UBND TP. Nha Trang vừa thông qua phương án ứng phó thiên tai. Đây được xem là việc làm chủ động và cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi xảy ra mưa lũ, sạt lở đất…
Xác định 80 điểm xung yếu sạt lở đất
Trong phương án ứng phó thiên tai năm 2019 mà UBND TP. Nha Trang vừa ban hành, có 80 điểm xung yếu có khả năng xảy ra sạt trượt, lở đất đá khi xảy ra mưa lớn tại 19/27 xã, phường của TP. Nha Trang. Trong đó, xã Phước Đồng có nhiều điểm xung yếu nhất với 13 điểm, như: khu vực dọc triền núi, ven suối tràn – thôn Phước Sơn; dọc triền núi, ven suối Ván – thôn Phước Thượng; dọc theo triền núi, ven suối Gáo, suối Khô núi Hòn Thị, Gò Bông – thôn Phước Điền; dọc theo triền núi Xanh – thôn Phước Lộc, thôn Phước Hạ; dọc theo triền núi khu vực xóm núi chùa Lâm Tỳ Ni – thôn Thành Phát; dọc theo triền núi Hòn Rớ khu dự án Sea Park xóm Mũi – thôn Thành Đạt… Tại các phường được xác định trọng điểm sạt lở còn có phường Phương Sơn chủ yếu ở khu vực đồi Trại Thủy, dưới chân chùa Hải Đức, chùa Long Sơn; phường Vĩnh Trường ở các tổ dân phố: Trường Sơn, Trường Đông, Trường Thọ, Trường Hải.
Trong tình hình mưa lớn, Nha Trang cũng xác định 89 điểm sẽ xảy ra ngập, trong đó có 40 điểm ngập đường và 49 điểm ngập khu dân cư. Các xã, phường gồm: Phước Đồng, Vĩnh Trung, Vĩnh Phương, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp, Phước Long, Phước Hòa là những địa phương có từ 6 đến 12 điểm ngập úng khi mưa lớn.
Hơn 31.000 người dân sẽ phải sơ tán
Trong điều kiện xuất hiện mưa từ 200 đến 500mm từ 2 đến 4 ngày và mưa 500mm trên 4 ngày (rủi ro thiên tai cấp độ 2 – 3), thành phố sẽ tiến hành sơ tán người dân khỏi nơi xung yếu. Qua thực tế, mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người vào năm 2018, hầu hết các khu vực dân cư nằm ven chân núi ở Nha Trang đều được xác định là những điểm xung yếu, cần phải di dời người dân đến nơi an toàn. Con số thống kê dân cư sinh sống ở các khu vực xung yếu này lên tới 7.513 hộ, 31.350 người dân. Ngoài ra, việc sơ tán người dân cũng được thực hiện trong điều kiện lũ trên các lưu vực sông ở trên báo động 3 đến lũ lịch sử hoặc lũ thiết kế. Lúc này, các hộ ở khu vực vùng trũng thấp, sạt lở phải sơ tán.
Sau quá trình xác định khu vực xung yếu, số hộ dân phải di dời, TP. Nha Trang xây dựng phương án ứng phó chi tiết trong các điều kiện thiên tai khác nhau. Trong đó, nhấn mạnh đến loại hình thiên tai mưa lớn, bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền và lũ quét. Cùng với việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho toàn bộ lực lượng ứng phó gồm hơn 7.200 người chủ yếu là lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện và người dân, Nha Trang cũng đã xác định địa điểm cũng như cách thức di dời người dân, công tác chuẩn bị vật tư, thiết bị, nhu yếu phẩm…
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, trong ứng phó thiên tai, việc đảm bảo tính mạng cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu và là nhiệm vụ quan trọng nhất. Nha Trang có địa hình đồi núi xen kẽ, nguy cơ sạt lở đất ở các khu vực sườn đồi, chân núi khi có mưa lớn kéo dài rất cao. Thực tế cũng đã xảy ra sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng. “Ngoài việc bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, TP. Nha Trang cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư các công trình, dự án phải xây dựng và triển khai các phương án ứng phó cụ thể, hiệu quả khi thiên tai xảy ra; yêu cầu các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức phòng, chống thiên tai, các biện pháp phòng tránh ngăn ngừa sự cố xảy ra tại địa bàn dân cư nhằm giúp người dân chủ động phòng, chống, sẵn sàng chấp hành lệnh khẩn cấp khi có yêu cầu”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa