Năm 2016, Dự án tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân nghèo ven vịnh Nha Trang từ nguồn lợi rong mơ để tăng bảo tồn đa dạng sinh học vùng đệm Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (gọi tắt là dự án rong mơ) được triển khai với rất nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên đến nay, ngư dân Nha Trang vẫn chưa được hưởng lợi gì từ dự án.
Mạnh ai nấy cắt rong mơ
Cứ vào mùa rong, các ngư dân phường Vĩnh Thọ chuyên đánh bắt ven bờ chuyển sang cắt rong. Ông Hồ Bụng (phường Vĩnh Thọ) cho biết, việc khai thác rong rất vất vả, tốn kém nên đã ra khơi thì rong già hay non đều cắt hết. Rong khô chỉ có giá từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Bình quân mỗi người làm mỗi ngày được khoảng 200.000 đồng. “Rong không phải cắt lên là bán được ngay mà phải phơi. Không có vốn, chúng tôi phải mượn tiền đầu nậu để sinh hoạt, mua dầu… sau đó bán rong khô cho họ. Biết là giá thấp hơn so với thị trường nhưng không có tiền thì phải chịu thôi” – ông Bụng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ cho biết, khu vực phường Vĩnh Thọ đang có khoảng 10 ghe chuyên đi cắt rong mơ, với khoảng 30 lao động làm theo kiểu mạnh ai nấy làm, làm sao cắt được càng nhiều càng tốt. Ngư dân khai thác cả rong mơ non, rong có khi 4-5cm cũng bị cắt. Do rong bị cắt non nên mấy năm nay sản lượng ngày cảng giảm.
Ông Trần Hữu Thiện, Tổ trưởng Tổ hợp tác khai thác rong mơ Vĩnh Thọ cho biết, theo dự án, nếu như rong được nấu nước (trà rong biển) để bán giải khát, sau khi trừ chi phí thì giá trị cây rong sẽ tăng cao hơn bán thô hàng chục lần.
Vẫn loay hoay
Dự án rong mơ đã được khởi động từ tháng 3-2016, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 3-2018 nhưng hiện nay mới dừng lại ở việc tập huấn cho người dân. Theo ông Hồ Bụng cũng như những người khai thác rong mơ, họ có được mời tham gia dự án, dự họp, tập huấn nhưng đến nay họ vẫn bán rong mơ thô, chưa được hưởng lợi gì. Ông Trần Hữu Thiện cho rằng, đến nay, Tổ liên kết vẫn còn rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp có khả năng chiết xuất, chế biến rong mơ không mặn mà nên đầu ra sản phẩm chưa có, sản phẩm của tổ làm chưa được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nên chưa thể thu mua rong cho người dân. Việc nấu nước, làm chè từ rong mơ cũng chỉ trình diễn mỗi lần tại hội thảo.
Theo Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang, tiến độ dự án hiện rất chậm. Nguyên nhân là các thành viên điều hành dự án đều kiêm nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc đặt các pano tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặt phao phân vùng và tuần tra bảo vệ rong mơ gặp nhiều khó khăn. Việc vận động ngư dân tham gia Tổ hợp tác gặp khó bởi các hộ e ngại do yêu cầu phải khai thác đúng kỹ thuật. Mặt khác, sân phơi, nơi sản xuất, đầu ra ổn định cho sản phẩm cũng chưa có. Trong khi đó, do giá rong không ổn định, sản lượng sụt giảm nên số lượng người khai thác giảm và không xem đây là nghề chính. Đặc biệt, rong mơ trong khu vực dự án kém phát triển nên chưa tổ chức hướng dẫn kỹ thuật khai thác và tập huấn kỹ thuật làm trà rong, nâng cao giá trị sản phẩm rong mơ theo kế hoạch. Bên cạnh đó, Tổ hợp tác vừa mới ổn định bộ máy lại rơi đúng vào thời điểm hết mùa rong mơ, được hỗ trợ vốn mua thiết bị nhưng nhà xưởng chưa có nên chưa kiểm tra được chất lượng sản phẩm nước rong hoặc trà rong dự kiến đưa ra thị trường.
Dự án do BQL vịnh Nha Trang phối hợp với Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên đề xuất Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ. Nguồn tài trợ từ nguồn viện trợ ODA, tổng kinh phí dự án là 1,284 tỷ đồng. Mục tiêu dự án: nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao kỹ thuật khai thác rong mơ, giảm biến đổi khí hậu; cải thiện sinh kế cho người dân thông qua phân vùng quản lý, khai thác rong mơ; đề xuất chính sách và nhân rộng mô hình quản lý nguồn lợi rong mơ trên vịnh Nha Trang.
Bà Nguyễn Thúy Oanh, Phó trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, theo kế hoạch dự án sẽ kéo dài thêm 3 tháng để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ kinh phí để có được đầu ra là các sản phẩm như nước giải khát, trà. Dự án cũng tiếp tục các hoạt động nâng cao nhận thức, tập huấn ngư dân kỹ thuật khai thác, xử lý nguyên liệu; tiến tới hỗ trợ Tổ hợp tác khai thác rong mơ Vĩnh Thọ tăng cường giám sát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng dự án. Đồng thời, sẽ kiến nghị UBND tỉnh giao vùng khai thác rong mơ tại Bãi Rạn để Tổ hợp tác khai thác, bảo vệ, phục hồi nguồn lợi. Sau khi kết thúc dự án sẽ kiến nghị thành lập Hợp tác xã khai thác rong mơ. Thông qua hợp tác xã sẽ kêu gọi, huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức để chế biến rong mơ, nhằm nâng cao giá trị đầu ra, liên kết, giúp người dân khai thác rong mơ bền vững.