Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Nhà báo nhớ chuyện tác nghiệp ở Trường Sa

Nghề báo cho chúng tôi cơ hội được đi đây đi đó, mỗi chuyến đi là một dịp trải nghiệm với những kỷ niệm khó quên. Nhưng trong lòng mỗi người làm Báo Khánh Hòa, đặc biệt và tự hào nhất vẫn là những lần tác nghiệp ở Trường Sa.

. Phóng viên Vĩnh Thành: Những chuyến đi ấm tình


Có cơ hội được 3 lần tham gia các chuyến công tác ở Trường Sa vào các năm 2015, 2016, 2017, mỗi chuyến đi với tôi đều là một kỷ niệm khó quên. Mỗi lần trở lại, tôi lại thấy Trường Sa có những đổi mới với cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp khang trang, hiện đại hơn. Nhưng điều để lại ấn tượng nhất trong tôi vẫn là tình cảm, sự mến khách của quân, dân trên đảo.




Ở Trường Sa, các cán bộ, chiến sĩ, người dân đến từ nhiều vùng miền khác nhau nên khi có đoàn công tác ghé thăm đảo, cảnh thường gặp là người trên đảo lại đi tìm những người đồng hương với mình để được gọi nhau một tiếng “Quê ơi”, mời nhau miếng bánh, chén trà. Trong điều kiện vẫn còn khó khăn, luôn phải nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhưng quân và dân trên đảo luôn giữ được tinh thần lạc quan, mến khách đến lạ. Có lần, đến thăm đảo An Bang vào dịp trước Tết, thời tiết lúc đó rất khắc nghiệt với sóng to, gió lớn quần quanh đảo suốt ngày nên việc trồng và chăm sóc được những luống rau xanh rất khó khăn. Vậy nhưng khi đoàn công tác chúng tôi vào đảo, những cán bộ, chiến sĩ trên đảo lại vui vẻ chia sẻ với đoàn những phần rau xanh quý giá ấy. Hay ở thị trấn Trường Sa, mỗi lần ghé thăm, người dân lại làm sẵn những bông hoa từ vỏ ốc biển để tặng chúng tôi làm món quà lưu niệm khi trở về đất liền… Vậy nên, mỗi lần đến Trường Sa, tôi lại có thêm những người bạn, người anh em ở đảo.

. Phóng viên Thanh Trúc: Trọn vẹn cảm xúc


Tháng 4-2021, được sự phân công của lãnh đạo cơ quan, tôi may mắn lần đầu tiên được đến tác nghiệp ở Trường Sa trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Chuyến hải trình 10 ngày nhưng để lại trong tôi nhiều ấn tượng không thể phai nhòa trong cuộc đời làm nghề. Xác định được lãnh đạo phân công thực hiện tuyên truyền thông tin cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 là nhiệm vụ trọng tâm, tôi đã nhanh chóng triển khai công việc. Điều thú vị và đặc biệt đối với tôi là khi được tiếp xúc với những người lính tuổi đôi mươi, lần đầu được phân công ra thực hiện nhiệm vụ ở huyện Trường Sa cũng là những người đầu tiên được cầm lá phiếu đi bầu cử ngay trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.




Như các anh, chị đồng nghiệp khác, việc tác nghiệp giữa biển, đảo đối với phóng viên cực kỳ khó khăn. Chúng tôi miệt mài tác nghiệp dưới cái nắng gay gắt của Trường Sa. Mỗi người một cơ quan, đơn vị công tác, song khi tới đây, ai cũng tranh thủ ghi lại thật nhiều thông tin, hình ảnh về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo, điểm đảo.


Với tôi, chuyến đi không chỉ là một trải nghiệm mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ tuyên truyền nhiều hơn về Trường Sa với tinh thần “Cả nước vì Trường Sa – Trường Sa vì cả nước”.

Phóng viên Nhân Tâm: Dư âm nhiều kỷ niệm đẹp


Được tham gia những chuyến công tác đến với vùng biển đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc là điều may mắn đối với tôi. Để đến bây giờ, dù nhiều năm đã qua, song dư âm Trường Sa, ký ức về Trường Sa vẫn luôn in đậm trong tâm trí.




