Đại hội Đảng lần thứ XII xác định, Đảng đứng trước sứ mệnh lịch sử rất quan trọng. Đó là lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện sự nghiệp đổi mới đồng bộ, toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sớm đưa Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; cải thiện rõ rệt đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân; đồng thời nâng cao uy tín, vị thế trên trường quốc tế.
Để thực hiện thành công sứ mệnh này, yếu tố quan trọng hàng đầu là con người. Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Đình Hương cho rằng nếu Đảng có đường lối đúng nhưng bố trí cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu sai thì đường lối không đi vào được cuộc sống, khó thành công. Trong sự nghiệp Đổi mới và hội nhập quốc tế, yêu cầu về cán bộ có bản lĩnh, năng lực, trí tuệ và đạo đức trong sáng càng trở nên bức thiết, để đảm bảo thành công. Ngược lại, nếu để lọt cán lãnh đạo không đủ phẩm chất thì sẽ chuốc lấy hậu quả khó lường.
“Dân mất niềm tin là mất tất cả. Rất nhiều đảng viên lo lắng cho vận mệnh của Đảng không phải là không có cơ sở,” ông Hương khẳng định.
Thách thức chuyển thành nguy cơ
Trong Nghị quyết số 12-NQ/TW (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI), thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.”
Có thể lược qua một số thách thức đã được Đảng “điểm mặt chỉ tên” trong Nghị quyết này như: Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm đã tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Một bộ phận không nhỏ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc…
Mặc dù đã nhận diện được các thách thức và đề ra các giải pháp thực hiện nhằm hoá giải các thách thức nói trên nhưng sau 5 năm, từ việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XI nhiều hiện trạng nóng bỏng được phát hiện cho thấy “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước,” trích Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XII).
Nhiệm kỳ khoá IX, X, XI và hai năm đầu nhiệm kỳ khoá XII có 70.147 cấp uỷ viên các cấp bị xử lý kỷ luật trong tổng số 234.575 đảng viên bị xử lý kỷ luật (chiếm 30%). Trong đó, có 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, cả đương chức và nguyên chức.
Cán bộ suy thoái không chỉ là nhiều Ủy viên Trung ương Đảng mà còn cả Ủy viên Bộ Chính trị, mức độ tham ô tăng dần lên mức hàng nghìn tỷ đồng… Gần đây nhất, vụ việc ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông nhận hối lộ 3 triệu USD trong thương vụ Mobifone mua AVG, làm thiệt hại vốn Nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng, đã khiến dư luận xã hội ngỡ ngàng về mức độ nghiêm trọng của vụ việc, về sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận quan chức, cán bộ Nhà nước.
Trước thực trạng trên, tại Hội nghị Trung ương 4 khoá XII, Đảng nhận định: Những hạn chế, khuyết điểm đã làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Lần này, việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng cấp bách ở mức không thể không làm.
Nặng xử lý cán bộ, thiếu giải pháp ngăn chặn
Theo ông Nguyễn Đức Hà (Ban Tổ chức Trung ương Đảng), Đảng ta là đảng cầm quyền duy nhất. Điều này tạo nên sự khác biệt của Đảng ta so với các đảng khác trên thế giới.
“Một đảng duy nhất cầm quyền có nhiều thuận lợi (trong việc tập hợp lực lượng, thống nhất ý chí, nguyện vọng của nhân dân…) nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ: dễ dẫn tới chủ quan, thỏa mãn, không có sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo nên không nhìn thấy những khuyết điểm của mình,” ông Hà phân tích.
Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, bao gồm nhiều việc và phải được tiến hành trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.
Thực hiện Di chúc của Bác, Đảng luôn quan tâm, chăm lo đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng diễn ra thường xuyên. “Xây dựng” và “chỉnh đốn” là hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau: trong “xây dựng” có “chỉnh đốn,” trong “chỉnh đốn” có “xây dựng.”
“Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với công tác cán bộ bởi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác cán bộ được xác định là khâu ‘then chốt’ của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và rộng hơn là đối với toàn bộ sự nghiệp Đổi mới,” ông Nguyễn Đức Hà cho hay.
Tuy nhiên, theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất từ trước đến nay, việc lượng hóa tiêu chí đánh giá chưa sát, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể; quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương, chưa đảm bảo phương châm “động” và “mở,” có nơi quá cứng nhắc, có nơi lại lỏng lẻo.
