Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nhiều giải pháp ứng phó với mưa lũ

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kéo dài. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, cơ quan chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp.

Các hồ chứa điều tiết nước

Theo Chi cục Thủy lợi, để chủ động ứng phó với thời tiết được dự báo là mưa nhiều trong các tháng cuối năm, ngay từ tháng 9, các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xả điều tiết nước để đón lũ. Kết hợp với việc cung cấp nước cho sản xuất vụ mùa, mực nước của hầu hết các hồ chứa đều được điều tiết xuống dưới 50%.

Theo ông Lê Trung Thái – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, đến sáng 17-10, mực nước trên sông Cái Nha Trang chưa đầy 3,5m, dưới báo động 1 là 4,56m; sông Dinh Ninh Hòa, mực nước đo được chưa đầy 3m, dưới báo động 1 trên 1,5m. Tại các hồ chứa nước, nhất là các hồ chứa có dung tích lớn, công tác kiểm tra, kiểm soát mực nước luôn được theo dõi chặt chẽ. Mực nước các hồ hiện đang nằm trong giới hạn cho phép: hồ Suối Dầu lượng nước hiện mới đạt 61% so với sức chứa; các hồ như: Cam Ranh 57%, Hoa Sơn 63%, EakrongRou 32%… Riêng hồ Tà Rục hiện đã đạt mức 78% nên đang cho xả điều tiết với lưu lượng 0,78m3/s. Hồ Đá Bàn – hồ chứa lớn nhất tỉnh (dung tích 75 triệu m3), hiện mực nước đã đạt 83%. Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, đầu tháng 10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) thị xã đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão, đảm bảo an toàn các hồ chứa trong mùa mưa lũ. Qua kiểm tra, đơn vị quản lý hồ đã xây dựng phương án cụ thể nhằm điều tiết nước hợp lý cũng như các phương án ứng phó trước những diễn biến của thời tiết.

Mực nước các hồ chứa hiện đang trong giới hạn cho phép

Các địa phương sẵn sàng ứng phó

Thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh về công tác PCTT và TKCN năm 2017, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã lập các đoàn kiểm tra công tác PCTT đối với các huyện, thị xã, thành phố vào cuối tháng 8. Theo đánh giá của các đoàn kiểm tra, các địa phương đều đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2017, gồm: công tác chuẩn bị ứng phó trước, trong và sau thiên tai; các phương án sơ tán dân theo từng tình huống thiên tai cụ thể và các nội dung về công tác tổ chức chỉ huy, lực lượng, phương tiện, số lượng dân sơ tán, nơi sơ tán đến. Những địa phương ven biển đã xây dựng phương án sắp xếp neo đậu tàu thuyền khi có bão, áp thấp nhiệt đới và bố trí lực lượng canh gác bảo vệ tại khu sắp xếp, neo đậu…

Cùng với công tác thông tin về tình hình xả lũ, ngập lụt do xả lũ; công tác hỗ trợ ứng cứu khi có sự cố mất an toàn hồ, đập, hoạt động điều tiết xả lũ cũng được cơ quan chức năng đặc biệt lưu ý. Bên cạnh đó, các đoàn đã kiểm tra đã thực địa tại các vị trí nguy hiểm, xung yếu có khả năng ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi thiên tai xảy ra như: các điểm ngầm, cầu, tràn; các điểm thường xuyên bị sạt lở đất; các công trình đang thi công; các khu vực thường xuyên bị ngập lụt gây chia cắt…

Để chủ động hơn nữa trong công tác ứng phó với mưa bão, ngập lụt, các địa phương đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để trang bị một số phương tiện, vật dụng cần thiết. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giữa tháng 8-2017, Ủy ban Quốc gia TKCN đã có quyết định về việc cấp phát hàng dự trữ quốc gia phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Trong đó, Khánh Hòa được cấp 5.000 chiếc phao tròn cứu sinh, 894 chiếc phao áo cứu sinh, nhà bạt 30 bộ, phao bè cứu sinh 20 chiếc…., đến nay đã hoàn thành việc phân bổ số hàng dự trữ trên đến các địa phương, đơn vị.

Đối với kiến nghị của đơn vị quản lý các hồ chứa phía nam tỉnh về việc trang bị máy phát điện dự phòng cho các hồ: Am Chúa, Suối Dầu, Cam Ranh, Suối Hành để phục vụ công tác vận hành cửa van tràn xả lũ khi bị sự cố mất điện, UBND tỉnh đã đồng ý trang bị cho 4 hồ chứa trên các máy phát điện. Đối với các đề xuất đầu tư, nâng cấp công trình nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa lũ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra thực tế, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ từ nguồn Quỹ PCTT tỉnh để thực hiện việc đầu tư nâng cấp đối với các công trình mang tính khẩn cấp.

Theo đó, UBND tỉnh đã đồng ý tu sửa khẩn cấp các công trình xung yếu, như: công trình vượt lũ Gò Mè, công trình vượt lũ Đất Gai 1 (Vạn Ninh); cầu Bến Miễu xã Ninh An (Ninh Hòa); công trình vượt lũ đường liên xã Diên Bình – Suối Tiên (Diên Khánh); kè chống sạt lở tổ 3, thôn Gia Lố, xã Giang Ly; điểm trường tiểu học thôn Suối Sâu (Khánh Vĩnh); công trình vượt lũ thôn Xóm Cỏ, xã Sơn Bình (Khánh Sơn); sửa chữa, nâng cấp cầu vượt lũ qua tràn suối Gỗ, xã Cam Tân; sửa chữa, khắc phục hư hỏng mương thoát nước tổ dân phố Tân Hòa 1 (Cam Lâm); sửa chữa nâng cấp 2 bờ suối Thủy Tinh (Cam Ranh). Riêng các công trình liên quan đến công tác thoát lũ tại TP. Nha Trang, trong đó bao gồm: dự án chỉnh trị hạ lưu sông Tắc – sông Quán Trường, đường Cao Bá Quát – Cầu Lùng, hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đến đầu sông Tắc, qua kiểm tra thực tế và báo cáo của Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay, công trình đã thi công được khoảng 80%; một số tuyến đường tạm tại vị trí các cầu cũng đang được các đơn vị phá dỡ để đảm bảo tiêu thoát lũ trong mùa mưa lũ 2017.

Công Định
 

Theo: Báo Khánh Hòa