Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nha Trang: Chú trọng quản lý thuế kinh doanh vận tải

Hoạt động kinh doanh vận tải ở TP. Nha Trang ngày càng phát triển, góp phần tăng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, việc quản lý thuế lĩnh vực này còn gặp không ít khó khăn. Vì vậy, Chi cục Thuế thành phố đã và đang chú trọng triển khai các biện pháp quản lý thu, chống thất thu thuế.

Kết quả bước đầu

Hiện nay, Chi cục Thuế TP. Nha Trang quản lý 1.019 phương tiện vận tải của 389 doanh nghiệp (DN) và 1.076 phương tiện vận tải của 978 hộ kinh doanh. Theo ông Nguyễn Văn Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Nha Trang, thời gian qua, chi cục thuế đã tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động vận tải; kiểm tra việc niêm yết giá của các đơn vị vận tải hành khách trong các dịp cao điểm. Cơ quan thuế còn rà soát những DN có rủi ro về thuế để bổ sung kế hoạch kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế… Mặt khác, năm 2019, số DN kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố tăng 16,4% so với năm trước và số hộ tăng 1,98%, chủ yếu do hoạt động du lịch phát triển. Nhờ vậy, số thu ngân sách những tháng đầu năm trong lĩnh vực này tăng.

Hoạt động kinh doanh vận tải ở TP. Nha Trang.

Ước tính 7 tháng năm 2019, Chi cục Thuế TP. Nha Trang thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh vận tải hơn 52,3 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số thu từ DN hơn 39,1 tỷ đồng, thu từ hộ kinh doanh hơn 13,1 tỷ đồng.

Sẽ xây dựng các chuyên đề chống thất thu

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh vận tải còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Hầu hết hộ kinh doanh vận tải có quy mô nhỏ, không thực hiện chế độ sổ sách kế toán, chủ yếu nộp thuế theo phương pháp khoán. Các đội thuế xã, phường gặp nhiều khó khăn trong việc đôn đốc các hộ kinh doanh nộp thuế do chủ xe thường xuyên không có mặt tại địa chỉ cư trú. Mặt khác, một cá nhân kinh doanh nhiều đầu phương tiện, khi tăng thêm phương tiện lại không tự giác kê khai. Đối với xe du lịch, giá cả biến động theo từng hợp đồng, đa số thỏa thuận miệng giữa chủ xe và khách. Đối với vận tải hàng hóa, chỉ có một số hàng hóa có hợp đồng vận chuyển, hóa đơn, chứng từ, còn lại là thỏa thuận miệng. Một số trường hợp xe đã qua mua bán nhưng không thay tên, đổi chủ, không đăng ký thuế. Vì vậy, cơ quan chức năng gặp trở ngại trong việc quản lý. Ngoài ra, cá nhân kinh doanh đăng ký nộp thuế tại nơi cư trú nhưng hoạt động ở địa bàn khác nên công tác kiểm tra việc ngưng, nghỉ kinh doanh gặp khó…

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, các DN vận tải thường có các sai sót trong việc kê khai thuế như: kê khai thiếu doanh thu; kê khai chi phí nhiên liệu vượt định mức hoặc không phù hợp với doanh thu. Một số trường hợp không thanh toán qua ngân hàng đối với hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên; hạch toán chi phí khấu hao, chi phí nhân công không đúng thực tế…

Thời gian tới, Chi cục Thuế thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tình hình kê khai thuế của các DN, hộ kinh doanh; xây dựng các chuyên đề chống thất thu đối với hoạt động vận tải để có biện pháp xử lý sai sót trong kê khai thuế, huy động kịp thời số thuế nộp vào ngân sách. Đơn vị sẽ thường xuyên phối hợp với bộ phận cấp giấy phép rà soát các hộ, cá nhân đăng ký kinh doanh mới để hướng dẫn kê khai, đăng ký nộp thuế theo quy định. Bên cạnh đó, thực hiện khảo sát doanh thu của cá nhân kinh doanh; kiểm tra việc niêm yết giá, chấp hành chính sách pháp luật về giá của các đơn vị; kiểm soát các hộ xin nghỉ kinh doanh nhưng thực tế vẫn hoạt động; đôn đốc các DN nộp hồ sơ khai thuế đúng thời hạn; tăng cường xử lý các trường hợp để dây dưa nợ thuế…

Song song đó, cơ quan thuế kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan phối hợp trong việc rà soát các DN, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải để có thể quản lý số lượng đầu xe của từng cá nhân, đơn vị kinh doanh. Từ đó, tránh bỏ sót các trường hợp cần quản lý thuế, chống thất thu ngân sách.

NGUYỄN KIM

Theo: Báo Khánh Hòa