Với những lo ngại của người dân về một số công trình thủy lợi bị bồi lấp, sạt lở, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các địa phương phải khẩn trương khắc phục trước mùa mưa bão năm nay.

Kênh mương bị bồi lắng

Cứ vào mùa mưa lũ kết hợp với hồ Am Chúa (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) xả lũ thì vùng hạ du thuộc xã Diên Điền lại bị ngập. Ông Nguyễn Văn Tùng – người dân xã Diên Điền cho rằng: “Nguyên nhân gây ngập lụt không chỉ do mưa lớn mà còn do việc kênh tiêu sau tràn xả lũ hồ Am Chúa nhỏ (còn gọi là kênh tiêu Diên Điền) bị sạt lở, bồi lắng. Ngoài ra, kênh tiêu này khi đi qua Cụm công nghiệp Diên Phú còn bị thu hẹp lòng kênh vì đá phế liệu của doanh nghiệp lấn ra, khiến cho khả năng thoát nước xuống Diên Phú, Vĩnh Phương ra sông Cái chậm. Thực tế những mùa mưa gần đây, hơn 270ha lúa, hoa màu đã bị thiệt hại do ngập úng. Ngoài ra, hàng trăm héc-ta vườn đồi của người dân cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi kiến nghị cấp trên xem xét để sớm khắc phục các hư hỏng, bất cập của kênh Diên Điền nhằm tăng khả năng thoát nước”.  Theo tìm hiểu, kênh tiêu Diên Điền ngoài nhiệm vụ tiêu thoát nước vào mùa mưa lũ còn kết hợp tưới cho hàng trăm héc-ta sản xuất. Đây là kênh đất, lòng kênh nhỏ hẹp (4 – 4,5m) lại nằm trong khu vực thoát lũ nên việc bị bồi lắng, sạt lở là khó tránh khỏi.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Một đoạn kênh tiêu Diên Điền với cây bụi mọc um tùm.

Một đoạn kênh tiêu Diên Điền với cây bụi mọc um tùm.

Tại huyện Vạn Ninh, mương dẫn nước từ tràn xả lũ hồ Đá Đen (xã Xuân Sơn) vốn là con suối tự nhiên (suối Phước Thủy). Do chịu tác động của mưa lũ hàng năm kết hợp với việc điều tiết lũ của hồ chứa này nên suối Phước Thủy nhiều đoạn bị sạt lở, bồi lắng. Theo phản ánh của người dân địa phương, suối Phước Thủy có chiều dài khoảng 8km, chiều rộng 2 bờ gần 10m. Hiện nay, con suối này có 4 đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, mỗi điểm bị sạt 100 – 200m, ngoài ra có nhiều điểm bị bồi lắng gây ách tắc dòng chảy.

Trong khi đó, người dân xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa) nhiều lần kiến nghị việc nạo vét đoạn mương từ đập Khẩu Tre đến đập Điềm Tịnh. Một số người dân địa phương cho biết: Tuyến mương này đi qua địa bàn 2 xã Ninh Thân, Ninh Phụng có bề rộng chừng 1,5m phục vụ tưới cho khoảng 100ha lúa của 2 địa phương. Hiện nay, đoạn mương dẫn nước này bị bồi lắng nên cần sớm được nạo vét, phát quang cây cối, bụi rậm dọc 2 bên.

Người dân các xã, phường: Ninh Bình, Ninh Hà còn kiến nghị khơi thông tuyến Kênh 7 – Ninh Hòa để xử lý ngập úng cho khoảng 15ha đất sản xuất tại xã Ninh Bình vào mùa mưa. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực ngập úng tại xã Ninh Bình thuộc 3 thôn: Phong Ấp, Bình Thành, Phước Lý, được tiêu nước qua tuyến Kênh 7 (chảy qua địa bàn các phường: Ninh Hiệp, Ninh Giang, Ninh Hà). Hiện nay, việc thoát nước qua tuyến kênh này gặp nhiều khó khăn do đoạn cuối tuyến kênh, nhất là đoạn qua phường Ninh Giang, Ninh Hà có mặt cắt nhỏ, lại bị người dân xả rác thải gây bồi lấp nên giảm khả năng tiêu thoát nước.

Cần sớm triển khai

Đối với kênh tiêu Diên Điền, hàng năm, cứ sau mỗi đợt mưa lũ, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa lại duy tu, đắp lại bờ kênh ở những điểm bị sạt, phát quang cây bụi dọc tuyến, khơi thông dòng chảy. UBND tỉnh đã chỉ đạo công ty tiến hành kiểm tra dọc tuyến kênh, sử dụng kinh phí duy tu, sửa chữa hàng năm để tiến hành duy tu, phát quang cây cối, khơi thông dòng chảy, hoàn tất trước mùa mưa năm nay.

Đối với suối Phước Thủy, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trước mắt, để hạn chế tình trạng sạt lở, bồi lắng, tăng khả năng tiêu thoát lũ trong mùa mưa 2018, UBND huyện Vạn Ninh đã triển khai việc nạo vét các vị trí bị bồi lắng, đồng thời nắn dòng chảy để hạn chế sạt lở 2 bên bờ suối. Về lâu dài, địa phương kiến nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng kè gia cố 2 bên bờ suối, mở rộng dòng chảy để chống sạt lở và đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ theo lưu lượng xả lũ thiết kế của hồ Đá Đen.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND thị xã Ninh Hòa sử dụng nguồn kinh phí thủy lợi nội đồng để tiến hành nạo vét một số công trình thủy lợi. Đối với việc xử lý ngập úng tại 3 thôn thuộc xã Ninh Bình, theo lãnh đạo thị xã Ninh Hòa, việc mở rộng lòng Kênh 7 rất khó bởi nhà ở của người dân nằm sát con kênh này. Trước mắt, UBND thị xã Ninh Hòa vận động người dân xã Ninh Bình chuyển đổi cây trồng phù hợp, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiến hành khơi thông dòng chảy. Thị xã cũng kiến nghị UBND tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí để tiến hành khảo sát, thực hiện phương án tiêu thoát nước, chống ngập úng cho xã Ninh Bình. 

BÍCH LA

Theo: Báo Khánh Hòa