Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nhiều giải pháp can thiệp sớm cho trẻ dị tật

Những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong việc khám, điều trị can thiệp sớm các bệnh dị tật bẩm sinh ở trẻ…

Hầu hết trẻ bị dị tật bẩm sinh đều phát hiện muộn  

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng – Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, dị tật bẩm sinh là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh tật cho trẻ. Ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng, hầu hết trẻ bị dị tật bẩm sinh đều phát hiện muộn, thiếu những dịch vụ can thiệp sớm, phục hồi chức năng; chưa kể còn một tỷ lệ trẻ dị tật chưa được can thiệp và trở thành khuyết tật vĩnh viễn. Trong khi đó, ở những năm đầu đời (từ sơ sinh đến 36 tháng), nếu trẻ bị dị tật bẩm sinh được phát hiện, can thiệp sớm sẽ giúp trẻ phục hồi, hòa nhập và phát triển bình thường.

Kết quả đề tài khoa học khảo sát tình hình một số dị tật bẩm sinh ở trẻ em từ sơ sinh đến 36 tháng tuổi trên địa bàn TP. Nha Trang, Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa do bác sĩ Nguyễn Văn Xáng thực hiện từ năm 2014 đến 2016 với tổng số 1.496 trẻ tham gia nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 5,82%; có 58,8% bà mẹ khi được phỏng vấn cho biết không khám sức khỏe trước khi mang thai; 77,1% trường hợp không tiêm ngừa Rubella, 73,7% trường hợp không uống acid folic trước khi mang thai. Kết quả này minh chứng, việc trang bị kiến thức cho phụ nữ trước mang thai, công tác tuyên truyền, khám sàng lọc, phát hiện trẻ dị tật bẩm sinh ở địa phương chưa thực sự hiệu quả.

Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Điều trị can thiệp sớm cho trẻ

Với những kết quả của đề tài, cùng sự hỗ trợ về chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên, những năm gần đây, BVĐK tỉnh đã ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong việc khám, điều trị can thiệp sớm các bệnh dị tật bẩm sinh như: khuyết tật về vận động, mắt, nghe, nói, trí tuệ, tiêu hóa, tim mạch, tiết niệu…

Theo đó, năm 2016, bệnh viện đã hình thành đơn vị phẫu thuật cấy điện tử ốc tai; triển khai phòng đo thính lực và lập đội công tác đo khám tầm soát cho Khánh Hòa và các tỉnh lân cận. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện cấy cho nhiều trường hợp, đo thính lực cho hàng trăm người. Chị Trương Lê Thị Phương (thị xã Ninh Hòa) cho biết, con chị bị điếc bẩm sinh lúc 20 tháng tuổi. Gia đình đã đưa cháu đi điều trị khắp nơi bằng nhiều phương pháp nhưng không hiệu quả. Qua tìm hiểu thông tin, chị được biết phương pháp điều trị tốt nhất cho con chị là cấy ốc tai điện tử, nhưng để thực hiện phải vào TP. Hồ Chí Minh hoặc ra Hà Nội nên chị đắn đo. Khi biết BVĐK tỉnh có triển khai phương pháp này, chị quyết định đưa cháu vào đây cấy, giúp giảm được chi phí và thời gian đi lại.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ dị tật bẩm sinh chiếm 3 – 4% trẻ được sinh ra, tỷ lệ này không ngừng tăng lên trong vòng 20 năm trở lại đây.

Song song đó, bệnh viện phát triển chuyên ngành Chỉnh hình nhi thông qua việc mời và hợp đồng với chuyên gia TP. Hồ Chí Minh về Khánh Hòa để điều trị cho trẻ, đồng thời chuyển giao kỹ thuật điều trị cho các bác sĩ khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng của bệnh viện. Hiện nay mỗi tháng, đoàn chuyên gia TP. Hồ Chí Minh tiến hành phẫu thuật cho từ 10 đến 15 cháu, khám chuyên khoa cho 50 – 70 cháu. Nhờ tiếp cận được các kỹ thuật điều trị từ tuyến trên, các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện khám và điều trị thành công một số bệnh lý dị tật bẩm sinh (như: khoèo, trật khớp háng bẩm sinh…) mà trước đây chưa thực hiện được.

Ngoài ra, bệnh viện đã phát triển chuyên khoa điều trị tim bẩm sinh cho trẻ, đến nay đã có hàng trăm trẻ ở tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận được điều trị bệnh tim bẩm sinh, giảm chi phí đi lại cho gia đình. Đơn vị tim mạch can thiệp nhi trên cơ sở kết quả của đề tài đã tổ chức các đợt khám tầm soát tim bẩm sinh cho trẻ, qua đó phát hiện và thực hiện can thiệp kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhi. Bệnh viện cũng phát triển nội soi và phẫu thuật dẫn lưu não úng thủy, giúp các cháu bệnh não úng thủy phát triển tốt về thể chất và não bộ; tổ chức xét nghiệm Men G6PD cho các trẻ sơ sinh và phối hợp điều trị miễn phí; khám tầm soát bệnh suy giáp, suy thượng thận sơ sinh; phát triển chuyên ngành Sản khoa, phục vụ điều trị bà mẹ mang thai, theo dõi thai kỳ và dị tật bẩm sinh trên cơ thể thai nhi để có phương pháp điều trị…

Có thể nói, việc ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị bệnh dị tật bẩm sinh cho trẻ của BVĐK tỉnh đã góp phần giúp nhiều trẻ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và những tỉnh lân cận sớm hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.      

T.L

Theo: Báo Khánh Hòa