UBND TP. Nha Trang vừa họp bàn về phương án tổ chức di dời, hỗ trợ các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố để phòng, chống cháy nổ, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc di dời phải có lộ trình phù hợp, cần tính toán kỹ để tránh phát sinh các vấn đề bất cập.
Gần một nửa cơ sở không phép
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang, toàn thành phố hiện có 166 cơ sở thu mua phế liệu với 690 nhân khẩu và 349 lao động sinh sống phụ thuộc chủ yếu vào việc thu mua phế liệu. Riêng khu vực 19 phường nội thành có 53 cơ sở thu mua phế liệu, trong đó có 25 cơ sở có đăng ký kinh doanh, 28 cơ sở không đăng ký kinh doanh. Đối với 8 xã ngoại thành, có 113 cơ sở thu mua phế liệu, trong đó có 67 cơ sở đăng ký kinh doanh và 46 cơ sở không đăng ký kinh doanh.
Kết quả kiểm tra, hầu hết các cơ sở thu mua phế liệu đều vừa là điểm kinh doanh, vừa là nhà ở gia đình, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao do các hoạt động sinh hoạt hàng ngày gây ra như: nấu ăn, hút thuốc, sử dụng các thiết bị điện. Trong khi đó, ý thức của các chủ cơ sở về phòng cháy chữa cháy (PCCC), vệ sinh môi trường còn kém. Đa số các trường hợp đều không trang bị hệ thống PCCC, chưa nắm được kỹ năng thoát nạn, phòng chống cháy nổ. Nhiều địa phương đã buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này, để phát sinh các trường hợp kinh doanh mới, trong khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền… Cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với 23/53 cơ sở có vi phạm trên các lĩnh vực hoạt động kinh doanh, PCCC và mất trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị với tổng số tiền phạt hơn 69 triệu đồng, tạm giữ 8 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…
Di dời có lộ trình
UBND TP. Nha Trang đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh thu mua phế liệu; quy hoạch các điểm thu mua phế liệu; điều kiện đảm bảo PCCC; điều kiện đảm bảo môi trường… Mặt khác, UBND thành phố xây dựng dự kiến lộ trình di dời các cơ sở thu mua phế liệu. Theo đó, đối với các cơ sở chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh buộc phải chấm dứt hoạt động từ ngày 31-12-2018, thành phố hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định, bằng 50% mức hỗ trợ các cơ sở có giấy phép kinh doanh. Đối với các cơ sở đã có giấy phép kinh doanh khu vực nội thành, chấm dứt hoạt động trước 30-6-2019; các cơ sở có giấy phép kinh doanh khu vực ngoại thành, chấm dứt hoạt động trước 31-12-2019; đồng thời hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bằng 100% mức hỗ trợ theo quy định. Cơ sở nào tiếp tục kinh doanh phế liệu phải có giấy phép kinh doanh và tự di chuyển ra khu vực ngoại thành, cách khu dân cư 500m.
Trước thông tin trên, chủ những cơ sở thu mua phế liệu đều tỏ ra rất lo lắng. Ông Lê Văn Hải – chủ cơ sở kinh doanh phế liệu trên đường Phương Sài cho biết: “Nhà cửa gia đình tôi ổn định ở đây, bây giờ biết di chuyển đi đâu? Còn chuyển đổi nghề nghiệp thì khó, vì cả gia đình đã quen làm nghề này rồi, bây giờ cũng đã lớn tuổi nên không biết làm việc gì để có thu nhập”. Bà Lê Thị Thu – chủ cơ sở thu mua phế liệu ở đường số 4, phường Phước Hải cũng cho hay, bà đã đăng ký giấy phép và đầu tư gần 400 triệu đồng để kinh doanh. “Chuyển ra ngoại thành sẽ khó khăn hơn, vì bạn hàng mỗi ngày không đủ sức đạp xe cả chục km để giao hàng. Nếu bị buộc chấm dứt hoạt động chắc tôi phải kiếm nghề khác”.
Ông Lê Hữu Thọ – Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố giao Phòng Quản lý đô thị phối hợp với các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện phương án di dời trên cơ sở góp ý của các ban, ngành. Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá cơ sở kinh doanh phế liệu có phép ở khu vực nội thành nào có nguy cơ cháy nổ cao thì phải chấm dứt hoạt động càng sớm càng tốt, cố gắng trước tháng 12-2018.
Minh Thiết
Theo: Báo Khánh Hòa