Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nha Trang: Tăng cường ứng phó mưa bão

TP. Nha Trang hiện có nhiều điểm sạt lở, ngập nước thuộc các vùng nguy hiểm, xung yếu. Trước mùa mưa bão năm nay, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Nỗi lo mùa mưa bão

Mấy năm gần đây, hiện tượng lở núi kéo theo lũ bùn do khai thác đất đá khiến người dân các thôn: Như Xuân 1, Như Xuân 2 (xã Vĩnh Phương) lo lắng. Chỉ tay về phía dãy núi trước mặt, bà Phạm Thị Kim Liên (thôn Như Xuân 2) bày tỏ: “Không biết mùa mưa năm nay thế nào chứ năm ngoái người dân ở đây cực khổ lắm. Mưa lớn kéo theo đất đá, bùn trôi từ trên núi xuống vào nhà. Vợ chồng tôi phải mất mấy ngày dọn dẹp mới xong”.  

Thi công hệ thống chống lũ 4 lớp cho Khu dân cư Đường Đệ

Căn nhà của bà Kiều nằm gọn lỏn trong lòng xóm nhỏ tại thôn Phước Thượng (xã Phước Đồng). Mùa mưa, bà càng lo nhiều hơn vì mảnh đất sau nhà người chủ đã bán cho người khác để lấy đất san lấp mặt bằng. Chỉ tay vào bờ đất sau nhà, bà cho biết: “Đây là lối thoát nước duy nhất từ khu vực khai thác đất đá chảy xuống và những cơn mưa vừa qua đã uy hiếp ngôi nhà của tôi. Mùa mưa này, tôi rất lo vì nạn bạt núi lấy đất khiến môi trường bị hủy hoại, mỗi lần mưa lớn nước đổ về rất dữ. Tuy nhà cao nhưng vẫn bị ngập do nước dồn ứ”.

Cũng vì hoàn cảnh khó khăn mà những hộ ven sông Cái thuộc khu dân cư Hà Phước (phường Vĩnh Phước) đến nay vẫn còn sống trong những căn nhà chồ, mong manh trên sông nước. Võ Mạnh Đức – sinh viên Trường Đại học Nha Trang cho biết: “Em nhớ có năm, nửa đêm gió bão mạnh đến nỗi lật cả mái tôn, cả nhà em phải về nhà nội ngủ, không dám ở lại. Năm nay không biết sẽ như thế nào, nhưng mỗi khi mưa gió là em lại lo”. Căn nhà của ông Nguyễn Văn Kiểm gần đó cũng chẳng khá hơn. “Không ai muốn ở nhà chồ bởi bao hệ lụy, lo sợ nhà đổ, nước hôi hám, rác rưởi tù đọng, lâu lâu phải thay trụ bởi nạn hà ăn, gỗ mục… Lụt về cũng không dám ở lâu, hễ nước dâng lên tới đầu gối là lo… chạy”, ông Kiểm tâm sự.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Du – Tổ trưởng Khu dân cư Hà Phước cho biết: “Tổ dân phố có 196 hộ, 1.027 nhân khẩu, 16 nhà chồ. Người dân sống trong nhà chồ chủ yếu là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do, buôn bán nhỏ nên việc sửa chữa, gia cố nhà cửa cũng hạn chế. Mỗi khi có gió lớn, nước to thì chúng tôi khuyên người dân di dời đến nơi khác bảo đảm an toàn hơn”.

Xóm nhỏ thôn Phước Thượng (Phước Đồng) có nguy cơ sạt lở đất

Tăng cường cho vùng xung yếu

Thôn Phước Thượng là vùng giáp ranh với núi, có nhiều nguy cơ sạt lở. Ông Nguyễn Sở – Phó trưởng thôn Phước Thượng cho biết, tại khu vực khai thác của Công ty TNHH Trung Sơn nằm trên địa bàn xã có 80 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm, trong đó 3 hộ buộc phải di dời khẩn cấp khi có lũ lớn. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 2 khu vực khác cũng xếp hạng xung yếu là Cây Da và Suối Khô. Vừa qua, chính quyền xã Phước Đồng đã xây dựng bản đồ chỉ dẫn các vùng xung yếu làm cơ sở cho công tác phòng, chống lụt bão và cấp phép xây dựng. Đồng thời, xác định hàng chục điểm xung yếu, khu vực đất trượt lở, ngập lụt tại 14 thôn với hơn 1.100 hộ.

