Do mưa lớn nhiều ngày liền, kết hợp với các hồ chứa nước xả lũ nên đến sáng 1-12, nhiều khu vực của TP. Nha Trang bị ngập sâu trong nước, một số khu vực bị chia cắt; đã có 4 người chết và 2 người bị thương.
Nước lên nhanh, người dân không kịp trở tay
Từ đêm 30-11 đến rạng sáng 1-12, nhiều xã, phường trên địa bàn thành phố đã bị ngập sâu trong nước. Nước dâng lên nhanh khiến nhiều hộ dân không kịp dọn đồ đạc lên cao, nhiều tài sản, vật dụng bị nước lụt nhấn chìm. Ông Trần Thành Hải (thôn Đồng Nhơn, xã Vĩnh Trung) kể: “Nước lũ lên quá nhanh. Chỉ ít phút đã dâng lên 25cm, khiến chúng tôi không kịp dọn đồ đạc. Xe gắn máy, tủ lạnh, máy giặt đều bị ngập sâu trong nước”. Ông Nguyễn Văn Sang (thôn Phú Thạnh, xã Vĩnh Thạnh) cho biết: “Khoảng 3 giờ sáng, cả nhà đang ngủ thì nước tràn vào. Nước lụt đổ về rất nhanh, trong khoảng thời gian ngắn nước đã dâng ngang bụng khiến chúng tôi không kịp dọn đồ”.
Theo ghi nhận của phóng viên, do mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn các sông đổ về khu vực hạ lưu sông Cái, gây ngập lụt cục bộ và sạt lở ở các địa phương. Hầu hết các xã phía tây TP. Nha Trang đều bị ngập từ 0,2-1m; toàn xã Vĩnh Phương cùng các thôn: Võ Dõng, Võ Cang, Võ Cạnh (xã Vĩnh Trung), Phú Bình, Phú Thạnh (xã Vĩnh Thạnh)… bị cô lập. Một số đoạn trên đường Điện Biên Phủ ngập hơn 1m; đường 2 -4 (đoạn qua Làng trẻ em SOS Nha Trang và đoạn qua chợ Bầu) ngập hơn 0,5m; đại lộ Nguyễn Tất Thành (đoạn qua Trường Chính trị tỉnh) ngập 1m.
Đến trưa 1-12, nhiều khu dân cư tại xã Vĩnh Phương, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung… vẫn còn bị ngập sâu, có khu vực nước ngập đến 1m. Các tuyến đường chính của Nha Trang như: 23-10, 2-4, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tất Thành… dù nước đã rút, song vẫn còn nhiều điểm trũng bị ngập, chia cắt. Trên đường 23-10, Công an TP. Nha Trang phải bố trí lực lượng chốt chặn để bảo đảm an toàn giao thông, không cho ô tô
lớn chạy qua vì sợ tràn nước vào nhà dân, gây vỡ cửa kính.
Trong khi đó, tại đường Phong Châu, đoạn qua Khu biệt thự Giáng Hương, xã Vĩnh Thái, bị ngập nặng khiến phương tiện giao thông không thể qua lại. Người dân cùng phương tiện ở 2 đầu điểm ngập phải xếp hàng chờ thuyền chuyển qua. Ông Nguyễn Trường Nhật Nguyên – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết, khu vực Đồng Trâm, Đất Lành là vùng trũng nên bị ngập nặng sau 3 ngày mưa lớn liên tục. Hiện nay, hàng chục hộ dân đã di chuyển đến nhà người thân để ở nhờ. Xã đã vận động người dân không được mạo hiểm tự ý đi vào các khu vực nước sâu, chảy xiết.
Tập trung cứu hộ
UBND TP. Nha Trang cảnh báo, do ảnh hưởng của lũ kết hợp với triều cường, vùng hạ lưu sông Cái Nha Trang vẫn tiếp tục có khả năng ngập lụt cục bộ. Cụ thể, các xã: Vĩnh Trung ngập phổ biến 0,8 – l,3m; Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thái và Vĩnh Phương ngập 0,5 – 1m. Bên cạnh đó, hồ Suối Dầu tiếp tục điều tiết xả lũ đến 18 giờ ngày 2-12 với lưu lượng 64-175m3/s (lúc 9 giờ ngày 1-12 xả điều tiết lưu lượng 164,2 m2/s) cũng sẽ khiến một số khu vực bị ảnh hưởng.
Trước tình hình ngập lụt trên diện rộng và sẽ còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo TP. Nha Trang đã trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, đơn vị bám sát địa bàn, không được chủ quan với mọi tình huống diễn biến thời tiết mưa lũ. Từ đêm 30-11 đến sáng 1-12, lãnh đạo UBND thành phố cùng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, UBND các xã, phường và các lực lượng của nhiều đơn vị đã gấp rút triển khai hỗ trợ các địa phương cứu nạn. Toàn thành phố huy động gần 2.000 người cùng các phương tiện để phục vụ ứng cứu.
Đến 11 giờ ngày 1-12, thành phố đã di dời 1.035 hộ với 3.317 nhân khẩu ở các vùng xung yếu đến nơi an toàn. Trong đó, 191 hộ với 630 nhân khẩu ở các vùng ngập lụt; 844 hộ với 2.687 nhân khẩu ở các vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở đất. Tuy đã chủ động ứng phó nhưng mưa lũ vẫn làm 4 người chết (3 người bị lũ cuốn trôi, 1 người bị điện giật) và 2 người bị thương. Ngoài ra, 1 tàu cá ở phường Vĩnh Trường bị trôi dạt và 1 gia đình ở phường Vĩnh Phước bị đá núi lăn xuống gây hư hại tài sản. Đến nay, thiệt hại về tài sản của người dân toàn thành phố chưa có thống kê chính thức, nhưng ước tính sẽ rất lớn.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh – Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, trước mắt, UBND thành phố sẽ tập trung toàn bộ lực lượng để xử lý tình trạng ngập lụt, chỉ đạo lực lượng các địa phương khắc phục thiệt hại tại chỗ; sửa chữa cầu cống, đường sá. Đối với các xã còn ngập sâu trong nước, ưu tiên đưa người dân từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn và bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân phải di dời. Những điểm bị ngập lụt nhiều ngày, thành phố cũng đã có phương án tiêu độc, khử trùng, tránh phát sinh dịch bệnh. Riêng các trường hợp thiệt hại về người, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố chủ động hỗ trợ gia đình nạn nhân làm các thủ tục giấy tờ liên quan. Đồng thời, tổ chức thăm viếng, chia sẻ mất mát với thân nhân người bị nạn.