Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nha Trang: Đề xuất hỗ trợ người dân có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án

Hàng chục héc-ta đất sản xuất nông nghiệp của TP. Nha Trang đang bị ảnh hưởng bởi nhiều dự án đầu tư hạ tầng, khu đô thị (KĐT). UBND TP. Nha Trang đang đề xuất, xin ý kiến tỉnh cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ 1 lần cho người dân có đất bị ảnh hưởng…

 Gần 30ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng

Theo UBND TP. Nha Trang, tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 28 dự án đầu tư với tổng diện tích đất dành cho các dự án này là hơn 674ha. Trong số đó, có 11 dự án đang triển khai thi công trên diện tích khoảng 307ha; 17 dự án (366,87ha) đang trong giai đoạn thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Khu đô thị Vĩnh Trung là 1 trong 6 dự án ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Nha Trang.

Kết quả rà soát các dự án cho thấy, có 6 dự án ảnh hưởng đến gần 30ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn 3 xã, gồm: KĐT Mỹ Gia, KĐT Phúc Khánh 1, KĐT Phúc Khánh 2, KĐT Vĩnh Trung, đường Nha Trang – Diên Khánh và Hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh đến đầu sông Tắc. Trong đó, xã Vĩnh Trung bị ảnh hưởng 8ha, Vĩnh Hiệp hơn 1,5ha, Vĩnh Thái gần 20ha. Những diện tích sản xuất nông nghiệp  chủ yếu là trồng lúa này đang bị cô lập và phải bỏ hoang bởi hoạt động tôn tạo mặt bằng của các dự án. Đồng ruộng không tiếp cận được với hệ thống thủy lợi nên bị ngập úng do không thoát được nước, hoặc bị khô hạn vì không được cấp nước. Trong đó, có gần 12,9ha không có nguồn nước và trên 16,4ha bị ngập úng.

Những năm gần đây, thông qua các đợt tiếp xúc cử tri, người dân TP. Nha Trang có đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án đã nhiều lần đề nghị Nhà nước xem xét hỗ trợ.

Đề xuất hỗ trợ 1 lần

Lãnh đạo UBND TP. Nha Trang cho biết, từ tháng 7-2017, trước kiến nghị của cử tri xã Vĩnh Trung, UBND TP. Nha Trang đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ 1 lần đối với diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho các hộ dân nằm trong vùng có diện tích bị ảnh hưởng; sớm kêu gọi đầu tư thực hiện để quy hoạch được đồng bộ.

Trước mắt, UBND TP. Nha Trang một mặt tiếp tục tập trung các giải pháp duy trì diện tích sản xuất nông nghiệp hiện có; mặt khác, đối với những thửa đất nhỏ, da beo, không thể tiếp tục sản xuất được, trên cơ sở phù hợp với quy hoạch, UBND TP. Nha Trang cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Về điều kiện được chuyển đổi, đối với những thửa đất nông nghiệp nằm xen kẽ, đang bị bao vây bởi nhà cửa, công trình, có diện tích nhỏ và không nằm trong quy hoạch của các dự án sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp và đất ở nếu đảm bảo được các điều kiện: thửa đất chuyển đổi nằm trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt; nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện “hạ tầng khu vực phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của TP. Nha Trang và phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn”.

Như vậy có thể hiểu, vùng đồng ruộng tập trung không thể sản xuất được do ảnh hưởng bởi các dự án đang được TP. Nha Trang đề xuất UBND tỉnh chủ trương hỗ trợ 1 lần giống như trường hợp 40ha sản xuất nông nghiệp ở khu vực Đồng Cói, Vĩnh Thái cách đây chừng 5 năm. Các trường hợp nơi đây tùy vào việc đang sử dụng diện tích đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 hay đang canh tác trên đất nông nghiệp thuộc quỹ đất 5% công ích của xã, Nhà nước sẽ có những hỗ trợ thiệt hại do phải bỏ hoang vì không có nước sản xuất.

Theo UBND TP. Nha Trang, đến nay, thành phố vẫn chưa nhận được phúc đáp của UBND tỉnh về đề xuất này. Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục có văn bản kiến nghị tỉnh xem xét. Ngoài ra, đối với khu đất sản xuất nông nghiệp còn lại chưa bị ảnh hưởng bởi các dự án, UBND TP. Nha Trang kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư cần đánh giá chi tiết mức độ ảnh hưởng của việc triển khai dự án đến các khu vực lân cận và có đề xuất thu hồi giải phóng mặt bằng 1 lần để tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân.

HỒNG ĐĂNG

 

Theo: Báo Khánh Hòa