trường hợp so với năm 2020. Còn Sở Tài chính có 7 giám định viên, do đặc thù mỗi người chỉ thực hiện 1 lĩnh vực nên có khi 1 người phải thực hiện nhiều yêu cầu giám định.
Trong khi đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh không có máy quang phổ hồng ngoại nên không giám định được mẫu cao su, đất, sơn… trong các vụ tai nạn giao thông. Trường hợp có máy móc thì lại thiếu kinh phí mua các loại hóa chất đi kèm (bộ kit) nên cũng không giám định ADN được. Bộ kit trị giá hàng trăm triệu đồng, có hạn sử dụng nhất định, trong khi yêu cầu giám định ADN lại rất ít nên các bộ kit bị hết hạn, không thể mua dự trữ, đó là chưa kể công nghệ được trang bị đã lạc hậu. Việc giám định độc chất, dấu vết cơ học, dấu vết sinh học… phải gửi giám định nhưng Công an tỉnh không có trang thiết bị chuyên dụng để thu giữ, bảo quản; giám định súng, đạn chưa có kính hiển vi so sánh; giám định pháp y chưa có máy làm vi thể…
Bên cạnh đó, tuy việc thành lập văn phòng GĐTP được quy định từ năm 2013 nhưng đến nay, cả nước mới có 1 văn phòng GĐTP ở TP. Hồ Chí Minh.
Các quy định, cơ chế cũng bị vướng
Hiện nay, văn bản hướng dẫn thi hành Luật GĐTP còn khá nhiều nội dung chưa quy định, như: Số lần được giám định lại mức độ thương tật, do cơ quan nào quyết định; thời gian đưa đi giám định; khái niệm bệnh hiểm nghèo, vùng trọng yếu của cơ thể; sử dụng kết luận giám định nào nếu giám định lại hoặc các kết luận khác nhau… Việc mua Benzidine để giám định dấu vết đường vân gặp khó vì có quy định cấm mua. Việc chi trả bồi dưỡng giám định bị vướng vì Luật Phí và lệ phí không quy định cho GĐTP. Quy định giám định viên pháp y tại các phòng kỹ thuật hình sự chỉ giám định pháp y tử thi đang gây lãng phí nguồn nhân lực. Việc chi trả bồi dưỡng giám định theo ngày công tính bằng giờ chưa hợp lý bởi 1 giám định viên thường thực hiện cùng lúc nhiều vụ việc. Mức bồi dưỡng giám định cho từng lĩnh vực chưa sát thực tiễn… Theo bà Lê Thị Hiền – Chánh tòa Dân sự Tòa án nhân dân tỉnh, hiện nay, Tòa án nhân dân TP. Cam Ranh phối hợp với GĐTP kiểm tra hiện trạng công trình xây dựng theo từng yêu cầu của các nguyên đơn trong 82 vụ án về tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ giữa nhiều nguyên đơn với 1 bị đơn, nhưng chưa giám định được do chưa có quy định về chi phí cho loại vụ việc GĐTP về xây dựng. Việc giám định tuổi mực cũng gặp khó vì thiếu hướng dẫn.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương – Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, các văn bản pháp luật liên quan không quy định phải thông báo cho Sở Tư pháp biết về việc trưng cầu giám định, từ chối giám định nên sở không thể nắm bắt kịp thời để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết. Sở cũng khó tham mưu tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho người làm công tác GĐTP, bởi với mức chi thấp, rất khó mời được báo cáo viên ở Trung ương. Hơn thế, do có nhiều lĩnh vực giám định, nếu tổ chức theo lĩnh vực thì số người tập huấn rất ít, nếu tập trung nhiều lĩnh vực thì lại phải mời nhiều báo cáo viên. Các cơ quan chuyên môn cũng chưa quan tâm cử người đi tập huấn ở cấp bộ.
Nhiều kiến nghị
Hầu hết các ý kiến cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật GĐTP; các quy định về quy trình, quy chuẩn giám định, định giá trong tố tụng hình sự…; cần quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực GĐTP, chú ý các điều kiện của giám định viên. Chính phủ cần xây dựng chế độ tiền lương cho đội ngũ làm công tác pháp y phù hợp với môi trường độc hại, lây nhiễm; có chế độ phụ cấp thường trực cho người tham gia giám định pháp y; chế độ phụ cấp thâm niên cho giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần chuyên trách trong ngành y tế; chế độ bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp cho cán bộ y tế khi bị nhiễm bệnh dịch, tử vong do bệnh dịch… UBND tỉnh tiếp tục quan tâm trang bị cơ sở vật chất phục vụ giám định; phát triển, bảo đảm số lượng, chất lượng tổ chức, người GĐTP lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư; ưu tiên đào tạo cán bộ để có nguồn bác sĩ pháp y phục vụ lâu dài. Các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan giám định, định giá cần tăng cường công tác phối hợp.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần xây dựng, đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa công tác GĐTP; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia công tác giám định; có cơ chế ưu đãi các tổ chức GĐTP ngoài công lập, mở rộng lĩnh vực thường phát sinh nhu cầu GĐTP như: giám định tài liệu, giám định chữ ký…
Ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Các cơ quan cần quan tâm hơn việc bổ nhiệm, tạo nguồn giám định viên tư pháp, người GĐTP theo vụ việc; cử người tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ do bộ, ngành tổ chức… Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giám định; chủ trì, phối hợp xây dựng dự thảo nghị quyết về chế độ, chính sách thu hút nguồn lực phục vụ hoạt động GĐTP tại tỉnh, tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh quyết định. Trong các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, cơ quan tiến hành tố tụng phải phối hợp thống kê, báo cáo định kỳ việc GĐTP; trao đổi, thông báo tiến độ giám định, việc từ chối giám định…; có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết nếu vướng mắc không thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh…
|
NGUYỄN VŨ
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202204/nhieu-kho-khan-trong-giam-dinh-tu-phap-8248389/