Đơn cử, theo Báo cáo số 95-BC/UBKTTW (ngày 4/10/2017) của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc thực hiện Kết luận 24-KL/TW, Bộ Nội vụ quy hoạch 322 người cho 53 chức danh quản lý, trong khi đó, Bộ Công Thương không quy hoạch cán bộ nào; Cần Thơ quy hoạch 1.316 người cho 261 chức danh quản lý, còn Hà Giang quy hoạch 146 người cho 423 chức danh quản lý…
Ngoài ra, tình trạng tham nhũng, lãng phí diễn ra ở nhiều nơi. Điều này có thể thấy rõ qua việc đầu tư gần 70.000 tỷ đồng cho 13 “đại dự án.” Sau nhiều năm, các dự án này vẫn chưa thể đưa vào khai thác gây lãng phí, thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Những vụ “đại án” liên tục được đưa ra xét xử trong thời gian qua cho thấy quyết tâm đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Tuy nhiên, thực tế này cho cũng cho thấy, tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm đã kéo dài trong thời gian trước đó.
Báo cáo tổng hợp điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) về những vấn đề bức xúc nhất trong năm 2017 chỉ rõ, có 37% tổng số ý kiến được hỏi cho rằng, một trong những vấn đề bức xúc nhất là sự cửa quyền, sách nhiễu của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan công quyền; 63% số ý kiến cho rằng nạn tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm vẫn diễn ra nặng nề…
Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất là vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh. Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) – Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong thời gian Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng. Thế nhưng, cá nhân Trịnh Xuân Thanh vẫn được khen thưởng, đơn vị vẫn đạt danh hiệu Anh hùng Lao động.
Khi cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện doanh nghiệp làm ăn thua lỗ do sai phạm trong công tác quản lý, Trinh Xuân Thanh được điều động sang địa bàn công tác khác, nắm giữ trọng trách mới.
Cụ thể, tháng 8/2013, Bộ Công Thương điều động Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương. Sau đó, đến tháng 5/2015, Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được luân chuyển làm Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Có cùng quan điểm trên, ông Mai Văn Chính – Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân cán bộ lãnh đạo xảy ra ở một số nơi như Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Yên Bái…
“Đặc biệt, việc chỉ đạo, triển khai một số chủ trương thí điểm (Đại hội Đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy; nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền ở cấp xã, cấp huyện) chưa quyết liệt, thiếu nhất quán, chậm sơ kết, tổng kết. Việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thiếu chủ động, còn nặng về kiểm tra, xử lý vi phạm, thiếu giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm; kiểm tra theo chuyên đề, chuyên ngành còn hạn chế. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn bị động, chưa theo kịp tình hình, tổ chức bộ máy thiếu ổn định,” ông Mai Văn Chính nhấn mạnh.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ở Đảng viên
Lâu nay, cụm từ “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” được dư luận nhắc đến nhiều hơn khi một loạt các vụ đại án được phanh phui và đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua. Điều này cho thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện “phai nhạt” lý tưởng, chạy chức, chạy quyền…
Trong số cán bộ này, nhiều người từng đã có những thành tích nổi trội trong lĩnh vực công tác trước đó, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao các bằng khen, danh hiệu anh hùng, cất nhắc vào vị trí lãnh đạo, được đồng nghiệp và người dân tin yêu. Thế rồi, đến một ngày, khi công an phát lệnh khởi tố, dư luận mới ngỡ ngàng nhận ra họ đã “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” để rồi dẫn đến tha hóa từ bao giờ!
Cựu Trung tướng công an, Anh hùng Lực lượng vũ trang, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh là một ví dụ điển hình. Ông Vĩnh vốn là một “tượng đài” trong ngành công an về sự tài ba khi phá án và tình cảm chân thành, ấm áp với đồng đội.
Thế nhưng, đầu năm 2018, Tướng Vĩnh từ anh hùng phá án thành trọng tâm của vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng Internet. Đặc biệt, ông Vĩnh không phải là Tướng công an duy nhất dính vào vụ việc nghiêm trọng này.
Ông Nguyễn Thanh Hóa – cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao (C50) cũng nằm trong đường dây này. Hai ông thậm chí còn “bắt tay” thành lập công ty “bảo kê” cho đường dây đánh bạc. Trụ sở của đường dây đánh bạc đặt tại nơi do Tổng cục Cảnh sát quản lý, thậm chí có cả phòng làm việc của Cục trưởng C50.
