Mặc dù theo dự báo, tâm bão số 9 sẽ không đi vào Khánh Hòa, song công tác ứng phó vẫn được lãnh đạo thành phố Nha Trang thực hiện gấp rút và nghiêm ngặt.

Ngay từ sáng 23-11, lãnh đạo TP. Nha Trang đã xuống từng xã phường để nắm tình hình cũng như chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác ứng phó bão số 9. Ông Lê Hữu Thọ – Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) thành phố cho biết, tuy tâm bão không còn đi thẳng vào Khánh Hòa, song công tác ứng phó vẫn được thực hiện nghiêm ngặt, bởi nguy cơ mưa lớn, gây sạt lở, lũ quét tiềm ẩn rất cao. Công tác theo dõi diễn biến thời tiết, thông báo, hướng dẫn, yêu cầu người dân chủ động phòng chống, chằng chống nhà cửa, bảo quản tài sản được thực hiện liên tục. “Chúng tôi tổ chức rà soát vùng ven biển, ven sông, ven suối, ngập lụt sâu, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng xung yếu, nguy hiểm; đảm bảo cơ sở vật chất để di dời, sơ tán dân đến chỗ ở tạm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân; tổ chức cắm các biển báo nguy hiểm, chốt chặn tại các vị trí này, kiên quyết không cho người dân trở lại khu vực nguy hiểm khi mưa, bão chưa tan, tránh xảy ra thương vong. Việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân tự bảo quản tài sản của mình, chấp hành nội quy, quy định, không làm hư hại tài sản tại nơi được bố trí đến ở tạm đều được các địa phương thực hiện nghiêm túc” – ông Thọ nói.

Người dân phường Vĩnh Trường được đưa về nơi an toàn.
Người dân phường Vĩnh Trường được đưa về nơi an toàn.

Đến chiều 23-11, công tác ứng phó đã cơ bản được thực hiện theo kế hoạch. Tại khu vực Hòn Rớ, vào hồi 16 giờ đã có hơn 600 tàu thuyền vào tránh trú. Tại đây, ngư dân được tuyên truyền, hướng dẫn nơi neo đậu. Đối với bến tàu du lịch Cầu Đá, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã không cho các tàu, thuyền xuất bến đưa du khách đi tham quan vịnh và các đảo. Các hoạt động tham quan, vui chơi trên biển, tắm biển đã được ban yêu cầu tạm dừng. Ban cũng đề nghị các cơ sở đang có du khách lưu trú trên các đảo thực hiện gia cố, chằng néo công trình, đưa du khách vào nơi trú ẩn an toàn khi có mưa lớn, bão đến, phòng tránh sạt lở đất đá. Hơn 400 phương tiện chuyên chở khách hằng ngày đi tham quan đã được sơ tán di chuyển vào nơi an toàn tại cửa sông Quán Trường, TP. Nha Trang.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Tại các phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Hòa và các xã Vĩnh Lương, Phước Đồng, lãnh đạo địa phương đã yêu cầu các chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản, các bè dịch vụ thực hiện gia cố ô, lồng, buộc chặt, bổ sung neo, phủ bạt mặt ô, di dời các lao động trên lồng bè vào đất liền để tránh trú bão. Những trường hợp cố tình không di dời, UBND xã, phường đã thực hiện cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Các địa phương cũng phối hợp với các đồn, trạm biên phòng đóng chân trên địa bàn kiểm đếm tàu thuyền, thông báo, hướng dẫn chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền, tránh trú an toàn, yêu cầu các chủ phương tiện không được khai thác thủy sản trong thời gian có lệnh cấm. Bên cạnh đó, không cho phép các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền tại các chân cầu, trụ cầu tránh làm gãy cầu.

Tàu thuyền đã về tránh trú an toàn tại khu vực Hòn Rớ.
Tàu thuyền đã về tránh trú an toàn tại khu vực Hòn Rớ.

Công tác di dời dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cũng được các địa phương thực hiện gấp rút. Mặc dù một số khu vực, nhiều người dân vẫn cố tình nán lại nhà, song được tuyên truyền, vận động nên đến 17 giờ, việc di dời đã cơ bản hoàn thành. Ông Nguyễn Tiến Luật – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết: “Tuy một số hộ dân vẫn còn chủ quan vì cho rằng bão không vào Nha Trang. Tuy nhiên đến cuối giờ chiều việc di dời dân cơ bản theo đúng kế hoạch. Người dân được di dời về các nhà văn hóa, trường học và trạm biên phòng. Ở các khu vực này, thức ăn, nước uống được chuẩn bị sẵn để người dân có thể sinh hoạt bình thường. Những trường hợp chưa di dời cũng sẽ bị cưỡng chế di dời, đảm bảo không có người dân nào được ở lại khu vực nguy hiểm”.

Đối với phường Vĩnh Trường, công tác di dời được tiến hành thuận lợi hơn, hầu như tất cả các hộ dân đều ý thức được những nguy hiểm nên đã tự động chuyển về ở nhà người thân và các trường học của phường. Ông Nguyễn Bá Thuận – Chủ tịch UBND phường cho biết, phường có 240 hộ thuộc diện phải di dời. Đến 16 giờ, việc di dời cơ bản hoàn thành. Phường đã bố trí các phương tiện vận chuyên đồ đạc cho người dân. Các gia đình có người già và trẻ nhỏ đều được lực lượng dân phòng, công an giúp đỡ di chuyển.

          Đình Lâm – Minh Thiết

Theo: Báo Khánh Hòa