Ông Bùi Cao Pháp – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho hay, tại các điểm xung yếu, xã đã đặt biển báo nguy hiểm, đưa các điểm xung yếu vào phương án phòng, chống thiên tai, tổ chức di dời người dân khi có mưa lớn, giao trách nhiệm cho các thôn thường xuyên tuyên truyền giúp người dân chủ động phòng, chống. “Công ty TNHH Trung Sơn được Nhà nước cấp phép khai thác đất đá. Một số đối tượng bên ngoài đã lợi dụng đưa xe tải vào khai thác ngoài lằn ranh được cấp phép làm ảnh hưởng đến môi trường và các hộ dân. Xã đã phát hiện 3 trường hợp vi phạm và đang phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường Nha Trang kiến nghị UBND TP. Nha Trang làm thủ tục thu hồi đất vĩnh viễn”, ông Pháp nói.

Bà Kiều lo nước tràn vào nhà bởi nạn khai thác đất trái phép

Ông Võ Ngọc Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh: Tại khu vực Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa hiện nay có 3 công trình cần xử lý chống lũ là: hệ thống chống lũ tại khe suối Thung; xử lý điểm xung yếu của điểm giao nhau giữa mương thoát lũ phía bắc khu dân cư Đường Đệ với hệ thống thoát nước Khu nhà biệt thự Incomex Sài Gòn và công trình nạo vét bùn đất hệ thống thoát lũ khu dân cư Đường Đệ. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có công trình chống lũ tại khe suối Thung đang được triển khai xây dựng, đảm bảo thoát lũ an toàn cho khu dân cư năm 2016 đã bị nước lũ làm hỏng 4 ngôi nhà kiên cố. Công trình này bao gồm hệ thống trụ pin 4 lớp, có thể ngăn đất, đá tràn xuống khu vực dân cư, đồng thời có kênh tiêu năng áp lực nước, đưa nước chảy ra biển. Tổng kinh phí công trình 15 tỷ đồng, sẽ hoàn thành trong tháng 11.

Ông Ngũ Quốc Việt – Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước cho hay, mùa mưa bão, trên địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: sạt lở đất, sập nhà chồ ven sông… Phường đã xác định các khu vực nguy hiểm sạt lở là: tổ 12 Sơn Thủy, tổ 13 Phương Mai, tổ 17 và 19 Trường Phúc, tổng cộng 266 hộ; nhà chồ ven sông thuộc khu vực tổ 1, 2, 3 Hà Phước, tổ 6, 7 Hà Ra với 110 nhà. Biện pháp hữu hiệu hiện nay là di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có sự cố. Phường thường xuyên phối hợp các ngành, đơn vị (công an, biên phòng, chi cục thủy sản…) tuyên truyền công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, vận động tàu cá không neo đậu tại cầu Xóm Bóng; khi có mưa bão thì tìm nơi trú ẩn an toàn… Phường cũng đã chuẩn bị 30 áo phao, 30 phao, dây thừng, đèn pin, loa và hàng trăm bao cát… để chủ động ứng cứu khi tình hình diễn biến phức tạp.

Theo thống kê, TP. Nha Trang có hàng chục điểm ngập lụt, vùng trũng gây chia cắt giao thông trong mùa mưa bão, trong đó có nhiều điểm ngập sâu cần đặt biển cảnh báo. Gần đây, đã xuất hiện nhiều vùng trũng giáp khu đô thị mới có thể bị cô lập trong mùa mưa bão. “Chúng tôi đang tăng cường kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND thành phố xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm làm hư hại và mất an toàn, giảm tuổi thọ công trình phòng tránh thiên tai như: đê điều, hồ đập, công trình chống úng, chống hạn, chống sạt lở, khu neo đậu tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và các công trình khác; đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ trước khi cao điểm mùa mưa bão đến”, ông Đào Thanh Tùng – Trưởng phòng Kinh tế TP. Nha Trang cho biết.

Theo ông Tùng, hiện nay, thành phố vẫn còn một số công trình phòng, chống thiên tai chưa triển khai vì nhiều lý do như:  nạo vét bùn hệ thống thoát lũ khu dân cư Đường Đệ; giải pháp thoát nước thuộc khu đô thị Lê Hồng Phong I… Thành phố rất mong tỉnh, các sở, ngành quan tâm giải quyết vướng mắc để các công trình này sớm được triển khai, góp phần giảm thiểu thiệt hại khi mùa mưa bão tới.

Quang Viên

Theo: Báo Khánh Hòa