Điều này khiến dư luận xã hội ngỡ ngàng về mức độ nghiêm trọng của vụ việc, về sự tha hóa của những cán bộ cấp cao trong ngành công an khi những người đứng đầu cơ quan phòng chống tội phạm lại chính là tội phạm, “bảo kê” cho tội phạm. Tội phạm nằm ngay trong lực lượng chấp pháp, trong lực lượng phòng chống tội phạm!
Nếu như trước đây “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” thường diễn ra ở một hoặc một số đối tượng thì nay, việc “tự chuyển hóa” tràn qua các ngành, ở một số bộ phận cán bộ, kết nối thành bè cánh, phe nhóm… trong cán bộ, đảng viên. Nguy hiểm hơn là nguy cơ từ “tự chuyển hóa” con người, đội ngũ cán bộ, đảng viên có thể dẫn đến “tự chuyển hóa” của cả một tổ chức, nhất là tổ chức đảng và hệ thống chính trị, nếu chúng ta không có biện pháp phòng, chống hữu hiệu. Trong năm 2019, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải; với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho thấy mối nguy cơ này đang trở nên hiện hữu.
Ông Nguyễn Trọng Phúc nhận định: “Đảng đã nhận rõ nguy cơ này. Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) đã thẳng thắn chỉ rõ một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với 27 biểu hiện suy thoái, ‘tự diễn biến,’ ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ.”
Phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập như trên, ông Mai Văn Chính cho rằng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa được coi trọng đúng mức.
Từ đó dẫn đến việc một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức thực sự sâu sắc về vai trò, yêu cầu của công tác cán bộ; mối quan hệ giữa xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới cơ chế tổ chức, vận hành của hệ thống chính trị và đổi mới quản lý kinh tế…
“Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung trong nghị quyết, kết luận thiếu quyết liệt, chưa thường xuyên; còn tình trạng thiếu trách nhiệm, chưa gương mẫu, mất dân chủ, nể nang, né tránh trong việc tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, tổ chức đảng,” ông Mai Văn Chính cho biết.
Ngoài ra, Phó Trưởng Ban tổ chức cũng chỉ rõ, hiện nay, nạn ô dù, bao che, sự phân hóa giàu-nghèo diễn ra ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; ở không ít nơi, lợi ích cá nhân lấn át lợi ích tập thể, lợi ích cục bộ lấn át lợi ích toàn cục. Một số cán bộ uy tín thấp, nói không đi đôi với làm, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, có quan hệ kinh tế với các doanh nghiệp, sa vào lợi ích nhóm.
“Thậm chí, một số cán bộ thiếu gương mẫu trong việc đề bạt, bổ nhiệm ‘nhanh’ người nhà, người thân không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện vòa các vị trí lãnh đạo và những nơi có nhiều lợi ích, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng,” ông Mai Văn Chính chỉ rõ.
Ở góc độ khác, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, một số nội dung trong công tác cán bộ chậm được đổi mới cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới những bất cập, hạn chế nêu trên.
Cụ thể, những bất cập hiện nay trong công tác nhân sự còn đến từ việc phân công, phân cấp, phân quyền chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm, với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; chưa có biện pháp để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong công tác cán bộ.
“Nếu những hạn chế, bất cập không được khắc phục và ngăn chặn kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kỷ luật, kỷ cương của Đảng và niềm tin của nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh các địa phương đang ráo riết chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,” nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng bày tỏ.
Có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, hiện nay, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên chưa phản ánh đúng thực chất. Trong thời gian tới, các đơn vị, tổ chức cần đẩy mạnh, siết chặt công tác này. “Việc đánh giá phải được lượng hóa bằng những tiêu chí cụ thể, dựa trên những sản phẩm cụ thể; đồng thời phải được tiến hành liên tục, thường xuyên trong các cuộc họp chi bộ các cấp,” ông Hà nói.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, việc đánh giá này cần được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát cụ thể, đánh giá trong nội bộ tổ chức, cơ sở, đánh giá từ bên ngoài, đồng thời phải có sự so sánh với các chức vụ tương đương.
“Tôi cho rằng, cần giao nhiệm vụ rõ ràng và quyền hạn tương xứng cho người đứng đầu tổ chức, đơn vị, kể cả quyền hạn về tổ chức bộ máy và nhân sự. Khi cán bộ, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra tình trạng công việc trì trệ hoặc có sai phạm, khuyết điểm thì phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, kể cả thay thế cán bộ,” ông Nguyễn Đức Hà chỉ rõ./.
Theo: Viet Nam Plus