Nhớ năm 2009, khi đó tôi mới được nhận vào làm việc tại Báo Khánh Hòa nhưng Ban Biên tập đã tạo điều kiện cho tôi tham gia đoàn công tác của tỉnh đi thăm các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong lần đầu tiên ra khơi, thật nhiều điều mới lạ, bất ngờ ùa đến với tôi. Đó là niềm hân hoan mỗi khi đứng trên boong tàu HQ 996 nhìn về phía xa xa giữa bao la biển trời là những hòn đảo nổi, đảo chìm với lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay trong gió. Từ đảo Trường Sa Lớn qua Trường Sa Đông; từ Nam Yết rợp mát bóng dừa đến Sinh Tồn bạc đầu sóng vỗ; từ Song Tử Tây rộng lớn đến đảo chìm Đá Tây…, tới đâu tôi cũng cố gắng thu vào mắt mình những hình ảnh nhiều nhất. Tôi đã vui biết bao khi được gặp những người đồng hương đang làm nhiệm vụ trên các đảo; được những gia đình ngư dân ở Trường Sa kéo về nhà ăn cơm. Đặc biệt, tôi đã được ở lại với các chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa Đông, để khi đêm xuống, tôi vẫn nghe rõ bản hợp âm ầm ào sóng gió.


Gần 5 năm sau, tôi lại được đến với Trường Sa trong chuyến hải trình cuối năm. Với cá nhân tôi, chuyến đi lần thứ 2 này mang đến cảm giác như trở về nhà. Từ hình ảnh con tàu HQ 996 thân quen, đến các đảo Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Nam, Đá Thị, Song Tử Tây… và thật mừng với sự thay đổi khang trang của những nơi đến. Tôi nhớ mãi được lãnh đạo đảo Nam Yết tạo điều kiện tối đa để thực hiện việc ghi hình, tác nghiệp hoạt động chiến sĩ chuẩn bị đón Tết; dự lễ chào cờ trong buổi sáng đầu tiên của năm 2014 trên đảo Sơn Ca; tham gia gói và thức canh nấu bánh chưng với người dân trên đảo Song Tử Tây; đi lễ chùa đầu năm ở đảo Sinh Tồn; được một chiến sĩ trên đảo Đá Nam bơi theo xuồng để tặng 2 vỏ ốc biển; cùng với các chiến sĩ trồng cây lưu niệm… Những kỷ niệm với tôi như mới ngày hôm qua, để mỗi lần chạm tới không khỏi bồi hồi, xao xuyến.

. Phóng viên Thanh Long: Mong Trường Sa ngày càng phát triển


Hơn 12 năm làm việc tại Báo Khánh Hòa, tôi vinh dự 2 lần được tòa soạn cử đi tác nghiệp ở Trường Sa. Tôi nhớ mãi phút giây nghiêng mình tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại giữa lòng biển khơi ở khu vực đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma trong lần đầu đến với Trường Sa năm 2010; hay tự hào cất lên giai điệu Quốc ca trong lễ chào cờ cùng quân và dân thị trấn Trường Sa năm 2016… Tôi nhớ những lần hồi hộp, mong cho đường truyền Internet không bị gián đoạn để bài viết, hình ảnh từ Trường Sa gửi về tòa soạn kịp thời cho số báo hôm sau.




Nhiều lần đến với Trường Sa, tôi và đồng nghiệp được chứng kiến sự đổi thay, lớn mạnh từng ngày của biển, đảo quê hương. Chúng tôi càng vui mừng hơn khi Nghị quyết số 09 ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 đều xác định: “Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Mới đây nhất, ngày 16-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong các cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa có thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa để bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho hạ tầng và các công trình thiết yếu khác phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa. Với sự quan tâm đặc biệt này, Trường Sa sẽ trở thành trung tâm kinh tế, quốc phòng trên biển của cả nước.

. Phóng viên Văn Giang: Tự hào và lưu luyến




Hơn 13 năm công tác tại Báo Khánh Hòa, tôi đã 2 lần được tác nghiệp ở Trường Sa, mỗi lần đi là một cảm xúc rất riêng. Chuyến đi kéo dài gần 30 ngày, gặp đúng vào mùa biển động, sóng biển cao 4-6 mét khiến tàu chao đảo, lắc mạnh làm các phóng viên vốn chưa quen với sóng biển đều nếm trải cảm giác say sóng nhớ đời. Dù vậy, sau 2 ngày 3 đêm vượt hàng trăm hải lý, khi tàu tiếp cận điểm đảo đầu tiên, vừa nghe thông báo ai cũng bật dậy, ôm máy quay, máy ảnh, mặc áo phao chuẩn bị khí thế xuống xuồng, gương mặt rạng ngời như chưa hề bị say sóng. Đặt chân lên đảo, ai nấy đều tất bật, người quay, người chụp, người phỏng vấn… Với tôi, tranh thủ thời gian ít ỏi, cố gắng gặp nhiều người lính, người dân trên các đảo để tìm hiểu kỹ về đời sống, công việc của họ, từ đó phản ánh chân thực, đầy đủ qua những bài báo, đem thông tin bổ ích, giúp bạn đọc thêm hiểu biết, cảm nhận rõ hơn về tình quân dân ở quần đảo Trường Sa. Những câu hỏi phóng viên liên tục đưa ra đều được chỉ huy, chiến sĩ, người dân trên các đảo trao đổi cởi mở. Chúng tôi càng thêm yêu quý các chiến sĩ hải quân kiên cường, vững vàng trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các đảo, điểm đảo ở Trường Sa vẫn chăm chút từng nhành cây, chậu hoa, luống rau xanh ngắt. Những nếp nhà, công trình, trường học ngăn nắp toát lên sự yên bình như bao làng quê khác trên đất nước Việt Nam. Đặc biệt, tình cảm của quân, dân nơi đây dành cho mỗi vị khách ra thăm Trường Sa luôn thắm đượm nồng nàn, khiến cho bất kỳ ai, đã ra đây rồi cứ mãi lưu luyến.

