Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nha Trang, miền đất lành

Từ làng chài hoang sơ những năm đầu thế kỷ XX, Nha Trang đã trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với hàng trăm khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 4 – 5 sao. Sự chuyển mình của Nha Trang rõ nét nhất khi nhiều doanh nhân người Việt ở Đông Âu trở về đầu tư du lịch ở thành phố biển từ những năm 2000…

Từ một vùng đất hoang sơ…


Nếu lịch sử xây dựng và phát triển Khánh Hòa đến nay đã 370 năm thì lịch sử đô thị Nha Trang cũng đã gần đầy 1 thế kỷ. Ngày 30-4-1924, vua Khải Định ra đạo dụ lấy vùng đất hạ nguồn sông Cái thành lập thị trấn Nha Trang. Khi mới thành lập, thị trấn Nha Trang có 4 làng: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài. 20 năm sau, vua Bảo Đại ra đạo dụ chuyển Nha Trang từ thị trấn lên thị xã.



Một góc Nha Trang. Ảnh: Vĩnh Thành



Lật những tấm ảnh xưa, tôi chợt nhận ra Nha Trang ngày xưa thật hoang sơ. Hình ảnh xưa nhất về Nha Trang chính là tấm ảnh bãi biển Nha Trang do bác sĩ A.Yersin chụp năm 1894 với bãi biển hoang vắng, nhà cửa thưa thớt, cùng với vài chiếc thuyền neo bến. Tiếp đến là quang cảnh xóm Cồn năm 1902, với những mái nhà lúp xúp nằm 2 bên con đường, phía bên kia cửa biển Cù Huân là đồi La San. Những năm sau đó, người Pháp bắt đầu để lại dấu ấn với những công trình kiên cố, như: Bưu điện Nha Trang (ảnh chụp năm 1920), Bệnh viện Nha Trang (1920), Ga Nha Trang (1932), Khách sạn Beau Rivage (1942)… Trong sách xứ Trầm Hương của Quách Tấn, Nha Trang xưa là vùng đất rất hoang sơ: “Phố xá và gia cư người Việt, người Tàu chen chúc từ ga xe lửa đến chợ Đầm. Còn người Pháp ở dọc theo bờ biển, từ Tòa sứ (UBND tỉnh ngày nay) đến Đại Khách sạn (nhà khách T78 hiện nay). Vùng Mả Vòng chưa có nhà cửa… vùng Phước Hải cũng hoang vắng. Nhà cửa thưa thớt. Một phần lớn diện tích là rừng mai”.


Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tuy Nha Trang có thay đổi nhưng cũng không nhiều. Thị xã được mở rộng hơn, nhưng trung tâm vẫn là khu vực quanh chợ Đầm, nhà cao tầng hầu như không có. Khu Xóm Mới – Phước Hải sau lưng nhà thờ Núi vẫn là bãi hoang, lúp xúp nhà tạm bợ của dân nghèo; đường nối Diên Khánh với Nha Trang chỉ vừa cho một chiếc xe ngựa, hai bên đường nhà cửa lác đác giữa ruộng lúa… Trong trí nhớ của nhiều người già, Nha Trang là thị xã ven biển không phát triển lắm về thương mại mà chỉ mạnh về du lịch. Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Văn Ban cho biết: “Cho đến những năm 1960, đường Trần Phú (lúc ấy là đường Duy Tân) chưa phải là trung tâm du lịch như bây giờ. Khách về nghỉ mát chủ yếu ở tại khu vực đường Thống Nhất, Hoàng Văn Thụ…”.

