Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nhà lạ!

Không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về kiến trúc, xây dựng, nhưng ông Nguyễn Văn Phúng (58 tuổi, ở thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đã tự mày mò thiết kế, xây dựng thành công 2 căn nhà khá độc đáo, lạ mắt, được đánh giá như những tác phẩm nghệ thuật.

Độc, lạ nhà ở trên cây

Đến thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng hỏi cơ sở Hoàng Hoa Thôn ai cũng biết đó là nơi ở của gia đình ông Nguyễn Văn Phúng. Cơ sở rộng khoảng 3.000m2, nằm cạnh con suối nhỏ với khung cảnh thơ mộng, yên bình và tĩnh lặng. Bước chân tới nơi đây, ai cũng thích thú, trầm trồ khen ngợi bởi phong cảnh, đến các công trình kiến trúc nhà ở rất khác lạ. Bên ly trà, ông Phúng chia sẻ, ông sinh ra ở Huế, lớn lên vào Nha Trang lập nghiệp. Trước đây, ông chuyên làm nghề mua, bán lốp xe ô tô. Qua những lần đi tham quan, ông tỏ ra mê mẩn với khung cảnh, tiểu cảnh non bộ. Kể từ đó, ông chuyển sang nghiên cứu, thiết kế và xây dựng non bộ, cảnh quan cho gia đình, rồi cho các khu du lịch. Không dừng lại ở đó, ông sưu tầm cả đá cảnh, uốn tạo cây bon sai, phục dựng nhà cổ… Ở hầu hết những công trình, non cảnh, cây cảnh do ông tạo ra đều có những cái mới lạ, khác thường với người đi trước.

Năm 2015, ông Phúng nảy ra ý tưởng và bắt tay vào xây dựng một ngôi nhà trên cây thị gần 100 năm tuổi trước sân. “Ban đầu, người thân trong gia đình can ngăn vì cho rằng việc xây nhà trên cây rất khó thành công. Thế nhưng, khi tôi đã nghĩ ra ý tưởng gì là phải thực hiện cho bằng được”, ông Phúng kể. Chỉ sau gần 3 tháng thi công, ngôi nhà trên cây đã hoàn thành. Công trình độc đáo này được thiết kế hai tầng, trong đó tầng 1 rộng hơn 15m2 làm nơi tiếp khách, tầng 2 rộng hơn 25m2 làm nơi nghỉ ngơi và trưng bày một số đồ vật cổ. Tường của ngôi nhà được làm bằng xốp bọc lưới thép, bên ngoài tô xi măng. Bốn phía đều có cửa sổ nên rất thoáng mát. Phần lớn vật liệu xây dựng căn nhà này được ông Phúng tận dụng từ căn nhà gỗ cũ trước đây đã tháo dỡ.

Ngôi nhà trên cây thị của ông Nguyễn Văn Phúng.

Ông Phúng chia sẻ: “Điều quan trọng là phải tính toán kỹ lưỡng để tạo đối trọng cho toàn bộ trọng lượng ngôi nhà. Thị là cây rất dẻo, ít gãy, chịu lực tốt và gợi nhớ quê hương, làng quê. Khi xây dựng, tôi đã cố định gốc bằng bê tông, làm giá đỡ để tăng thêm sức chịu đựng của cây. Việc sử dụng vật liệu bằng xốp là yếu tố quyết định để ngôi nhà đứng vững”. Quả thật, cơn bão số 12 cuối năm 2017 quét qua, xung quanh cây cối đổ rạp nhưng ngôi nhà trên cây của ông Phúng vẫn đứng vững khiến nhiều người ngạc nhiên. Chính bởi sự độc lạ và chịu được áp lực của thiên nhiên nên nhiều người tò mò tìm đến tham quan, các bạn trẻ chọn làm nơi chụp ảnh cưới.  

Ngôi nhà bằng xốp

Không dừng lại ở đó, sau khi ngôi nhà trên cây được hoàn thành, ông Phúng lại nảy ra ý tưởng và bắt tay ngay vào xây dựng một ngôi nhà bằng vật liệu xốp nằm cạnh ngôi nhà trên cây thị. Đến nay, công trình đã hoàn thành được hơn 5 tháng với 1 trệt 2 lầu, diện tích hơn 100m2. Ông Phúng kể: “Bộ khung của công trình tôi xây dựng bằng bê tông, cốt thép. Các vách tường thì tôi sử dụng vật liệu xốp bọc lưới thép, bên ngoài tô xi măng nhằm giảm áp lực cho công trình. Toàn bộ công trình không sử dụng sơn màu hoặc vôi, ve, chất phụ gia để tạo màu. Do vậy, khi xây dựng công trình này, tôi phải trực tiếp đi chọn vật liệu và hàng ngày bám sát thi công”.   

Ngôi nhà bằng xốp, tác phẩm nghệ thuật độc lạ của ông Nguyễn Văn Phúng.

 
Nhìn từ xa, không ai nghĩ đây là một căn nhà mà đúng hơn là một tác phẩm nghệ thuật. Bởi ở công trình ấy được tác giả khoác lên sự gợi tưởng về các công trình kiến trúc cổ xưa trên thế giới. Đó là sự thấp thoáng của kiến trúc Ai Cập cổ đại trong việc xây dựng công trình bằng đá nặng nề và không sử dụng vôi vữa, chất kết dính mà được kết nối với nhau bằng trọng lực. Đó còn là sự mô phỏng công trình kiến trúc của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Căn nhà như được phủ lên màu thời gian khi một số trụ, vách tường được thiết kế như bị rạn nứt, đổ gãy. Ấn tượng nhất là các cột của căn nhà có hình tượng những chú cá chép vượt vũ môn. Với những con đã vượt lên trên đỉnh thì hình hài hóa rồng. Ở trước cổng chính, ông Phúng đặt 2 bức tượng chó đá hay gọi là mẫu cẩu, biểu tượng nét văn hóa thuần Việt cổ xưa. Chính ý tưởng ấy đã tạo ra sự độc đáo, khác lạ cho căn nhà bằng xốp.   

Ông Phúng chia sẻ: “Tôi rất mê các công trình kiến trúc cổ. Vì vậy, tôi lấy ý tưởng đó để mô phỏng lại căn nhà này, nhưng đồng thời phải tạo ra được dấu ấn riêng cho mình. Hiện tôi đang sưu tầm các loại lốp xe ô tô để thực hiện một công trình độc đáo khác mà hiện nay ở Việt Nam chưa có để trở thành một địa điểm tham quan cho du khách khi đến Nha Trang – Khánh Hòa.

VĂN GIANG

Theo: Báo Khánh Hòa