. Phóng viên Thành Long: Ấn tượng ngư trường đầy ắp cá, tôm…


Đầu năm 2020, chúng tôi cùng đoàn công tác đến thăm cán bộ, chiến sĩ điểm đảo Thuyền Chài B. Từ trên boong tàu có thể quan sát thấy những con sóng bạc đầu nối tiếp nhau đánh vào những rạn san hô đã phơi mình trên mặt biển. Một cán bộ Vùng 4 Hải quân đi cùng đoàn công tác cho chúng tôi biết, Thuyền Chài vốn là đảo chìm và chỉ nhô lên khỏi mặt nước biển mỗi khi thủy triều xuống. Tại đây có 3 điểm đảo được các chiến sĩ hải quân ngày đêm canh giữ.




Thủy triều xuống, những rạn san hô bao bọc Thuyền Chài tạo thành một hồ nước mênh mông giữa biển khơi trùng điệp với những con sóng bạc đầu. Ngồi trên chiếc ca nô cao tốc lao đi trên mặt nước, các thành viên đoàn công tác rất phấn khích vì có thể ngắm nhìn những đàn cá tung tăng bơi lội. Chốc chốc lại có một vài con cá chuồn lao lên trước mũi ca nô như thể chào đón những vị khách từ đất liền xa xôi vừa tới. Thủy triều xuống cũng là lúc những ngư dân cần mẫn đến từ các tỉnh Nam Trung Bộ thả lưới đánh bắt hải sản. Ngoài những loài tôm cá, tại Thuyền Chài, ngư dân còn có thể dễ dàng khai thác được hàng tấn ốc nhảy to bằng đầu ngón chân cái, bám đầy rêu xanh trên những rạn san hô mấp mé nước. Bắt gặp một ngư dân đến từ tỉnh Bình Định đang cùng đồng hương trên con thuyền thúng thả lưới, ông cho biết, sau khi đánh bắt đầy thuyền thúng, hải sản sẽ được đưa lên thuyền lớn cho đến khi những khoang thuyền đầy ắp thì họ nhổ neo, hướng về đất liền.


Không chỉ có Thuyền Chài, vùng biển xung quanh các đảo: Đá Lớn, An Bang, Đá Tây… cũng luôn đầy ắp cá tôm. Và để cho mỗi chuyến tàu cá đến rồi lại về đất liền an toàn, ở vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc luôn có những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ.

.  Phóng viên Thái Thịnh Hải trình đặc biệt


Tháng 4-2022, tôi lần đầu tiên vinh dự được theo đoàn công tác của tỉnh tác nghiệp ở Trường Sa. Được tác nghiệp ở Trường Sa là điều may mắn, kỷ niệm không thể nào quên trong đời làm báo của tôi. Đó là lần đầu tiên tôi được tham dự cuộc họp báo đặc biệt trên boong tàu; được cán bộ Quân chủng Hải quân hướng dẫn cách tác nghiệp khi lên ca nô trong trường hợp sóng to, gió lớn… Tác nghiệp ở Trường Sa, các phóng viên, nhà báo được bố trí những chuyến xuồng đầu tiên để vào các đảo; ai cũng hoạt động hết công suất, cố gắng chụp thật nhiều ảnh, lấy thật nhiều tư liệu về Trường Sa.




Hải trình đi qua 8 đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vừa qua đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng mỗi người chúng tôi về Trường Sa. Nơi đó có mặn mòi sóng gió, có đầm ấm tình quân dân và ý chí kiên cường của cán bộ, chiến sĩ hải quân cùng các lực lượng đang công tác, sinh sống trên huyện đảo. Tất cả đều quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…


Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202206/nha-bao-nho-chuyen-tac-nghiep-o-truong-sa-8254762/