 … Đến một thành phố du lịch hiện đại


Năm 1977, thị xã Nha Trang được nâng lên thành phố với dân số 21 vạn người. Cùng với công cuộc đổi mới, Nha Trang – Khánh Hòa đã có sự phát triển vượt bậc. Ngày nay, Nha Trang đã vươn mình trở thành một đô thị du lịch nổi tiếng với hàng trăm khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 4 – 5 sao, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch/năm. Trong sự đổi thay ấy, không thể không nhắc đến dấu ấn của những doanh nhân người Việt từ Đông Âu trở về đầu tư du lịch. Chuyện bắt đầu từ năm 2001, khi Tập đoàn Vingroup (tiền thân là Technocom) chuyển hướng đầu tư về Việt Nam trên lĩnh vực du lịch – nghỉ dưỡng. Đặt chân đến đảo Hòn Tre (Nha Trang), tỷ phú Phạm Nhật Vượng và kiến trúc sư Claude Cuvelier có cùng ý tưởng biến nơi này thành điểm du lịch hấp dẫn cho Nha Trang. Sau 18 tháng xây dựng, năm 2003, Vinpearl khai trương khu nghỉ dưỡng 5 sao với 500 phòng lưu trú, nhanh chóng trở thành điểm đến thu hút nhất của thành phố biển. Với chiến lược đầu tư bài bản, đón đầu các xu hướng nghỉ dưỡng cao cấp trên thế giới, trong vòng chưa tới 10 năm, Vinpearl đã hình thành tổ hợp đầu tiên tại vùng du lịch biển đẹp bậc nhất Việt Nam. Thành công tại Nha Trang là nền móng để Vingroup mở rộng quy mô Vinpearl ra nhiều vùng miền trên cả nước, trở thành thương hiệu du lịch hàng đầu Việt Nam.



Khu du lịch Vinpearl trên đảo Hòn Tre, TP. Nha Trang.



Đất lành chim đậu! Tiếp sau đó, nhiều nhà đầu tư du lịch đã đến với Nha Trang, để rồi từ đó ra đời những khu resort nổi tiếng, như: Hòn Tằm, Amiana, Champa Island, bến du thuyền Ana Marina… và sắp tới đây là Vega City. Các thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới như: Novotel, Sheraton… cũng xuất hiện ở thành phố biển. Trong làn sóng đầu tư vào Nha Trang có sự góp mặt của nhiều doanh nhân từ các nước Đông Âu trở về, trong đó có ông Lê Xuân Thơm – Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng. Ông Thơm chia sẻ: “Trở về Việt Nam năm 2008, tôi bỏ ra 21 ngày, đi suốt từ Bắc vào Nam, rảo khắp Đà Nẵng, Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt… Cuối cùng, tôi thấy Nha Trang là nơi tốt nhất để đầu tư du lịch, vì nơi đây không chỉ có cảnh biển đẹp tuyệt vời mà thời tiết cũng rất thuận lợi, nắng ấm gần như quanh năm. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy lựa chọn để đầu tư kinh doanh và sống ở Nha Trang là quyết định rất đúng đắn”.


Trong cuốn sách Ba năm ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước (Mes Trois Ans d’Annam”, xuất bản 1910), bà Gabrielle Maude Candler Vassal (từng sống ở Nha Trang từ năm 1904-1907) đã nhắc đến Nha Trang như một vùng đất đẹp và buồn, du khách hiếm có chỗ trú ngụ. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, từ một làng chài nghèo, Nha Trang đã trở thành một thành phố du lịch đẳng cấp quốc tế. Và thành phố này đang đẹp hơn mỗi ngày!



Theo các nhà nghiên cứu, địa danh Nha Trang bắt nguồn từ tiếng Chăm là Ea Tran hay Yjatran ( Ea hay Yja trong tiếng Chăm có nghĩa là con sông; Tran trong tiếng Chăm có nghĩa là lau lách, lau sậy. Gộp lại Ea Tran hay Yjatran có nghĩa là con sông nhiều lau sậy).


THÀNH NGUYỄN

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/ky-niem-370-nam-hinh-thanh-phat-trien-tinh-khanh-hoa/202304/nha-trang-mien-dat-lanh-8278417/