Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nhà máy nước Tô Hạp: Nỗi lo chất lượng nước đầu nguồn

Nhà máy nước Tô Hạp đang cấp nước cho 1.000 hộ dân thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) và vùng phụ cận. Điều địa phương lo lắng là việc sản xuất đầu nguồn sẽ để lại nhiều hệ lụy đối với chất lượng nước thô cấp về nhà máy.

Sản xuất đầu nguồn nước

Tuy đã được Nhà nước bố trí tái định cư tại làng mới Tà Lương (thị trấn Tô Hạp) nhưng gia đình ông Bo Bo Nghĩa vẫn quay lại làng cũ ở thượng nguồn suối Tà Lương để canh tác do diện tích đất ở làng mới khá eo hẹp, trong khi gia đình ông lại đông con. Để thuận lợi cho việc trồng, chăm sóc 1ha cà phê, 50 cây sầu riêng ở làng cũ, gia đình ông dựng nhà để ở tạm. Lâu dần, nhà tạm trong rẫy thành nơi ở, sinh hoạt chính của gia đình, chỉ những khi có việc gấp ông mới về làng mới.

Nhân viên Nhà máy nước Tô Hạp dọn vệ sinh ở đập thu nước thô tại khu vực suối Tà Lương.

Cách đó không xa, hộ bà Bo Bo Thị Vân (thôn Tà Lương) cũng vừa xuống giống gần 110 cây sầu riêng. Bà Vân cho biết, diện tích đất này gia đình bà canh tác đã mấy chục năm nay. Trước đây chỉ trồng bắp, bây giờ, sầu riêng được giá nên bà mua cây giống về trồng. Hỏi bà Vân canh tác ở đây có ảnh hưởng đến nguồn nước không, bà cho biết ít nhiều sẽ ảnh hưởng bởi trong quá trình sản xuất, các hộ phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong khi diện tích đất sản xuất nằm ven suối.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực thượng nguồn suối Tà Lương hiện có hàng chục hộ đang canh tác. Tại khu vực này, ở nơi có độ dốc cao, người dân trồng keo, bắp…, những nơi đất bằng trồng cà phê, sầu riêng, bưởi. Một số hộ còn dựng nhà để ở, chăn nuôi. Đa số các hộ cho biết, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác là không tránh khỏi, nhất là vào mùa phát nương, dọn rẫy, khi cây trồng bị sâu bệnh. Theo nhân viên bảo vệ đập thu nước của Nhà máy nước Tô Hạp, qua tuyên truyền của chính quyền, người dân đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu như trước đây 10 phần thì nay giảm còn 2 – 3 phần, nhưng quá trình sử dụng sẽ thẩm thấu vào nguồn nước, chất lượng nước thô của nhà máy bị ảnh hưởng.

Tìm hiểu thêm được biết, trước năm 1975, khu vực này là làng của người Raglai bản địa, sau này, Nhà nước vận động di dời các hộ về định canh tại thôn Tà Lương ở gần trung tâm thị trấn. Cách đây khoảng 10 năm, rất nhiều hộ ở thôn Tà Lương đã quay lại làng cũ, phát dọn nương rẫy để lấy đất canh tác. Việc sản xuất duy trì từ đó đến nay. Lý giải về việc này, ông Bo Bo Nghĩa cho hay, do ở làng mới chủ yếu là đất ở, đất canh tác chỉ được vài sào, trong khi làng cũ cách làng mới chỉ 2 – 3km, đất đai bằng phẳng, rất thích hợp để trồng cây nên nhiều gia đình về lại làng cũ để làm rẫy.

Ông Trần Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp cho biết: “Địa phương đã phối hợp với UBND xã Ba Cụm Nam, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn tiến hành rà soát tình hình sản xuất tại thượng nguồn suối Tà Lương. Qua rà soát ban đầu, địa phận thị trấn Tô Hạp có 37 hộ (133 nhân khẩu) đang canh tác trên diện tích 43ha. Khu vực thuộc địa phận xã Ba Cụm Nam quản lý có 63 hộ (223 nhân khẩu) đang canh tác trên diện tích 64,4ha. Tại khu vực này, người dân chủ yếu làm rẫy, trồng bắp, keo, một số đã trồng cây sầu riêng, cà phê… Tới đây, chúng tôi sẽ xác minh cụ thể tình hình sản xuất tại đây để báo cáo UBND huyện xem xét hướng giải quyết”.

Nỗi lo chất lượng nước

Ông Trần Khắc Thành – Giám đốc Xí nghiệp cấp nước huyện Khánh Sơn (Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa) cho hay, trước đây, khi Nhà máy nước Tô Hạp xuống cấp, nước sinh hoạt cho thị trấn Tô Hạp và một số vùng phụ cận là vấn đề bức xúc của huyện Khánh Sơn. Sau khi tiếp nhận nhà máy nước này, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa đã đầu tư 18 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng mới đập dâng đầu nguồn, hệ thống dẫn nước thô, hệ thống xử lý nước sạch tại nhà máy, mạng lưới cấp nước đến từng hộ. Hiện nay, nhà máy cung cấp nước ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn đến 1.000 khách hàng ở thị trấn Tô Hạp và vùng lân cận. Tuy nhiên, việc sản xuất ở đầu nguồn ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy, đơn vị mong muốn huyện có giải pháp để bảo vệ nguồn nước thô cung cấp về cho nhà máy.

Thực tế, nhiều người dân thị trấn Tô Hạp cũng như chính quyền địa phương đều bày tỏ sự lo lắng về chất lượng nước sinh hoạt hàng ngày. Theo họ, tuy Nhà máy nước Tô Hạp được đầu tư xây dựng bài bản, công nghệ lọc, xử lý nước rất hiện đại nhưng việc sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngay đầu nguồn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt cung cấp cho thị trấn Tô Hạp. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân trong quá trình sản xuất, hạn chế sử dụng các loại thuốc xịt cỏ để giảm thiểu tác động đến nguồn nước. Nhờ đó, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở đầu nguồn đã được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, để bảo vệ chất lượng nước đầu nguồn, các cấp, ngành cần tính toán bố trí lại sản xuất ở khu vực này hoặc di dời người dân, bố trí tái định canh, định cư ở khu vực khác.  

     
Theo lãnh đạo huyện Khánh Sơn, để bảo vệ nguồn nước, địa phương đã chỉ đạo UBND thị trấn Tô Hạp phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện tiến hành rà soát cụ thể tình hình sản xuất tại đầu nguồn nước Nhà máy nước Tô Hạp. Trước mắt, tuyên truyền vận động người dân, trong quá trình canh tác giảm thiểu tác động đến nguồn nước. Về lâu dài, địa phương sẽ xem xét việc di dời, bố trí tái định canh, định cư cho các hộ về Khu tái định cư Dốc Trầu vừa mới hoàn thành. Nơi này hiện nay vẫn còn quỹ đất để xây nhà tái định cư, cấp đất tái định canh cho các hộ.

HẢI LĂNG
 

Theo: Báo Khánh Hòa